Bà con nể phục 

Hơn một tuần nay, câu chuyện về anh Võ Đình Phúc (SN 1983) cùng mẹ, anh trai góp tiền để xây chiếc cầu bê tông mới khiến nhiều người dân địa phương nể phục.

Tìm về thôn Mỹ Hưng giữa trưa nắng oi ả, chúng tôi bắt gặp anh Phúc, dáng người mảnh khảnh, nước da ngăm đen đang tất bật tưới nước lên chiếc cầu bắc qua khe Gát, vừa được đổ bê tông.

Cầu dài 17m, gồm 5 nhịp, rộng 2,5m, cao 5m. Mới đổ bê tông mặt cầu xong, trời nắng gắt nên anh Phúc phải tưới nước thường xuyên.

Anh Phúc chia sẻ: “Gia đình chúng tôi sống gần con suối khe Gát, nơi đổ về của mấy con khe khác trong vùng. Hễ cứ mưa là ngập lụt, cả khu vực này thường bị chia cắt dài ngày. Để việc đi lại được an toàn, mọi người trong nhà đã bàn nhau xây chiếc cầu này”.

Ý tưởng này được mẹ anh - bà Đặng Thị Viết (SN 1961) và người anh trai Võ Đình Hạnh (SN 1982) hưởng ứng.

Ngay sau đó, anh Phúc đã làm tờ trình gửi lên UBND xã Thanh Mỹ để xin xây cầu. Việc này được chính quyền địa phương đồng ý và hỗ trợ thêm 7 tấn xi măng cho gia đình.

Chiếc cầu bê tông cốt thép này được anh Phúc tự mò mẫm, thiết kế với chiều dài 17m, gồm 5 nhịp, rộng 2,5m, cao 5m, đã được địa phương xem xét thống nhất. 

Mố cầu được xây bằng đá hộc và đổ bê tông kiên cố.

Một tuần trước, mọi người trong gia đình đã làm lễ khởi công xây dựng, anh Phúc là người trực tiếp chỉ đạo, thi công khiến nhiều người dân địa phương vô cùng phấn khởi.

Chồng đi làm thuê ở Hà Nội, mấy hôm nay, chị Trần Thị Hà (SN 1984, vợ anh Hạnh, chị dâu anh Phúc) phải tất bật thay chồng cùng mọi người trong gia đình làm cầu. 

“Mỗi khi đến mùa mưa lũ thì khổ lắm, chúng tôi phải gửi con sang nơi khác để các cháu đi học, chứ nước lớn nhiều ngày thì không thể nào qua khe được”, chị Hà bộc bạch.

Trụ cầu vững chắc bằng bê tông cốt thép.

Là hộ cận nghèo ở địa phương, vợ chồng anh Phúc có 3 người con nhỏ, công việc hàng ngày của anh và vợ chủ yếu là đi làm xây dựng. Anh chị chắt góp từng đồng để xây chiếc cầu theo mong ước từ lâu.

“Tôi làm xây dựng nên việc tự thiết kế chiếc cầu này không có gì khó khăn cả. Trước mắt mỗi gia đình đã đóng góp 20 triệu đồng (tổng 3 hộ được 60 triệu đồng) để mua vật liệu cát, đá, sắt thép... Đến nay, cây cầu đã thành hình qua con suối khe Gát. Số tiền còn thiếu chúng tôi sẽ góp thêm”, anh Phúc vui mừng nói.

Chung tay nối nhịp bờ vui

Trong quá trình gia đình anh Phúc xây dựng cầu, chính quyền địa phương đã đến động viên. Nhiều hộ dân trong thôn thấy việc làm ý nghĩa này nên cũng đến sẻ chia, giúp đỡ.

Ông Nguyễn Văn Thìn (SN 1956, trú thôn Mỹ Hưng) cho biết: “Việc làm của gia đình anh Phúc được mọi người trong thôn rất nể phục. Bà con chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ”.

Khi cầu xây xong sẽ không còn cảnh lo âu vào mùa mưa lũ.

“Chờ bê tông đông kết khoảng 15 ngày nữa, chúng tôi sẽ bắt tay vào giai đoạn hoàn thiện chiếc cầu như phần lan can, mở rộng đường dẫn 2 bên... Dự kiến tổng kinh phí khoảng hơn 150 triệu đồng, chưa kể nhân công. Tôi rất vui vì tâm nguyện bao nhiêu năm nay mới thực hiện được”, anh Phúc chia sẻ.

Ông Hoàng Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ thông tin: “Đây là cây cầu bê tông kiên cố, kể cả đường dẫn 2 bên mố cầu thì toàn bộ công trình có chiều dài hơn 56m. 

Gia đình anh Phúc thuộc hộ cận nghèo, mẹ và anh trai cũng không khá hơn là mấy. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cây cầu sẽ phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất cho người dân, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Việc làm của gia đình anh Phúc được nhiều người ghi nhận, cảm phục".

Anh Phúc bên cây cầu vừa hoàn thành phần thô.
Tâm nguyện làm cầu qua khe bấy lâu nay được anh Phúc cùng gia đình thực hiện.

Chia sẻ về việc làm của các hộ gia đình, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, ông Trình Văn Nhã nhấn mạnh: “Khi cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tư tưởng thì người dân sẽ đồng thuận, sẵn sàng đứng ra đảm nhận những việc có thể chúng ta chưa dám nghĩ đến. 

Đối với việc đóng góp, làm cầu của các gia đình, chính quyền vào cuộc để hỗ trợ, giúp đỡ từ việc thiết kế đến hỗ trợ xi măng, động viên, khích lệ bà con trong quá trình thi công. Chính quyền cũng đồng hành để đảm bảo yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn sau khi đưa cầu vào sử dụng. Việc làm này giúp thúc đẩy phong trào nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng nông thôn mới, mà ở đây, vai trò của người dân rất quan trọng".

Theo ông Nhã, địa phương đánh giá cao việc xây dựng cầu của các gia đình, đảm bảo cho việc đi lại được thuận lợi hơn.