- Không quảng cáo, không tiếp thị kể từ 1/3, giá sữa trẻ em được người tiêu dùng kỳ vọng sẽ giảm đáng kể. Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp kê khai lại giá trước 15/4, nhưng đến thời điểm này, chưa hãng sữa nào chịu giảm giá.
Ngừng chiết khấu, giá lại tăng
Ngày 15/4 là hạn chót mà Bộ Tài chính đưa ra, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa phải kê khai lại giá. Trong đó, các loại chi phí như quảng cáo, tiếp thị,... đối với loại sữa dành cho trẻ em dưới 2 tuổi sẽ phải được loại bỏ trong cơ cấu giá thành. Theo đó, các doanh nghiệp cũng phải giảm giá tương ứng với yếu tố này.
Trước đó, Nghị định 100 của Chính phủ ban hành đã siết chặt việc kinh doanh sữa công thức, với yêu cầu cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi kể từ 1/3.
Tuy nhiên, tới nay, ghi nhận của PV.VietNamNet trên thị trường cho thấy, vẫn không có hãng sữa nào chịu giảm giá bán lẻ.
Từ đầu năm đến nay, bằng cách này, cách khác, các hãng vẫn tiếp tục tăng giá sữa.
Thông báo ngừng chiết khấu hoa hồng của Abbott (ảnh: Phạm Huyền) |
Gần đây nhất, cuối tháng 3, Công ty Dinh Dưỡng 3A, nhà phân phối sữa Abbott đã gửi thông báo cho tất cả các đại lý của mình việc sẽ chấm dứt chương trình chiết khấu cho sản phẩm Similac IQ3. Hệ quả của động thái này là giá sữa Similac tăng tới 20.000 đồng/hộp.
Chị Vân Anh, một chủ cửa hàng sữa trên phố Cát Linh, cắt nghĩa: "Trước đây, sữa Abbott có chính sách giá lẻ thực tế được chiết khấu tới 8% so với giá niêm yết, tức giá đăng ký với Bộ Tài chính. Do vậy, giá bán lẻ hầu hết chỉ là 418.000 đồng/hộp. Cùng đó, hãng chiết khấu thêm cho chúng tôi 5% nữa, mỗi cửa hàng lại lùi lại một chút, dành 2-3% lợi nhuận này cho khách nên giá bán còn thấp hơn.Thế nhưng, với thông báo này, chúng tôi lại phải bán đúng giá là 438.000 đồng/hộp".
Kể từ 1/6/2014 đến nay, có 606 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được đăng ký giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mức giá giảm khoảng 0,1-34% so với trước khi áp trần. |
Theo chủ cửa hàng này, các hãng sữa khác cũng đều có chính sách tương tự. Nhưng sau khi ngừng các chương trình khuyến mại, quảng cáo, tiếp thị, các sản phẩm lại trở về mức giá như niêm yết, người tiêu dùng sẽ rất thiệt. Các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng gì.
Đó là lý do vừa qua, hầu như các chủ hàng bán lẻ sửa đều vắn tắt nói gọi rằng: sữa Abbott tăng 8%.
Sản phẩm sữa mới dành cho trẻ từ 2-4 tuổi của Mead Johnson và 9 sản phẩm mới của hãng Friesland Campina cũng có mức giá cao hơn hẳn so với dòng cũ.
Đại diện truyền thông của các hãng sữa đều khẳng định, không có chuyện tăng giá, lách luật ở đây. Các hãng đã đầu tư cả năm để có một công thức mới, đưa ra loại sữa mới chất lượng hơn nên giá phải khác.
Giá liệu có giảm đáng kể?
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính quả quyết: "Loại bỏ chi phí quảng cáo, chắc chắn, sữa phải giảm giá!”.
Ông cho hay, hết 15/4 là hết hạn kê khai lại giá cho các hãng sữa và theo quy định, phải 5 ngày sau mới có hiệu lực giá mới.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các hãng sữa có thể giảm giá được bao nhiêu và có thực sự tương ứng với khoản chi phí quảng cáo tiếp thị đã được loại bỏ?
Sữa mới giá cao |
Cách đây tròn 1 năm, Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp sữa cho thấy, chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị ở 4 công ty đã vượt mức 386 tỷ đồng so với quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Khoản này đã làm tăng giá thành, tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tương ứng từ 2,18% đến 16,39% .
Trong đó, công ty Dinh Dưỡng 3A chi vượt mức quy định 69 tỷ đồng; Mead Johnson Nutrition chi vượt mức quy định 249 tỷ; Nestle Việt Nam đã chi vượt mức là 67 tỷ; Friesland Campina Việt Nam chi vượt mức 817 triệu đồng. Riêng Công ty Cổ phần sữa Việt Nam có chi phí quảng cáo, khuyến mại lên tới 811 tỷ đồng, chiếm 21% giá thành.
Ngay sau đó, Bộ Tài chính yêu cầu áp trần giá sữa kể từ 1/6 và giá đã giảm từ 0,3- 34% tuỳ loại.
Ngoài ra, diễn biến thị trường của ngành sữa này đều thuận cho việc giảm giá.
Theo Bộ Công Thương, giá sữa nguyên liệu quý I đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, giá sữa trung bình trên thế giới quý I là 2.285 USD/tấn đối với sữa bột tách kem tại châu Mỹ, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá sữa bột 1,25% bơ tại châu Úc là 2.633 USD/tấn, giảm gần 30% và sữa bột 26% chất béo tại châu Âu là 2.573 EUR/tấn, giảm 17% so với quý I/2014.
Các chuyên gia của Bộ Công Thương cũng băn khoăn, giá sữa bán lẻ trong nước vẫn chưa giảm là một nghịch lý lớn ở Việt Nam.
Trong khi đó, một đại diện của Bộ Tài chính cho biết, qua kết quả kiểm tra giá sữa cuối năm 2014 thì thấy, chỉ số giá sữa thế giới giảm, nhưng giá nhập khẩu của các hãng kê khai qua hải quan vẫn đứng yên.
Kinh nghiệm từ đợt áp trần giá sữa ngày 1/6/2014, các hãng sữa một mặt vẫn tuân thủ, nhưng một mặt, lại có thêm chiêu rút ruột, thay họ đổi tên,... để thoát khỏi “vòng kim cô” giá trần.
Tổng cục Hải quan cho hay, giá trị nhập khẩu sữa cũng giảm mạnh. Tháng 2, cả nước đã nhập khẩu 56,6 triệu USD sữa và sản phẩm, giảm 34% so với tháng trước đó. Tính chung cả hai tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 143 triệu USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2014. Việt Nam nhập khẩu sữa từ 13 thị trường, trong đó New Zealand là nguồn cung chính, chiếm 39%, kế đến là Hoa Kỳ 15%, Thái Lan 13%, Đức 7%, các nước khác gồm: Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đan Mạch,... chiếm 21% thị phần. |
Phạm Huyền