Lời khuyên từ chuyên gia quản lý thị trường

Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay, các website thương mại điện tử hoặc các sàn thương mại điện tử bán hàng bắt buộc phải sử dụng các kênh giao nhận, vận chuyển, để sau khi khách hàng hoàn tất đơn hàng trên website/sàn thì có đơn vị giúp giao sản phẩm đến tận tay khách hàng. Do sự phát triển mạnh của thương mại điện tử thời gian qua, đã có rất nhiều hãng vận chuyển trung gian tham gia hoạt động ở thị trường Việt Nam.

Cần làm gì để không bị tráo hàng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát?
Người gửi cần kê khai rõ ràng, chính xác hàng gửi, nhất là hàng giá trị cao.

“Để tránh rủi ro bị tráo hàng khi gửi qua các đơn vị giao nhận, vận chuyển, bảo vệ được quyền lợi của mình, thì giải pháp đầu tiên tôi khuyến nghị là người tiêu dùng và cả người bán hàng phải lựa chọn đơn vị vận chuyển có uy tín, có kinh nghiệm, có các chế độ về bảo hiểm cho các sản phẩm được vận chuyển qua mạng lưới giao nhận”, ông Minh chia sẻ với phóng viên Báo VietNamNet.

Thường thì việc đánh tráo hàng thường xảy ra khi giữa người bán - người giao hàng - người mua không được đồng kiểm sản phẩm hàng hóa đó. Bởi vậy, cần phải giới hạn trách nhiệm giữa sàn giao dịch, người bán hàng và đơn vị vận chuyển, thậm chí cả người mua hàng. Các chính sách đồng kiểm hàng hóa phải rất rõ ràng.

“Người tiêu dùng phải nhận thức được việc họ có được phép đồng kiểm hàng hóa trước khi nhận hoặc có quyền từ chối nhận, trả lại món hàng đó hay không. Người tiêu dùng cũng phải tìm đến những người bán có uy tín. Bởi việc mất mát, tráo hàng hóa không chỉ xảy ra với đơn vị vận chuyển trung gian mà còn có thể do cả một số đối tượng xấu lợi dụng chính sách của đơn vị vận chuyển, giao nhận, trà trộn sản phẩm không đúng theo cam kết ban đầu”, ông Minh lưu ý.

Ngoài ra, cũng theo ông Minh, trên thị trường đã có nhiều giải pháp về bảo hiểm, về thanh toán sau, thanh toán bảo đảm… Người tiêu dùng nên sử dụng các biện pháp đó để tự bảo vệ mình. Nếu không sẽ phải nhờ đến cơ quan quản lý nhà nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông của các doanh nghiệp bưu chính và các sàn thương mại điện tử phải rất rõ ràng, minh bạch, để người tiêu dùng có thể tiếp cận được ngay. Bởi vì thói quen mua hàng trên Internet của người tiêu dùng là sẽ lướt rất nhanh, nếu không bố trí cách thức truyền thông cho tốt thì người tiêu dùng sẽ không thể nhận biết được.

Sàn giao dịch và doanh nghiệp vận chuyển phải công bố rõ ràng thông tin về việc có chính sách bảo hiểm hay không. Nếu không thì khi xảy ra rủi ro sẽ ảnh hưởng tới uy tín của các sàn giao dịch, người bán hàng. Các bên phải hợp tác với nhau để người tiêu dùng cảm thấy thoải mái nhất, lựa chọn được những doanh nghiệp vận chuyển tốt.

“Khi có các chương trình giảm giá, khuyến mại, lượng đơn hàng tăng mạnh, rất dễ xảy ra sự cố về giao nhận, chuyển phát hàng hóa thương mại điện tử. Rất khó để đối phó với nguy cơ mất hàng, tráo đổi hàng. Chẳng hạn những đợt siêu sale như 9/9, 11/11, 12/12, có những đơn vị tăng sản lượng từ 1.000 đơn hàng lên 3.000 thậm chí 10.000 đơn hàng thì cũng có thể tạo cơ hội lợi dụng làm việc phi pháp cho những đối tượng xấu, không chỉ là nhân viên vận chuyển, giao nhận, mà nhiều khi cả là người bán hàng hoặc người mua hàng. Giải pháp phòng ngừa rủi ro phải cân nhắc nhiều chiều”, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường phân tích.

Khuyến nghị của chuyên gia thương mại điện tử

Trao đổi với phóng viên Báo VietNamNet, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thẳng thắn nhìn nhận: Hiện tượng bị tráo hàng khi gửi qua dịch vụ bưu chính - chuyển phát không phải bây giờ mới có nhưng trước đây ít khi xảy ra và chỉ xảy ra đối với hàng có giá trị cao.

“Khi bị tráo hàng, bản thân người chịu thiệt hại phải khiếu nại để điều tra, làm rõ xem sai phạm ở khâu nào”, chuyên gia đến từ VECOM đưa ra lời khuyên.

Ông Minh cũng lưu ý, khi gửi hàng có giá trị cao, người gửi phải kê khai rõ giá trị hàng hóa, và yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển phải cam kết đảm bảo an toàn bưu gửi (trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ như hiện nay, người gửi hàng có thể mua cả bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho gói hàng của mình). Nếu không kê khai, đến khi bị mất hoặc tráo đổi, nếu nói là hàng giá trị cao thì không ai làm chứng.

Cần làm gì để không bị tráo hàng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát?
Các doanh nghiệp bưu chính lớn thường công bố rõ ràng chính sách đồng kiểm hàng hóa.

“Theo quy trình của các doanh nghiệp chuyển phát thì các lô hàng giá trị cao sẽ phải gửi đảm bảo, mức phí cao hơn so với dịch vụ vận chuyển thông thường. Thế nhưng trên thực tế, vẫn có không ít người kê khai sai để tiết kiệm chi phí, đến khi có sự cố xảy ra sẽ rất khó bảo vệ quyền lợi của mình”, chuyên gia của VECOM phản ánh hiện trạng.

Về phía các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát, khi có khiếu nại của khách hàng, cần phải tiến hành điều tra rõ ràng, bồi hoàn cho khách hàng nếu lỗi sai thuộc về phía doanh nghiệp. “Kể cả trường hợp người gửi hàng giá trị cao nhưng không kê khai đúng giá trị thì cũng có thể bồi hoàn cho họ. Phải thay đổi hệ thống quy trình xử lý rủi ro, nhất là với các doanh nghiệp chuyển phát nhanh. Song hiện nay, nhiều doanh nghiệp làm khâu này rất yếu, không xử lý được nghiêm khắc đối với người sai phạm”, ông Minh nhận định.

Trên thực tế, các doanh nghiệp bưu chính lớn đều có quy trình rất chặt chẽ nhưng vẫn khó có thể kiểm soát rủi ro tới từng bưu tá, nhân viên chuyển phát khi trên mạng lưới có tới hàng nghìn, hàng vạn nhân viên, bưu tá. Nếu tình trạng bị tráo đổi hàng xảy ra nhiều lần mà không được xử lý tốt thì doanh nghiệp bưu chính - chuyển phát sẽ mất uy tín, mất cơ hội kinh doanh.

Nhìn ra quốc tế, các hãng chuyển phát nước ngoài làm việc này rất chặt chẽ. Trong hợp đồng làm việc của nhân viên chuyển phát đã ghi rõ các mức xử lý nếu xảy ra sai phạm, ví dụ như trừ lương, tiền phúc lợi, thậm chí có thể xử lý hình sự… Các doanh nghiệp chuyển phát Việt Nam cũng cần có các cam kết chặt chẽ như vậy.

Cùng với đó, các doanh nghiệp chuyển phát cần tăng cường ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn khi chấp nhận bưu gửi có thể dùng máy quét để kiểm tra hình ảnh xem sản phẩm trong gói hàng có đúng với kê khai hay không, khi người nhận khiếu nại rằng hàng không đúng như lúc gửi thì có thể sử dụng hình ảnh này để kiểm tra lại.

Hoặc ứng dụng công nghệ để kiểm soát lộ trình giao hàng của nhân viên như gắn thiết bị GPS trên xe giao hàng chặng cuối (quy trình làm việc liên tục thì khó có thời gian để tráo hàng - PV).

Ngoài ra, có thể ngăn ngừa nguy cơ đánh tráo hàng bằng các biện pháp như áp dụng mã vạch, niêm phong, ghi rõ trọng lượng… Nếu có hiện tượng tráo hàng thì hàng loạt thông số sẽ bị thay đổi. Với sự phát triển của các công nghệ tiên tiến hiện nay thì có thể dễ dàng làm được những giải pháp như vừa nêu.

“Chính quy trình lỏng lẻo của các doanh nghiệp chuyển phát mới là kẽ hở để tạo điều kiện cho nạn tráo hàng. Với quy trình chặt chẽ, khi có khiếu nại của khách hàng, doanh nghiệp chuyển phát có thể tự tin kiểm tra và xác định rõ lỗi của ai, qua đó đảm bảo uy tín thương hiệu cho chính doanh nghiệp”, ông Nguyễn Bình Minh chia sẻ thêm.

Bình Minh

Tráo đổi, trộm cắp bưu gửi có thể bị xử lý hình sự

Tráo đổi, trộm cắp bưu gửi có thể bị xử lý hình sự

Theo ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ trên 2 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự. Giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất chính là sự cảnh giác của người nhận hàng.