Trên con đường Hồ Tông Thốc (thành phố Đà Nẵng) yên bình, có một căn nhà đặc biệt mang tên "Father's House" (Nhà của bố). "Nhà của bố" nhưng nơi đây lại không có bóng dáng đàn ông, chỉ có những người mẹ trẻ đơn thân đầy nghị lực cùng những đứa con thiếu vắng tình thương của cha.

Buồn thương lưu dấu

Tôi đến "Nhà của bố" cùng chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trợ lý Giám đốc khu vực Đông Nam Á – Tổ chức Trả lại tuổi thơ, vào một buổi trưa, khi các bà mẹ đang chăm chút đút cho con từng muỗng cơm. Khi chị Ngọc Anh trao những đôi giày cũ, gương mặt non nớt của những người mẹ trẻ bừng sáng, hồn nhiên như trẻ thơ.

Thấy T.N (SN 1987) vẫn còn lui cui cho con gái ăn, cô Nguyễn Thị Mai (SN 1961, một trong hai bảo mẫu ở "Nhà của bố") vội vàng kêu: "N., con ra đây tý đã, thử đôi giày này vừa không?". Nhìn N. ướm thử, cô Mai hào hứng: "Dì biết mà, nhìn thấy nó là dì nghĩ ngay nó vừa chân của con". Những bà mẹ khác cũng không ngớt lời khen. Tiếng cười, sự ấm áp lan tỏa khắp không gian hòa cùng giọng ríu rít trẻ thơ. Nơi đây, tất cả đều là người một nhà, là gia đình thân thương...

Mọi người quay trở lại bàn, vừa rôm rả trò chuyện, vừa tiếp tục công việc dang dở được một lúc thì hai bà mẹ khác đi học về. Chào mọi người xong, T.T.H ôm chầm lấy con gái, nựng nịu. Cô bé có đôi mắt xoe tròn, nhìn mẹ cười khúc khích.

{keywords}

Những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay của hai bảo mẫu

Tâm sự về quãng đời đã qua, giọng H. vẫn vương buồn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông nghèo có 7 người con ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), H. dang dở đường đến trường khi đang học lớp 10. Để đỡ đần gánh mưu sinh giúp cha mẹ, H. vào Đồng Nai phụ giúp việc. Cũng nơi đây, tình yêu đầu đời của H. nảy nở cùng một người thanh niên lớn hơn 1 tuổi, là đầu bếp một quán ăn. Tin tưởng, H. đã trao đời con gái cho bạn trai sau một năm yêu thương.

"Anh theo đạo Thiên Chúa, còn em theo đạo Phật. Khi biết tin em có thai, anh nói em về nhà học giáo lý hôn nhân và gia đình rồi mới kết hôn được. Sợ điều tiếng ở quê, em không về nhà mà ở nhờ phòng trọ với người chị tại Đà Nẵng. Khi ấy, em vui và hạnh phúc lắm. Lúc nào cũng mường tượng cảnh đám cưới của hai đứa, rồi cảnh đùa chơi cùng con. Nhưng sau khi em học giáo lý xong, anh lẳng lặng cắt đứt liên lạc. Gia đình anh biết em có thai, nhưng quyết định cưới hay không là ở anh. Anh không cưới, gia đình bên kia cũng im lặng...", H. cười buồn.

Cha mẹ không chấp nhận con gái chưa chồng mà có con nên em trở thành người không chốn nương thân. Nhưng H. kiên quyết không bỏ con, dù phải chịu không ít lời thị phi, đàm tiếu. Rồi em được người quen giới thiệu đến "Nhà của bố", vượt cạn trong vòng tay yêu thương của những người xa lạ.

Bạn trai biệt tăm, gia đình từ bỏ dường như là câu chuyện chung của hầu hết người mẹ trẻ nơi đây. Bên cạnh vết thương lòng chất chồng, các em còn đối mặt trước lựa chọn phá thai, như trường hợp của B.N.A (SN 1994). A. quê ở Quảng Trị, quen và yêu bạn trai quê ở Nghệ An khi cả hai cùng theo học một trường Đại học ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi biết tin A. mang thai, chàng trai đã yêu cầu bạn gái phá bỏ giọt máu của mình. Đau lòng, A. bảo lưu kết quả học tập, về cầu cứu gia đình với hy vọng được giữ lại mầm sống đang tượng hình.

Mẹ A. thương con nhưng lại không chịu nổi đòn roi và những lời nhiếc mắng của chồng nên dắt díu A. vào bệnh viện ở Đà Nẵng để phá bỏ. Cái thai đã 5 tháng, quá lớn nên không thể tiến hành. Bà để A. lại một ngôi chùa rồi nuốt nước mắt, trở về quê. Sau cùng, nhờ người quen giới thiệu, A. về ở "Nhà của bố" khi cái thai đã gần 8 tháng.

"Con là tất cả hạnh phúc..."

Hơn 7 năm gắn bó cùng "Nhà của bố", cô Mai thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tính, tâm tư... mỗi bà mẹ trẻ từng có thời gian lưu dấu nơi đây. Thương nỗi nhọc nhằn mà các em đang trải qua, cô Mai coi bà mẹ và trẻ thơ nơi đây như con cháu của mình. Không chỉ chăm sóc từng ly từng tí, không chỉ tỉ mẩn truyền đạt kiến thức, cô Mai còn tỉ tê tâm sự, giúp các em vượt qua nỗi mặc cảm, tự tin hơn để có thể tự mình đương đầu với khó khăn, tự lập trong cuộc sống.

"Không chỉ đau nỗi đau thể xác, các em còn nặng trĩu nỗi buồn tinh thần khi nhìn mọi người đều có gia đình túc trực bên cạnh khi sinh nở. Chứng kiến hơn 50 em vượt cạn mà không có người thân bên cạnh, lần nào tôi cũng không kìm được nước mắt. Có đứa cứ siết chặt tay tôi, hoảng loạn: "Dì ơi, con đau lắm. Dì ơi, con sợ lắm...", cô Mai rưng rưng.

Những người mẹ trẻ sống ở "Nhà của bố" đều hằn sâu vô vàn vết thương lòng. Nhưng họ đã và đang bắt đầu cuộc đời mới tràn đầy niềm tin nhờ vào tình mẫu tử thiêng liêng và bao tấm lòng rộng mở.

"Hiện tại, em đang theo học nghề may để sau này có thể tự đi làm, nuôi con. Con em gần được 1 tuổi rồi. Con là tất cả hạnh phúc của em. Giờ em có con là thấy đủ rồi...", H. khoe mà giọng nghẹn ngào. Đôi mắt của cô gái trẻ trìu mến nhìn con, lấp lánh hạnh phúc.

Trong khi đó, cô Mai cười hiền chia sẻ niềm vui của mình: "Khi biết mình có thai, em T.T.N (SN 1992, quê Đại Lộc) sống trong nhiều nỗi sợ hãi, sợ bạn trai sẽ "quất ngựa truy phong", sợ cha mẹ đuổi đánh, sợ gia đình người yêu coi thường. Vì vậy, N. không báo tin cho bạn trai biết mà lặng lẽ bỏ đi. Bạn trai N. dò hỏi gần cả năm trời mới biết N. đang sống ở đây. Mới hôm qua, ông bà nội và cha của đứa bé đến, tha thiết được đón mẹ con N. về chăm sóc. Bạn trai N. năn nỉ, hứa với chúng tôi sẽ luôn yêu thương vợ con. Hôm qua cũng là đầy tháng của đứa bé. Thấy cả nhà sum họp, tôi vui mà nước mắt cứ chảy...".

Tôi ra về, vẳng lại sau lưng là tiếng trẻ thơ bi bô gọi hai bảo mẫu - "ngoại Mai", "ngoại Loan". Tôi ra về, lưu lại trong tim nụ cười rạng ngời của những bà mẹ trẻ đơn thân...

"Nhà của bố" là một chương trình của tổ chức Trả lại tuổi thơ. Đây là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2002 bởi cặp vợ chồng người Mỹ, Robert Kalatschan và Dorothea. Mục tiêu mà tổ chức này hướng đến là cải thiện cuộc sống cho trẻ thơ thông qua các chương trình: dinh dưỡng, nhà tình thương, chăm sóc y tế và giáo dục.

Chị Ngọc Anh chia sẻ: "Nhà của bố" ra đời với mong muốn giúp đỡ các bà mẹ trẻ đơn thân vượt qua giai đoạn khủng hoảng, được sinh và nuôi dưỡng con. Tuy nhiên, trong khả năng có hạn, chúng tôi ưu tiên những bà mẹ trong độ tuổi từ 14-22, chấp nhận nuôi con và đi học trở lại. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bà mẹ trang bị thêm kiến thức thông qua các chương trình Đại học, Cao đẳng hay học nghề để có thể tự nuôi con bằng chính sức lao động của mình sau khi tốt nghiệp. Sau hơn 7 năm thành lập, đến nay "Nhà của bố" đã nâng đỡ 54 bà mẹ".

(Theo Khám phá)