Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. Có chiều dài khoảng 10.400 km, tuyến cáp này được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps.
Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam, APG được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Như ICTnews đã đưa tin, vào ngày 15/4, tuyến cáp biển APG đã gặp sự cố trên phân đoạn S1.7 cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 910 km. Nguyên nhân sơ bộ được đơn vị quản lý tuyến cáp biển APG xác định là do đứt sợi trên phân đoạn S1.7. Sự cố cáp APG gặp phải trong lần đầu tiên của năm 2022 đã gây gián đoạn toàn bộ dịch vụ kết nối Internet đi quốc tế trên tuyến cáp.
Hiện tại, đơn vị quản lý tuyến cáp APG vẫn chưa thông báo về lịch sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra ngày 15/4 trên nhánh S1.7 (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong thông tin chia sẻ với ICTnews ngày 24/4, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, từ sáng ngày 22/4, đơn vị quản lý tuyến cáp đã hoàn thành việc cấu hình lại nguồn của hệ thống cáp biển APG. Sau khi cấu hình nguồn, toàn bộ lưu lượng trên tuyến cáp APG, bao gồm cả hướng kết nối đi Singapore của tuyến, đã được khôi phục.
Đại diện ISP này cũng cho biết thêm, đây chỉ là phương án cấu hình nguồn tạm thời của hệ thống để khôi phục dung lượng. Khi hệ thống huy động được tàu sửa chữa thì dung lượng kết nối trên tuyến cáp biển APG sẽ bị mất trong quá trình khắc phục sự cố xảy ra ngày 15/4.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các ISP tại Việt Nam vẫn chưa được đơn vị quản lý tuyến cáp biển APG thông báo về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra ngày 15/4 trên nhánh S1.7 của tuyến cáp.
APG là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm (Asia - America Gateway), SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Liên Á (IA - Intra Asia) và AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1).
Dự kiến từ năm 2023, các nhà mạng tại Việt Nam sẽ có thêm tuyến cáp ADC để bổ sung dung lượng kết nối quốc tế. Tuyến cáp quang biển ADC kết nối các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Singapore, Nhật Bản, HongKong (Trung Quốc), Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
Cáp ADC có chiều dài cáp ngầm là 9.800km, dung lượng đạt trên 140 Tbps, sử dụng công nghệ truyền dẫn hiện đại nhất hiện nay, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu USD. Tuyến cáp biển này có thể đáp ứng triển khai các ứng dụng kết nối Internet quốc tế yêu cầu tốc độ cao như: Internet vạn vật (IoT), tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR/VR); đồng thời đảm bảo an toàn, dự phòng mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet và các dịch vụ kết nối quốc tế khác.
Vân Anh
Cáp biển APG gặp sự cố, nhà mạng làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng tới người dùng?
Xác nhận thông tin cáp APG gặp sự cố vào ngày 15/4, các nhà mạng VNPT, Viettel, CMC, FPT đều triển khai phương án chuyển lưu lượng quốc tế sang các hướng cáp khác để bảo đảm chất lượng dịch vụ cho khách hàng.