Phút thứ 3 trong trận đấu giữa CLB Bình Dương và Hà Nội diễn ra vào chiều 5/5, cầu thủ Nguyễn Hoàng Thiện Đức của Bình Dương đã có va chạm rất mạnh với cầu thủ Omar của đội khách.
Ngay sau đó, Thiện Đức nằm bất tỉnh trên sân, có dấu hiệu co giật. Trọng tài chính Ngô Duy Lân phát hiện cầu thủ có hiện tượng “nuốt lưỡi” nên nhanh trí dùng tay tách 2 hàm của cầu thủ Thiện Đức. Thành Lương cũng tháo băng đội trưởng để nhét và giữa 2 hàm của đồng đội tránh hiện tượng nuốt lưỡi trước khi xe cấp cứu kịp đến sân.
Cầu thủ Nguyễn Hoàng Thiện Đức có dấu hiệu co giật và có hiện tượng "nuốt lưỡi" sau va chạm mạnh vói cầu thủ đội bạn |
Trên thế giới đã từng chứng kiến nhiều cầu thủ bóng đá bị “nuốt lưỡi” sau va chạm. Mới nhất, trong vòng loại World Cup 2018, tiền vệ Moussa Doumbia của đội Mali đã bị bất tỉnh sau khi va chạm đầu mạnh với cầu thủ của đội Bờ Biển Ngà. Phát hiện cầu thủ đội bạn có dấu hiệu nuốt lưỡi, hậu vệ người Bờ Biển Ngà đã can thiệp kịp thời “kéo” lại lưỡi cho Moussa Doumbia.
Vào năm 2017, cầu thủ Fernando Torres, CLB Atletico Madrid cũng bị ngã đập đầu, bất tỉnh trên sân cỏ sau va chạm với cầu thủ đội bạn và cũng gặp tình trạng “nuốt lưỡi” tương tự.
Cụm từ “nuốt lưỡi” được biết đến nhiều trong thể thao khi bị co giật, hôn mê, tuy nhiên thực tế đây chỉ là một cách gọi chứ không đúng về mặt y khoa do mặt dưới lưỡi được nối liền với sàn miệng bằng một dải mô, được gọi là hãm lưỡi (thắng lưỡi), giúp cố định lưỡi. Do đó, không có khả năng nuốt lưỡi vào trong một cách cơ học.
Thắng lưỡi phía dưới giúp cố định lưỡi |
Theo giải thích của y học, hiện tượng "nuốt lưỡi" thực chất xảy ra khi 1 người bất tỉnh, khiến cơ lưỡi giãn ra, có thể chèn ép đường thở, đặc biệt khi nạn nhân ở tư tế nằm ngửa. Khi bị nghẹt đường thở không được cấp cứu kịp thời có thể gây tím tái do thiếu oxy, có thể tử vong.
Tuy nhiên, chỉ những trường hợp chấn thương nặng, hôn mê sâu mới khiến lưỡi tụt vào sâu, còn các trường hợp não vẫn hoạt động, sẽ kích thích cơ lưỡi trở lại bình thường.
Theo BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, trường hợp ở bệnh viện, bệnh nhân bị hôn mê sâu, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để phòng tụt lưỡi.
Nếu trường hợp bệnh nhân cắn phải lưỡi, đứt lưỡi, chảy máu nhiều, bác sĩ cấp cứu sẽ phải đặt ống nội khí quản, mở khí quản cấp cứu.
Trường hợp nạn nhân bị co giật, có dấu hiệu tụt lưỡi hoặc đã tụt lưỡi, BS Chính khuyến cáo, cách sơ cứu tốt nhất là đặt nạn nhân nằm nghiêng sang 1 bên, đầu hơi cao để tránh làm tắc đường thở.
Ngay sau đó gọi người hỗ trợ và gọi ngay cấp cứu. Nếu trên người bệnh nhân có vòng, cần tháo ra đồng thời nới rộng quần áo cho bệnh nhân, tạo môi trường thông thoáng xung quanh. Thường các cơn động kinh sẽ tự hết sau vài phút và bệnh nhân sẽ tỉnh lại, thở bình thường.
“Tuyệt đối không đặt bất cứ vật gì vào miệng bệnh nhân, kể cả giẻ. Điều này hoàn toàn sai lầm và không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ thứ gì khi lên cơn co giật vì rất dễ nghẹt đường thở”, BS Chính khuyến cáo.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Hoa Kỳ (CDC) thống kê, có khoảng 10% dân số có thể co giật trong suốt cuộc đời. CDC khuyến cáo, nếu co giật trên 5 phút không hồi, bắt buộc phải gọi cấp cứu.
Minh Anh
Nữ diễn viên Nhật Bản phải cắt lưỡi để sống, cảnh báo 5 dấu hiệu ung thư miệng
Các bác sĩ khuyên mọi người đừng bỏ qua những triệu chứng bất thường trong khoang miệng, rất có thể là diễn biến nguy hiểm của bệnh ung thư khoang miệng.