Không khạc nhổ nơi công cộng. Bỏ rác vào thùng. Tiểu tiện đúng nơi quy định. Nói tiếng Anh đúng cách.

Ở Singapore, trẻ em lên 3 đã được dạy những kỹ năng hành xử trong các lớp học đắt tiền.
Singapore trở nên nổi tiếng với những chiến dịch do chính phủ đầu tư nhằm giải phóng xã hội khỏi những thói quen xấu từ quá khứ kiệt quệ, nhưng các bậc phụ huynh nước này còn tự “nâng cấp” ở mức độ cao hơn.

Lớp học nghi thức hành xử đắt tiền để biến các cô, cậu bé thành các quý bà và quý ông đích thực đang ngày càng trở nên phổ biến với người dân Singapo vốn không bằng lòng với những lớp học bale hay dương cầm truyền thống.

“Tôi nhận thấy rằng tốt nhất nên giáo dục con trẻ trước khi những thói quen xấu có cơ hội tiến triển, và những kỹ năng này sẽ luôn đồng hành cùng chúng trong suốt cuộc đời", Eunice Tan, giảng viên kiếm nhà tư vấn Học viện nghi thức hiện đại Image Flair nói.

“Những kỹ năng trẻ học được ở các lớp giao tiếp xã hội sẽ còn lại tới lúc trẻ trưởng thành và phát huy ảnh hưởng trong suốt cuộc đời còn lại của trẻ", bà nhấn mạnh.

Khi tăng trưởng kinh tế vượt bậc biến Singapore thành một trong những xã hội giàu có nhất thế giới thì các nhà bình luận và quan chức chính phủ vẫn thừa nhận rằng, người dân Singapo chưa bắt kịp các nghi thức đi trước.

Với đặc thù tổ chức vào các kỳ nghỉ tháng 6 và tháng 12, những lớp học hành xử dành cho trẻ em không hề rẻ, mỗi giờ học ước tính từ 30 tới 48 đôla Singapore (tương đương 22 tới 35 USD). Tuy vậy, vẫn có nhiều phụ huynh đủ khả năng đáp ứng mức học phí đó. Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người ở Singapore đứng ở mức 35.924 USD năm ngoái, biến nước này thành quốc gia giàu thứ 33 trên thế giới.

Tan, người tổ chức các lớp học với mỗi lớp chỉ có 10 học viên cho hay, bà phải mở lớp mới trong dịp nghỉ hè vì tất cả các lớp đều kín người đăng ký trước, khác xa hoàn toàn so với khởi đầu khiêm tốn từ 4 năm trước đây.

Các bài học phân thành ba mức, mở đầu bằng bài dạy trẻ lên 3 cách chào hỏi mọi người. Mức hai dạy văn hóa hành xử qua điện thoại cũng như các kỹ năng kiểm soát sự giận dữ và khóa học cao nhất truyền đạt những giá trị như tính trung thực và tính trách nhiệm.

“Sau khoá học, trẻ em lại háo hức thể hiện những phong cách hành xử mới trước cha mẹ, gia đình và bạn bè, là những kỹ năng mời dùng bữa, sự khoan dung chia sẻ với anh chị em trong nhà và tình cảm với vật nuôi”, bà Tan cho biết.
Nhưng không phải cha mẹ nào cũng quan tâm tới cách hành xử xã hội của con em mình, Elaine Heng, sáng lập viên của công ty tư vấn hình ảnh cùng tên - nơi cung cấp các lớp học tương tự nói. Công ty của Heng còn giới thiệu các lớp học ăn mặc và hành xử cho các trường học và tổ chức với sự tham gia của 2.000 học viên.

“Sẽ dễ dàng hơn nhiều với bên thứ ba, như chúng tôi, để dạy học viên các nghi thức xã hội vì nhiều bậc phụ huynh có lẽ không biết bắt tay vào giải quyết việc này như thế nào”.

Agnes Koh thuộc công ty đào tạo Nghi thức và Hình ảnh Quốc tế cho rằng, thiếu hành xử xã hội phù hợp có thể là kết quả từ việc quá tập trung vào việc học tập. “Nhiều cha mẹ đang tự đua tranh với nhau để biến con cái thành những cỗ máy ghi điểm thành tích trong giáo dục. Tính ôn hoà và khiếm tốn đã bị suy giảm”.

  • Huy Tuấn (Theo Thejakartaglobe)