Liên tiếp phải triệu hồi xe, nhận các án phạt nặng do phần mềm gian lận khí thải động cơ diesel và nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm, Daimler - tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz - được cho là sẽ triển khai một chương trình cắt giảm chi phí khắc nghiệt, mà theo đó, 10% vị trí lãnh đạo (khoảng 1.100 người) sẽ bị sa thải, và "đóng băng" lương thưởng của 300.000 công nhân tại Đức.
Đó là thông tin được đăng tải trên nhật báo Süddeutsche Zeitung của Đức, viễn dẫn nội dung một email gửi cho hội đồng việc làm của tập đoàn. Thông tin này đã được xác nhận bởi tờ Handelsblatt và DPA của Đức.
Daimler từ chối xác nhận thông tin sa thải lãnh đạo, nhưng thông tin này được cho là sẽ có trong tuyên bố của CEO Ola Kallenius tại cuộc họp về thị trường vốn của công ty vào ngày 14 tới ở London. Ông Kallenius được cho là cũng sẽ yêu cầu các công nhân ở Đức không đòi tăng lương vì nhà sản xuất ô tô Đức này đang phải đối mặt với những căng thẳng thương mại toàn cầu, các đợt triệu hồi xe tốn kém và một khoản phạt lớn từ các cơ quan chức năng Đức, liên quan tới việc kiểm tra khí thải.
Daimler đã trích lập quỹ dự phòng 2,6 tỉ euro để trả các chi phí liên quan tới bê bối động cơ diesel trong nửa đầu năm 2019, sau khi Cơ quan Quản lý phương tiện cơ giới Đức (KBA) yêu cầu nhà sản xuất ô tô này phải triệu hồi 60.000 xe GLK do sử dụng phần mềm gian lận khí thải. Tuy nhiên, Daimler không nêu rõ bao nhiêu trong số đó dành để trang trải các đợt triệu hồi xe, trả tiền phạt và giải quyết khiếu nại. Thêm vào đó, tập đoàn ô tô Đức này đã lỗ ròng 1,2 tỉ euro (1,3 tỉ USD) trong quý 2 năm nay, quý đầu tiên ghi nhận lỗ trong vòng 10 năm qua.
Các thông tin trên chắc chắn không được các nhân viên của tập đoàn chào đón, đặc biệt là tin không tăng lương. Chủ tịch hội đồng việc làm, cũng là thành viên uỷ ban giám sát của Daimler - ông Michael Brecht cho biết các biện pháp trên sẽ không được chấp nhận. “Yêu cầu này chắc chắn sẽ gây phẫn nộ và không được cảm thông,” ông nói. Và dù cho thừa nhận rằng việc cắt giảm chi phí là không thể tránh khỏi, nhưng ông thấy kế hoạch của CEO Kallenius không phù hợp với tình hình tài chính của công ty nên không chấp nhận.
Ông Kallenius và Brecht đã có các buổi họp nhưng chưa đạt được sự thống nhất nào.
Theo Dân trí
Bán xe "cắm" ngân hàng, chủ showroom lẩn trách nhiệm, khách bất lực tố cáo
Thương lượng bất thành, anh Dương Văn Nam (Hà Nội) đã đến cơ quan Công an tỉnh Thái Nguyên tố cáo chủ showroom ô tô Thọ Hương (Thái Nguyên) vì lẩn trách nhiệm khi bán xe "cắm" ngân hàng với giấy tờ đăng ký xe nghi làm giả.