- Ki cóp cả đời được chút tiền dưỡng già, bà cụ 84 tuổi đau đớn khi bị chính đứa cháu gái ngoại của mình lừa lấy đi phần lớn số tiền trên...

Trắng trợn lừa tiền bà ngoại

Ngày 9/8, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Thị Nhất (SN 1986, ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói, nạn nhân của Nhất là bà ngoại đã ngoài 80 tuổi.

Lê thân già gầy yếu ra tòa để dự phiên xét xử đứa cháu ngoại, bà Lê Thị Cẩm (84 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) chọn chiếc ghế trống nơi góc phòng, ngồi thẫn thờ dựa lưng vào tường.

Com cóp cả đời được hơn 600 triệu đồng, bà già quê mùa không bao giờ có thể ngờ rằng, đứa cháu gái đã lợi dụng bà già yếu, không biết chữ để lừa mình.

{keywords}
Bà Cẩm đến dự phiên tòa xét xử cháu ngoại.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 22/11/2013, bà Lê Thị Cẩm lập một sổ tiết kiệm tại ngân hàng NN&PTNT, chi nhánh Hòa Lạc với số tiền 666 triệu đồng.

Do bà Cẩm không biết chữ lại đã già yếu nên nhờ cháu ngoại là Nguyễn Thị Nhất đưa đi làm thủ tục rút tiền gửi.

Trong thời gian từ ngày 23/12/2013 đến 3/7/2014, bị cáo Nhất đã đưa bà Cẩm đi làm thủ tục rút tiền 13 lần với tổng số tiền gốc đã rút là hơn 416 triệu đồng. Tuy nhiên, Nhất chỉ đưa cho bà Cẩm số tiền 91 triệu đồng, còn lại bị cáo chiếm đoạt.

Tại cơ quan điều tra, Nhất khai, khi đưa bà ngoại đến ngân hàng làm thủ tục rút tiền lần đầu, nhân viên giao dịch đưa cho bị cáo chứng từ để khách tự kê khai. Từ đây, Nhất nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của bà Cẩm bằng cách tự kê khai số tiền cần rút cao hơn số tiền bà Cẩm yêu cầu rồi cho bà ngoại điểm chỉ vào chứng từ.

Nhân viên giao dịch ngân hàng căn cứ vào số tiền ghi trên chứng từ kê khai và làm thủ tục trả tiền. Bị cáo cầm tiền nhưng chỉ đưa lại cho bà ngoại số tiền mà bà yêu cầu rút.

Lừa được tiền của bà ngoại, bị cáo hào phóng đem cho em chồng, dì ruột, bạn bè. Còn lại hơn 250,5 triệu đồng bị cáo sử dụng để chi tiêu cá nhân.

Khoảng tháng 10/2014, bà Cẩm phát hiện ra việc bị mất tiền trong tài khoản. Khi vụ việc bị phát giác, Nhất đã bỏ trốn khỏi địa phương và cuối năm 2014 khi đối tượng trở về nhà thì bị bắt giữ.

Khóc ngất nhận án

Vụ án được chuyển sang TAND huyện Thạch Thất xử lý. Năm 2015, tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ nhất. Sau đó, cơ quan điều tra thay đổi tội danh bị can Nguyễn Thị Nhất từ tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

{keywords}
Bị cáo tại tòa.

Đến lần xét xử thứ hai (ngày 8/9/2015), TAND huyện Thạch Thất tiếp tục trả hồ sơ để làm rõ về quy trình thủ tục rút tiền tại ngân hàng. Quá trình điều tra lại cho thấy, nhân viên ngân hàng không thông báo cho bà Cẩm số tiền rút.

Bản án sơ thẩm cho rằng, các văn bản pháp chế của ngân hàng không có quy định cụ thể, rõ ràng về việc nhân viên phải thông báo lại số tiền rút cho chủ tài khoản. Đây là sơ hở mang tính thiếu sót của các quy định về lĩnh vực này nói chung và của nhân viên ngân hàng nói riêng đã tạo điều kiện cho bị cáo dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội, thậm chí còn để xảy ra nhiều lần.

Tuy nhiên, xét thấy các thiếu sót trên là vô ý, không vì mục đích vụ lợi, không có dấu hiệu bàn bạc nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nhất mức án 5 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bị cáo phải bồi thường số tiền hơn 200 triệu đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Cẩm đã kháng cáo tăng tiền bồi thường còn VKS kháng nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 9/8, sau khi nghe VKS đề nghị mức án dành cho mình, bị cáo đã khóc òa rồi ngất lịm. Bà Cẩm ngồi đó thẫn thờ nhìn đứa cháu ngoại tội lỗi.

Sau khi xem xét, HĐXX tăng hình phạt dành cho bị cáo lên thành 7 năm 6 tháng tù.

T.Nhung