- Cục trưởng Cục Hàng hải VN xác nhận: Việc báo tin tàu gặp nạn chậm trễ và không chính xác nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hậu quả lớn.
Báo tin chậm, hậu quả lớn
Liên quan đến nguyên nhân vụ chìm tàu số hiệu H29 – BP tại biển Cần Giờ (TP.HCM), có nghi vấn cho rằng, thông tin tàu chìm đã bị “ém” từ mấy tiếng ban đầu khiến cho công tác cứu hộ có sự chậm trễ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Hiện nay có nhiều thông tin dẫn đến nguyên nhân vụ chìm tàu và các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, do vậy chưa thể trả lời cụ thể do nguyên nhân nào.
Việc báo tin tàu gặp nạn chậm trễ và không chính xác |
“Trách nhiệm của cơ quan sửa chữa, trách nhiệm của cơ quan thuê lại tàu? Phải có công tác điều tra, rà soát kỹ thì mới xác định được ai chịu trách nhiệm”, ông Thể nói.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Thể, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cho biết, cơ quan thanh tra sẽ tiến hành thanh kiểm tra lại từ đầu và một vài ngày tới có kết quả sẽ công bố nguyên nhân chính thức dẫn đến việc chìm tàu.
Tuy nhiên, ông Nhật cũng nhận định: Sau khi xảy ra chìm tàu, có sự báo thông tin tàu gặp nạn chậm trễ và không chính xác nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
“Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm cứu hộ hàng hải đã cùng với các lực lượng triển khai ngay công tác cứu hộ. Tuy nhiên, tin báo về vị trí tàu gặp nạn chỉ là một vùng biển bao la chứ không cụ thể khiến các tàu cứu nạn gặp nhiều khó khăn… Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm trong vòng 3h đồng hồ sau khi nhận được tin (từ 22h đến 1h sáng hôm sau) đã làm tốt”, ông Nhật nói.
Cũng liên quan đến công tác cứu hộ, Thứ trưởng Thể cũng cho biết, tàu bị nạn vào lúc đêm tối, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi do ảnh hưởng của mưa bão. Vị trí tàu gặp nạn gần vị trí cồn cạn giao cắt giữa hai nhánh sông, do vậy tàu lớn không vào được, còn tàu nhỏ nếu vào trong điều kiện thời tiết xấu rất nguy hiểm nên công tác cứu hộ rất khó khăn và mất nhiều thời gian.
Đánh giá về vụ chìm tàu, Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật cho rằng đây là vụ tai nạn đáng tiếc, lẽ ra không đáng có. Bởi, chiếc tàu bị nạn dùng để chở khách là không đúng, hơn nữa tàu này đăng ký chỉ được chở tối đa 12 người (khi gặp nạn tàu đã chở tới 30 người).
Tàu chạy sai luồng tuyến
Xung quanh vụ việc, nhiều nguyên nhân đã được đưa ra mổ xẻ, trong đó những sai phạm bước đầu đã được các cơ quan liên quan chỉ ra.
Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hậu quả lớn |
Ngoài việc chở quá số người quy định như đã nói ở trên, thì việc tàu bị nạn đang sửa chữa nhưng lại được cho mượn và chở quá tải dẫn đến tai nạn thương tâm đã khiến dự luận hết sức khó hiểu.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Nhật cho biết, một vấn đề đang được các cơ quan điều tra làm rõ là việc chiếc tàu bị nạn có chạy đúng luồng hay hay sai luồng?!
Theo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại Vũng Tàu có tuyến đường thủy nội địa đi Vàm Láng (Gò Công Đông) và tàu chở khách là tàu gỗ loại lớn, chứ không phải bằng canô.
Tuyến đường thủy nội địa này có từ lâu và là tuyến được cấp phép. Tuy nhiên, trên thực tế, chiếc tàu bị nạn không hề xin phép Cảng vụ..
Vũ Điệp