Nhật ký điện tử, bản cam kết QR Code

Buổi sáng ra thăm vườn cà chua theo chuẩn VietGap, ông Nguyễn Văn Phúc - nông dân Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông (Đơn Dương, Lâm Đồng) - bắt đầu ngày làm việc của mình không phải tưới cây hay bón phân mà kiểm tra và cập nhật số liệu vào chiếc smartphone.

Giơ chiếc điện thoại thông minh, ông Phúc nói đây là nơi nắm giữ số phận của nhiều nông dân. Đã hơn 10 năm tham gia chuỗi sản xuất với MM Mega Market, các thành viên tổ hợp tác bắt đầu từ sổ viết tay, đến cuối 2018 thì chuyển sang nhật ký điện tử để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất.

Các số liệu chăm sóc cây hàng ngày từ nước, phân, thời tiết cho đến tình hình sức khỏe cây trồng, dự báo thu hoạch… được cập nhật và chuyển về trung tâm kiểm soát. Có bất cứ vấn đề gì, số liệu sẽ cảnh báo để các kỹ sư tư vấn, điều chỉnh, các kế hoạch thu mua cũng được báo trước để nông dân chủ động.

{keywords}
Chăm cây bằng smartphone.

“Lúc đầu mọi người cũng bỡ ngỡ lắm nhưng rồi làm được hết. Giờ thì nông dân Suối Thông đã có thể làm chủ công nghệ, sử dụng được điện thoại thông minh, máy tính vào trồng rau…”, ông Phúc nói.

Anh Võ Văn Tuấn, kỹ sư quản lý chuỗi cho biết, với nhật ký điện tử không chỉ giúp tiết kiện thời gian mà quản lý quy trình làm việc với nông dân nhanh và tiện lợi hơn. Đến nay, 60% nông dân đã sử dụng nhật ký điện tử trên máy tính và smartphone. Qua đó, nông trại sản xuất và nhà thu mua đều nắm được thông tin chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, từ nhật ký điện tử, các số liệu sẽ được chuyển tới người tiêu dùng khi chọn mua hàng. Theo đó, các số liệu của nông dân cập nhật sẽ tích hợp vào mã truy xuất nguồn gốc – QR Code gắn cho mỗi sản phẩm khi lên kệ hàng.

Khi chọn 1 sản phẩm, khách hàng có thể biết tường tận nhà sản xuất, ngày trồng, thu hoạch, quy trình chất lượng, từ trang trại đến bàn ăn. Đó như bản cam kết của người nông dân về sản phẩm của mình đến tận mâm cơm mỗi gia đình.

{keywords}
Nhờ sử dụng nhật ký điện tử trên máy tính và smartphone, nông trại sản xuất và nhà thu mua đều nắm được thông tin chất lượng sản phẩm.

Cũng áp dụng công nghệ số vào sản xuất, anh Nguyễn Đông Hải - chủ trang trại VietFarm (phường 8, Đà Lạt, Lâm Đồng) - đã thành công khi khởi nghiệp nông nghiệp với quy mô lớn. Quy trình trồng cây ở VietFarm hoàn toàn được tự động hóa và kiểm soát dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đó, phần lớn 10ha sản xuất của trang trại đều áp dụng công nghệ cao. Cây trồng không phụ thuộc vào đất mà được nuôi sống trên giá thể được kiểm soát mầm bệnh từ đầu, khi gieo hạt đồng thời cũng được cài luôn con chip kiểm soát độ ẩm và dinh dưõng và theo sõi sức khoẻ cây trồng... đồng bộ dữ liệu với hệ thống tưới. Bất cứ khi nào cây trồng cần nước hay dưỡng chất, con chíp sẽ báo và được bổ sung dưỡng chất thông qua hệ thống tưới tự động không cần người can thiệp.

Các số liệu hoạt động này được cập nhật lên máy tính, điện thoại của Hải nên dù đi đâu cũng kiểm soát được sự phát triển của cây trồng. Hơn thế, số liệu này cũng được cập nhật lên hệ thống kiểm soát chất lượng QR Code để khi ra thị trường vẫn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Anh Hải cho biết thêm, toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ kho bãi... đều sử dụng công nghệ, phần mềm để quản lý nên giảm được nhân lực, nâng cao hiệu quả và đặc biệt quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Global Gap không chỉ đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối lớn, chuỗi nhà hàng cao cấp mà còn tham gia xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao.

{keywords}
Nông dân làm nông nghiệp theo chuỗi, tuân thủ tiêu chuẩn an toàn cao.

Làm theo chuẩn, chơi theo chuỗi: Nông dân thu tiền tỷ

Không giấu thu nhập, ông Phúc cho biết, trang trại của gia đình ông doanh thu mỗi năm từ 1,6-2 tỷ đồng, sau khi trừ vốn và chi phí thu về khoảng 800 triệu đồng trên diện tích 1,5ha. 25 hộ nông dân trong Tổ hợp tác Suối Thông đều có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Đáng nói đây là thu nhập ổn định trong nhiều năm nay từ khi làm ăn theo mô hình tổ hợp tác và tham gia chuỗi sản xuất VietGap được MM Mega Market bao tiêu toàn bộ không phải lo đầu ra.

“Từ chỗ làm tự do, bấp bênh đầu ra, liên tục bị ép giá, canh tác không theo tiêu chuẩn đến nay làm chuỗi, tuân thủ quy chuẩn được bao tiêu đầu ra và gần đây được ứng dụng công nghệ… Cũng từ mảnh đất này mà nông dân đổi đời”, ông Phúc nói.

Kỹ sư Võ Văn Tuấn tâm sự: "Ban đầu, chúng tôi cũng lo việc áp dụng các quy chuẩn sản xuất, đưa công nghệ vào rất khó nhưng không ngờ người nông dân tiếp cận, làm chủ được công nghệ nhanh. Bắt đầu đào tạo từ cuối năm 2019, cho đến nay, khoảng 60% trong số 450 hộ thuộc 150 nhóm nông dân với tổng diện tích 500ha trên 5 vùng nguyên liệu chính ở Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và Lâm Hà trong chuỗi hợp tác sản xuất đều ứng dụng công nghệ thành công".

{keywords}
Áp dụng công nghệ số trong việc đồng áng mang lại thu nhập tiền tỷ.

Còn anh Nguyễn Đông Hải chia sẻ, ngay từ đầu, toàn bộ trang trại 10ha của anh đều đầu tư áp dụng Global GAP - tiêu chuẩn nông nghiệp cao nhất toàn cầu hiện nay. Suất đầu tư trên mỗi ha của trang trại khá cao, khoảng 4 tỷ đồng và hoàn vốn sau 5 năm. Doanh thu của trang trại mỗi năm khoảng 60 tỷ đồng.

Anh Hải khá tự tin khi cho biết, 100% sản phẩm đều là hàng cao cấp được các chuỗi lớn bao tiêu. Đặc biệt, trang trại này đã có giấy phép xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ… và hợp tác với MM Mega Market Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Singapore với số lượng ngày càng lớn.

Anh Hải tâm sự: "Muốn làm nông nghiệp bền vững và xây dựng được vị trí trên thị trường thì phải luôn luôn tìm cái mới. Cái mới ở đây là giống mới, kỹ thuật mới, biện pháp canh tác mới và cả xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Bên cạnh đó, nhà nông cần có tư duy đổi mới bằng cách bắt tay với kênh phân phối hiện đại, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản".

Nam Hải