Đây là thông tin về chợ cá Yên Sở, nằm trên địa giới hành chính phường Yên Sở, được đại diện UBND quận Hoàng Mai xác nhận. Khu đất mở chợ do người dân tự chọn và kinh doanh; việc thu thuế đối với các hộ kinh doanh tại đây đạt rất thấp…

 Người dân tự mở chợ

Quận Hoàng Mai trong năm 2013 này sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập; và đây cũng là khoảng thời gian chợ cá Yên Sở hoạt động tự phát. Khu “chợ cá nước ngọt lớn nhất miền Bắc” này có diện tích xấp xỉ 10.000m2, nằm sát đường vành đai 3, là đầu mối trung chuyển cá của nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung.

Theo những người dân nơi đây, những năm 1980, khu vực này thuộc địa phận huyện Thanh Trì. Do đặc thù vùng trũng, diện tích mặt nước rất lớn nên người dân tiến hành nuôi cá. Chợ cá Yên Sở hình thành khi đó ngay ngã ba đường Tam Trinh – vành đai 3 bây giờ, và nhiều hộ kinh doanh cá ngay tại nhà.

{keywords}

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi đường vành đai 3, cầu Thanh Trì, rồi hàng loạt dự án khu đô thị hình thành, đã lấy đi trên 80% ao hồ ở Yên Sở. Hết dần ao nhưng chợ cá vẫn tồn tại. Đang từ ngã ba Tam Trinh giáp vành đai 3, chợ cá dịch vào vài trăm mét về hướng Pháp Vân. Điều đáng chú ý, vị trí của chợ hiện nay không phải do chính quyền cơ sở bố trí; mà các hộ kinh doanh tự họp.

Từng có một địa điểm quận định “di” chợ về, nhưng bất thành vì không nhận được sự đồng thuận của các hộ kinh doanh. Đại diện quận Hoàng Mai cho biết, vị trí hiện nay của chợ cá chỉ là tạm thời. Quận đã có quy hoạch vị trí mới và đang báo cáo xin chỉ đạo của thành phố. Thống kê cho thấy, cả phường Yên Sở có trên 300 hộ dân làm kinh doanh, dịch vụ tại chợ cá.

Chưa kể các “lái cá” hàng ngày từ nơi khác về đổ - lấy hàng. Ban đầu, cá chủ yếu được đem về từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định... sau đó được đưa vào các chợ trong nội thành hoặc xuất đi các tỉnh khác. Nhưng những ngày gần đây, một hiện tượng đáng lo ngại là cá Trung Quốc tìm đường về chợ cá Yên Sở.

Sẽ “quản” hoạt động chợ cá!

Đây là thông tin được ông Lã Văn Hưởng – Trưởng phòng Kinh tế UBND quận Hoàng Mai trao đổi với PV Báo ANTĐ; và dự kiến, các bước để “quản chợ” sẽ được tiến hành trong tháng 5 này.

Tuy nhiên những gì diễn ra thời gian qua cho thấy sự chậm trễ của cơ quan chức năng trong công tác quản lý đối với chợ cá Yên Sở. Từ đầu tháng 4 đến nay, theo thông tin cập nhật từ Chi cục QLTT Hà Nội, Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Hà Nội và một số đơn vị chức năng, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hàng tấn cá từ tỉnh ngoài về Hà Nội. Người điều khiển xe và chủ hàng thừa nhận nguồn gốc cá từ Trung Quốc, và vận chuyển về chợ cá Yên Sở. Đa phần các xe cá đều không có nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm định chất lượng.

Ông Lê Hồng Kỳ, Chủ tịch UBND phường Yên Sở cho biết, phường không “quản” chợ cá, vì chợ hoạt động theo mô hình Hợp tác xã, vốn chịu sự điều chỉnh của Luật Hợp tác xã, và trách nhiệm quản lý chợ là của quận Hoàng Mai. Song theo tìm hiểu của PV, lâu nay, sự quản lý duy nhất thể hiện vai trò của cơ quan hữu trách là… hàng tháng thu tiền thuế. Tuy nhiên, nguồn thu thuế từ chợ này đạt rất thấp, thậm chí có thời điểm còn không thu được thuế.

Đặt vấn đề về quản lý nguồn cá và kiểm soát hoạt động ở chợ cá Yên Sở với Đội QLTT số 15, đơn vị trực tiếp quản lý địa bàn quận Hoàng Mai, chỉ huy đơn vị này cho biết từ đầu năm 2013 đến nay chưa phát hiện trường hợp nào kinh doanh cá Trung Quốc. Lý giải về kết quả này, đó là rất khó để chứng minh cá Trung Quốc, nhất là khi cá đã bày bán trong chợ.

Tuy nhiên, khi đến chợ cá, tiếp xúc với một số hộ kinh doanh, chúng tôi được họ khẳng định: “Không nhập cá từ Trung Quốc về thì lấy đâu ra cung cấp đủ cho thị trường”(!). Thậm chí, có hộ kinh doanh còn quả quyết, ngay cả khi những thông tin cá Trung Quốc xuất hiện ở chợ cá Yên Sở, lượng khách mua buôn vẫn không hề giảm. Bởi, “khi cá đã được đưa về các chợ dân sinh, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là cá ta, đâu là cá từ bên kia biên giới đưa về”.

Chính vì vậy, những động thái của quận Hoàng Mai đối với chợ cá Yên Sở thời gian tới cần sớm thực hiện, cụ thể trên 2 góc độ: kiểm soát, đảm bảo được nguồn cá “sạch”, giảm mối lo đối với người tiêu dùng, và củng cố, siết chặt mô hình quản lý chợ.

(Theo ANTĐ)