Cho lợn nghe nhạc, nuôi giun làm thực phẩm người phụ nữ kiếm tiền tỷ
Trang trại giun quế nằm bên con đường bê tông, trải hoa dọc lối vào. Nếu như không có tấm biển chào, chúng tôi ngỡ đi lạc vào khu vườn sinh thái, rộn ràng tiếng chim hót.
Gần 20 năm trước, không gian xanh mướt, thoáng đãng này vốn chỉ là mảnh đất xấu, ít người canh tác. Một người phụ nữ không có chuyên môn về nông nghiệp đã mạnh dạn biến nó thành trang trại nuôi lợn hữu cơ và giun quế.
Đó là bà Nguyễn Thị Liên (SN 1953, Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội). Đến nay, không chỉ sở hữu trang trại nuôi lợn hữu cơ và giun quế rộng hàng nghìn m2, thu nhập mỗi tháng khoảng 400 - 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, sự thành công ở tuổi xế chiều của người phụ nữ này còn là chứng minh cho ý chí bền bỉ, không ngừng nỗ lực vươn lên.
Giấc mơ khởi nghiệp
Những năm 90 bà Liên từng làm việc tại Nhà máy Z153 thuộc Binh chủng Tăng - Thiết Giáp. Năm 2003, sau gần 30 năm công tác, bà Liên về nghỉ chế độ với quân hàm thiếu tá.
Ở tuổi hưu trí, người ta an nhiên bên con cháu nhưng bà lại chọn cho mình lối đi đầy gian nan. Điều đầu tiên bà nghĩ đến là khởi nghiệp, làm kinh tế cho bản thân và gia đình.
Bà quyết định cắm sổ đỏ ngôi nhà đang ở bên Đông Anh, lấy tiền kinh doanh. Thời điểm đó, vì tin tưởng đối tác, bà gần như trắng tay với khoản nợ trên 600 triệu đồng.
Nữ thiếu tá trải qua tâm trạng suy sụp, bất an đến "tụt dốc" nhưng với nghị lực và ý chí của mình, bà tự vực dậy tinh thần, tìm hướng đi mới. Ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch bắt đầu nhen nhóm trong bà.
Để có vốn, bà làm việc với ngân hàng - nơi bà đang thế chấp tài sản và thỏa thuận với ngân hàng tạo điều kiện cho mình bán nhà. Ngôi nhà được bán với giá hơn 1 tỷ đồng, bà trả nợ cho ngân hàng 1 nửa, số còn lại, bà về xã Phú Cường mua mảnh đất khoảng 1.400 m2.
Giữa lúc đó, bà được tặng cuốn tài liệu kỹ thuật nuôi giun quế do nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn viết, có đoạn: "Nếu dùng giun quế làm thức ăn chăn nuôi thì tỷ lệ mắc bệnh gần như bằng không bởi nó có loại enzim làm tăng sức đề kháng. Không chỉ thế, loại enzim này còn giúp cho hương vị của thịt tăng lên"…
Từng câu, từng chữ trong đó như chìa khóa, khai mở nhận thức của bà về nông nghiệp. Bà lên kế hoạch mới cho dự án khởi nghiệp của mình.
Theo chân một số người bạn, bà tìm hiểu hình thức nuôi lợn an toàn sinh học và thử nghiệm ở quy mô nhỏ. Lần chăn nuôi này không thu được kết quả như mong muốn nhưng bà đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Trang trại nuôi lợn 4.0
Bà Liên thuê thêm 2.000m2, lập chuồng trại với tổng diện tích 3.400 m2, nuôi khoảng 200 con lợn, bao gồm cả lợn thịt, lợn sinh sản và lợn hậu bị.
Xung quanh trang trại bà trồng hoa hồng, cây ăn quả và nuôi giun quế làm thức ăn cho lợn.
Bà rút kinh nghiệm từ lần chăn nuôi đầu tiên, không sử dụng đệm lót sinh học khử mùi chuồng trại. Thay vào đó, bà Liên dùng phân lợn để nuôi giun quế và xử lý qua hầm biogas làm chất đốt. Chất thải từ giun quế được dùng làm phân bón cho cây cối, đồng thời trộn với một số chất hữu cơ làm chế phẩm sinh học, khử mùi chuồng trại.
Gần đây, khi tham gia vào Liên minh Nông nghiệp tử tế, nữ thiếu tá còn được chuyên gia hướng dẫn cách chế loại men vi sinh khử mùi hiệu quả. Loại men này còn có tác dụng chế biến lên men thức ăn cho vật nuôi, phân bón cho cây trồng.
Quy trình xử lý khép kín như vậy nên trang trại không có mùi hôi thối, tránh việc ẩm thấp hay phát sinh mầm mống bệnh tật.
"Đệm lót sinh học là giải pháp hữu hiệu cho chăn nuôi, giúp khử mùi nhưng tôi nhận thấy giải pháp đó phù hợp vào mùa lạnh hoặc ở xứ ôn đới.
Khí hậu thời tiết miền Bắc nóng ẩm, khi tôi sử dụng đệm lót sinh học, mùa hè nhiệt độ chuồng thường lên đến 40 độ C, lợn dễ bị ốm. Vì vậy, lần nuôi thứ 2, chuồng trại tôi để nền xi-măng", bà chia sẻ.
Bà Liên cho nấu chín hỗn hợp gồm giun quế, bã bia, rau xanh, thảo dược để cho lợn ăn. Mùa đông bà nấu ngày/lần nhưng mùa hè nấu ngày 2 lần, đảm bảo đồ ăn không bị ôi thiu.
Nữ thiếu tá còn áp dụng công nghệ 4.0 và công nghệ khoa học vào chăn nuôi như: Dùng nồi hơi nấu cám, giúp giảm thời gian chế biến, giảm nhân công, thức ăn giữ được chất dinh dưỡng cho lợn. Quản lý hệ thống chăn nuôi qua máy tính, điện thoại thông minh…
"Việt Nam đang trong kỷ nguyên số, một cuộc cách mạng 4.0 mạnh mẽ. Tôi nghĩ nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu thế đó", bà khẳng định.
Xung quanh chuồng, bà lắp loa đài cho lợn nghe nhạc hàng ngày (loại nhạc nhẹ nhàng, du dương). Bà chia sẻ, lý do khiến bà cho lợn nghe nhạc xuất phát từ một lần đọc báo.
Thông tin bài báo viết, bò Kobe là loại thịt đắt nhất thế giới, với chất lượng thịt xuất sắc. Người ta kích thích bò ăn uống, tăng chất lượng thịt bằng cách nghe nhạc.
Bởi vậy, bà áp dụng vào trại lợn của mình, giúp lợn hấp thu thức ăn tốt hơn, giảm bớt stress, đảm bảo nguồn thịt giàu dinh dưỡng.
Những con lợn ở trang trại của bà, ngày được tắm nắng, nghe nhạc, ăn thức ăn nấu chín, cùng với các thảo dược, được bổ sung tráng miệng bằng các loại rau trái sạch trong vườn nhà. Nuôi ròng rã trong khoảng 7 tháng mới xuất bán, đưa vào lò giết mổ ngay tại trang trại và phân loại, đóng gói, hút chân không.
Thành phẩm cuối cùng có đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc và mã vạch xác minh… chuyển đi cho các cơ sở tiêu thụ.
Nuôi giun làm thực phẩm
Song song với chăn nuôi lợn, bà Liên thử nghiệm nuôi giun quế. Thức ăn cho giun chủ yếu là phế thải hữu cơ (cám gạo, bã bia, bã đậu) và phụ phẩm nông nghiệp như phân trâu, bò, lợn, gà…
Ngày mới nuôi, bà và nhân công trong trang trại chủ động đẩy xe bò đi thu gom ngoài ruộng. Nay, bà chuyên nghiệp hóa bằng việc thuê dân làng thu gom chở đến bán và thu mua theo bao.
Sau khi lọc, giun được ngâm vào chậu nước, để giun thải hết phân trong bụng, rồi rửa sạch và vớt lên để khô.
Giun quế được bà chế biến dưới nhiều hình thức như: Sấy khô, đông lạnh, dịch giun, phân giun… Bà còn dùng giun quế chế thành loại dược liệu đông y gọi là bột địa long.
Công thức chế biến giun quế thành dược liệu được bà tìm tòi qua nhiều tài liệu, trong đó có tài liệu của ông Nguyễn An Định - con trai nhà cách mạng Nguyễn An Ninh.
Ông Định dùng con giun đất chữa dịch sốt xuất huyết khi đất nước còn chiến tranh giai đoạn 1968 - 1969.
Từ bài thuốc của ông Định, bà cải tiến, sử dụng giun quế thay cho giun đất. Bà mang giun sao vàng, hạ thổ, nghiền mịn và đóng vào các lọ nhựa bảo quản.
Với chế phẩm cao giun quế, bà xay nhỏ rồi nấu chín, cô đặc. Đến khi nguội, cao giun sẽ được đóng vào lọ và cấp đông.
Giun quế ngoài chế thuốc, còn được dùng làm thực phẩm cho con người. Bà Liên đã chế biến món nem rán địa long, trứng chiên địa long và chả đỗ địa long. Món chả đỗ có nguyên liệu đơn giản, 80% đậu xanh nguyên hạt, ngâm rồi giã nát, 20% giun quế xay nhỏ.
Ba loại trộn đều, nêm chút gia vị rồi rán lên, ăn nóng kèm nước chấm chua ngọt, rau sống. Đặc biệt, bà chế biến ruốc địa long với nguyên liệu gồm 80% thịt lợn và 20% giun quế dùng cho trẻ nhỏ ăn cũng có thể cải thiện được sức khỏe.
Loại giun để chế biến thuốc và thực phẩm được nuôi riêng, 3 tạ giun thu được mỗi tháng chỉ có khoảng 30 kg là phục vụ cho mục đích làm thuốc và thực phẩm.
Khu vực nuôi giun phủ bạt kín, tạo môi trường ẩm ướt, dưới đất có các bể sâu, trải phân bò, lợn. Mỗi lứa giun quế, bà nuôi trong 45 ngày. Sau khi thu hoạch giun được mang đi rửa sạch, đóng gói bảo quản trong kho lạnh.
Mùn giun quế để lại (phân giun) được bà làm thành phân bón thực vật. Khu vườn ngập hoa hồng, hoa lan của cũng được bà sử dụng hoàn toàn loại phân bón hữu cơ này.
Bên cạnh sử dụng giun cho trang trại của mình, bà mở rộng thị trường, bán sản phẩm giun tươi cho các cơ sở thu mua, bán mùn giun…
Bà Liên còn sử dụng chế phẩm sinh học từ ớt, măng, đường làm thuốc trừ sâu cho cây.
"Nông nghiệp sạch tức là sạch từ khâu chăn nuôi, chế biến đến khâu trồng trọt. Những loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả tức thì nhưng hệ quả lâu dài đến sức khỏe con người, đất đai không ai đong đếm được.
Vì vậy, tôi đưa ra tiêu chí: "Nói không với chất hóa học". Đây cũng là xu hướng nông nghiệp sạch trên thế giới", bà nói.
Với quy trình khép kín, không bỏ phí kể cả phế thải chăn nuôi, thương hiệu giun quế và thịt lợn của bà Liên hiện có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Nhãn hiệu "Giun quế GHT' đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyết định bảo hộ năm 2017.
Trung bình 1 tháng, trang trại cung ứng cho các đơn vị tiêu thụ khoảng 45-60 con lợn. Qua đánh giá của khách hàng, sản phẩm thịt lợn quế ở đây có chất lượng ngon, thịt có vị thơm đặc trưng.
Tổng thu nhập từ nuôi lợn, giun quế của trang trại khoảng 400 - 500 triệu đồng/tháng.
Trang trại tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động. Người hưởng lương cao nhất là 11 triệu đồng/tháng, người thấp nhất khoảng 4 triệu đồng/tháng.
(Theo Dân Trí)