Mạch nguồn đạo lý nghìn năm của dòng giống Việt mình, sớm xuân nay, mong bật nẩy thêm ngàn vạn chồi biếc nhân văn, xuyên qua băng giá của lòng tham, lòng vị kỷ, thói thờ ơ, vô cảm...
Vẫn nghìn năm xứ sở, xuân sang ấm áp là bạt ngàn những lộc những nụ biếc trong căm căm giá rét trên khắp mọi miền, bỗng tưng bừng trẩy hội.
Phút giây thiêng muôn thuở
Lộc chồi xanh tơ cứng cáp của dũng mãnh phong ba; nụ hoa bung sáng trong đêm ầm ì sóng biển của xanh mướt bàng vuông trên các đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Và đào rừng, ban trắng, đào đỏ, đào phai, mai vàng, sứ tím, lan, cúc, quất vàng, cam đỏ… cùng cả vạn sắc hoa không bao giờ lỗi hẹn, tuôn chẩy về những chợ hoa Hàng Lược; chợ đào, chợ quất đường Yên Phụ ở Thủ đô, đường hoa Nguyễn Huệ TP Hồ Chí Minh, cùng biết bao chợ hoa chợ cây khắp đô thị cho chí làng quê.
Hoa mở hội và những dòng người ùn ùn trẩy hội. Cả triệu trai tráng trên mọi vùng ruộng đồng lam lũ xa quê kiếm ăn bằng đủ mọi nghề nơi đô thị, khu công nghiệp, công trường xây dựng khắp mọi miền, đi làm thuê ở nước ngoài, Việt kiều từ các nước, có ai hẹn ai đâu, mà cữ ngoài 20 tháng Chạp là đổ về quê, mọi ngả đường nghẹt cứng tầu xe.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Cứ như những đàn chim di trú bốn phương trời, xuân sang lại ào ào về tổ. Cuộc trẩy hội vất vả đường trường mà háo hức, bởi thôi thúc từ sâu xa mỗi tấm lòng dân Việt, về với nơi có bếp lửa ấm gia đình, có bàn thờ tổ họ, gia tiên, nơi người thân mong ngóng quây quần trong phút giây thiêng muôn thuở: Giao thừa.
Các làng xóm thưa vắng, yên ả quanh năm bỗng trở nên tấp nập, đầy ắp tiếng nói cười. Nhà nhà mừng rỡ con cháu về đoàn tụ, lại được tiếp thêm nguồn sống nhờ dòng tiền “nội hối” từ thiên hạ con em mình quanh năm làm ăn vất vả đem về. Giáp Tết sang năm lại thấy thêm những ngôi nhà mới và thêm những đứa trẻ chào đời…
Tết ở ta đã quen mà vẫn lạ. Từ những nghìn năm làm nông bình lặng cho đến thời hiện đại hối hả, từ bề sâu tâm thức, vẫn như cuộc hành trình cả nước hướng về những giá trị thiêng, như cuộc tìm về nơi nguồn lửa. Lửa ấy còn thì xứ sở trường tồn và có cơ ấm sáng.
Tết này người nghèo không đến nỗi phải lo méo mặt như năm nào giá tăng chóng mặt, để có mâm cỗ Tết dâng cúng gia tiên, tấm áo mới cho người già, trẻ nhỏ. Thực phẩm Tết ê hề, giá chỉ tăng chút đỉnh. Hàng dệt may, gia dụng, điện tử, điện máy tràn ngập, đâu đâu cũng khuyến mại với đại hạ giá, người mua được đon đả chào mời, đồng tiền đổi bằng mồ hôi xem ra có giá.
Người giầu có dịp xả tiền săn những dò lan núi đá vài chục triệu, những đào cổ “thất thốn “ hiếm hoi. Những đào rừng “khủng” dăm chục đến trăm triệu đồng, những cây thế cổ kính bạc tỷ. Năm nay càng đông nhà thu nhập khá đặt “tua”, vợ chồng con cái đi chơi Tết ở những khu nghỉ dưỡng trong nước hoặc du ngoạn nước ngoài. Bắt mạch đời sống số đông dân cư, thấy Tết này, ngoại trừ tầu xe vẫn sốt cao đột biến, còn nữa là bình ổn. Đó là thứ mạch đập có chiều hướng nhu nhuận dần lên của nền kinh tế đã qua cơn chao đảo.
Thời khắc chuyển giao?
Kinh tế thoát ra từ suy thoái, đám sương mù che khuất các giá trị thật của đời sống thị trường, của làm ăn lỗ lãi, cũng đã thấy loãng tan hơn.
Khu vực FDI vẫn nêu gương về làm ăn chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, đóng góp lớn cho xuất khẩu, có nơi Tết thưởng “khủng”, người người cao nhất tới 709 triệu đồng, khiến các doanh nghiệp ta thấy "choáng". Các ngân hàng nhiều năm lương thưởng cao ngất như biểu tượng của một nghề hưng vượng nhất, hóa thành cái rốn đong nợ xấu, nay chỉ có thể thưởng Tết gọi là.
Lắm đại gia bất động sản lừng lẫy một thời do giầu ảo từ tiền vay ngân hàng ào ạt, sở hữu lắm dự án hoành tráng, biếu xén, chi tiêu như nước, nay mang công mắc nợ, ẩn thân ăn Tết bình dân. Lại có thêm không ít "đại gia" lộ mặt tham ô, lừa đảo, gian dối tinh vi, phải ngậm ngùi qua Tết trong tù.
Sau cuộc đại phẫu Vinashin, Vinalines, đến lượt quả tù mù lỗ thật lãi giả, lỗ giả lãi “khủng” của mấy “đại gia” độc quyền nhà nước khác, đã bước đầu được soi chiếu, rốt cuộc cũng bị thanh tra, hết đường chối cãi đầu tư ngoài ngành vượt hơn cả vốn pháp định. Lấy vốn đầu tư cho phát triển xây văn phòng, gây tai tiếng ồn ào, được kết luận là sai qui định. Hy vọng những Petrolimex, VNPT…cũng lần lượt được “nội soi”.
Cái đạo lý kinh doanh hướng tới bình đẳng, minh bạch, hiệu quả, đã tỏ ra có uy lực điều chỉnh tư duy và chính sách. Những “con cưng” một thời được nuông chiều, có chiều hướng được chuyển giao dần cho bậc thầy nghiêm khắc- thị trường, dẫn dắt.
Bạt ngàn xanh, bạt ngàn hoa xuân sớm, cỏ cây xứ sở ban tặng chúng ta cả một rừng hương sắc. Đó cũng là cách bà mẹ thiên nhiên tự mình xoa dịu nỗi đau thế kỷ của đất đai. Nỗi đau từ sự nôn nóng, sự non kém trong cách quản lý làm giầu thời công nghiệp hóa, từ lòng tham và sự vô cảm của nhiều người. Những rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, vườn quốc gia, khu sinh thái…, lâm tặc và những kẻ tiếp tay hoành hành chặt phá triền miên.
Những triền rừng chân núi, ven sông suối thành đồi trọc nham nhở, lở lói bởi đào bới quặng khi buông lơi quản lý; và xây đập, tạo hồ thủy điện ào ạt thiếu tầm nhìn. Tấm áo giáp thiên nhiên che chở con người bị băm xé chưa ngừng nghỉ. Tai ương lũ ống, lũ quét, lũ dâng bất chợt, ngày càng dữ tợn, cuốn trôi sinh mạng, nhà cửa, lúa mầu, tổn thất ngày càng đau xót. . Xứ sở đứng thứ 02 thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng mười một tỉnh tổn thất bởi bão lũ và giá rét xin cấp gạo cứu đói cho đồng bào dịp Tết!
Đó là sự răn đe nghiêm khắc của đất trời, của những nghìn năm ông cha gian lao tạo lập, giữ gìn đất đai xứ sở. Biết sợ hãi mà chặn đứng quốc nạn huỷ hoại tài nguyên, môi trường sinh thái; mà bền bỉ đầu tư trả lại rừng xanh cho đất như một chiến lược quốc phòng, là biết lo cho trường tồn xứ sở.
Nơi góc khuất rủi to của phát triển, bếp lửa ấm dưới mái nhà dựng tạm, manh áo ấm cho trẻ con, bát cơm thơm dâng cúng gia tiên nhờ tấm lòng đùm bọc của cộng đồng, mong sao có thể làm ấm lòng đồng bào ba ngày Tết.
Cỏ cây phải mưu sinh nghiệt ngã trong bão giông, sương tuyết, vẫn triệu năm và mãi mãi xanh tươi. Bởi thuận theo lẽ vĩnh hằng của tồn vong, sinh trưởng, biết tự biến mình thành mới lạ, mỗi xuân sang.
Mạch nguồn đạo lý nghìn năm của dòng giống Việt mình, sớm xuân nay, mong bật nẩy thêm ngàn vạn chồi biếc nhân văn, xuyên qua băng giá của lòng tham, lòng vị kỷ, thói thờ ơ, vô cảm, ấm sáng lên hơi ấm của tình yêu đất đai, cỏ cây xứ sở; của lòng thương nước, thương nòi ...
Thế Văn