Cổ phiếu Tập đoàn Đại Dương (OGC) tăng 10% từ 5.900 đồng/cp lên 6.490 đồng/cp. Trong tuần, OGC có một phiên giao dịch kỷ lục 40,4 triệu cổ phiếu, tương đương 13,5% vốn điều lệ.
Kể từ đợt lao dốc bốc hơi gần 80% giá trị cổ phiếu hồi tháng 10/2014, cổ phiếu OGC đang ở mức giá giao dịch cao nhất trong gần 6 năm qua.
Tính đến 30/6, doanh nghiệp có khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi 3.928 tỷ đồng, giảm 114 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng khoản nợ xấu của công ty lên đến 5.482 tỷ đồng và giá trị có thể thu hồi chỉ 1.022 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, nửa đầu năm, doanh thu thuần của OGC đạt 263 tỷ đồng, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính tăng mạnh từ 30,3 tỷ đồng lên 272 tỷ đồng giúp doanh nghiệp có lãi 127 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 30 tỷ. Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 44,4 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 4 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu OGC tăng mạnh trong các phiên gần đây |
Cùng với diễn biến tăng giá, giao dịch nội bộ của cổ phiếu OGC cũng khá sôi động thời gian gần đây. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT đăng ký bán 5 triệu trên 15 triệu cổ phiếu đang sở hữu từ ngày 14/9 đến 13/10. Bà Phạm Thị Thu Yến, vợ ông Nguyễn Thanh Tùng - Thành viên BKS đăng ký bán hết 137.500 cổ phiếu từ ngày 15/9 đến 14/10.
Ngược lại, ông Lò Hồng Hiệp, Tổng giám đốc công ty, đã mua vào 1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 3 triệu đơn vị, tương đương 1% vốn công ty vào cuối tháng 7. Bà Nguyễn Minh Hạnh, chị gái bà Nguyễn Hương Nga - Trưởng Ban kiểm soát - mua vào 3,8 triệu cổ phiếu trên 5 triệu đơn vị đăng ký. Lượng cổ phiếu bà Hạnh sở hữu sau giao dịch là 6,6 triệu đơn vị, tương đương 2,91% vốn.
OGC từng biết tới với tên của cựu chủ tịch Hà Văn Thắm. Tuy nhiên, ông Thắm đang chấp hành hình phạt tù do liên quan đến những sai phạm xảy ra tại OceanBank.
Theo báo cáo tài chính của OGC, các khoản phải thu của công ty mẹ xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, trong đó có những khoản phải thu đã lập dự phòng rủi ro đến 2.500 tỷ đồng. Đây là những khoản hỗ trợ vố, tạm ứng cho các đối tác trước đây và đều không có tài sản đảm bảo. Phần lớn đây là những khoản nợ tồn đọng mang tính “lịch sử” diễn ra trước thời điểm cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt (tháng 10/2014).
Trong tuần qua, nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh. Cổ phiếu của Dịch vụ KT Viễn Thông (HNX: TST) tăng giá mạnh nhất với 49,4% từ 8.100 đồng/cp lên 12.100 đồng/cp.
Cổ phiếu ASG của Tập đoàn ASG (HoSE: ASG) tăng 28,3%. Với giá tham chiếu 30.000 đồng/cp, sau 2 phiên giao dịch, cổ phiếu này tăng trần và leo lên mức 38.500 đồng/cp.
Hai cổ phiếu khác cũng tăng giá trên 30% đó là XNK Thủ Đức (HNX: TMC) và In SGK Hòa Phát (HNX: HTP) với lần lượt 32% và 31%. Điểm chung của 2 cổ phiếu này là đều có thanh khoản rất thấp.
Ở sàn UPCoM, cổ phiếu của Cao su y tế MERUFA (UPCoM: MRF) gây bất ngờ bởi mức tăng giá lên đến 60,7%. Trong tuần, MRF chỉ có 2 phiên giao dịch và đều tăng trần trong đó phiên 24/9 biên độ giao dịch lên đến 40% do trước đó cổ phiếu này đã không xuất hiện giao dịch khớp lệnh trong 25 phiên liên tiếp.
Ở chiều ngược lại, một tân binh khác là TTA của CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành đã bị bán mạnh với 3 phiên gần nhất giảm sàn sau khi tăng kịch trần trong 2 phiên đầu tiên 18 và 19/9 với thanh khoản cao.
Cổ phiếu CRE đỏ lửa với cả 5 phiên giảm khá mạnh, khi cận kề ngày chốt quyền trả cổ tức 2019 bằng tiền theo tỷ lệ 10% vào 28/9 tới đây.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 7,32 điểm (0,8%) so với tuần trước đó lên 908,27 điểm; HNX-Index tăng 2,321 điểm (1,8%) lên 131,52 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,7 điểm (1,16%) lên 61,29 điểm.
Khối ngoại sàn HoSE mua ròng trở lại gần 56 tỷ đồng. Khối ngoại sàn HNX vẫn bán ròng hơn 40 tỷ đồng. Ba mã VCB, PLX và VRE đều được khối ngoại mua ròng mạnh. Khối ngoại tập trung bán mạnh 2 mã HPG và VHM.
Bảo Anh