Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, Bắc Giang là địa phương mà dịch Covid-19 tấn công vào các khu công nghiệp với sức tàn phá nặng nề của chủng mới và trở thành tâm dịch của cả nước với 5.713 ca nhiễm.

“Covid-19 gây đình trệ sản xuất công nghiệp của tỉnh; ảnh hưởng toàn bộ đời sống kinh tế xã hội; rơi đúng vào mùa thu hoạch nông sản; thời điểm dịch bùng phát là ngày hội toàn dân đi bầu cử; làm chững lại đà đầu tư nước ngoài đang tăng trưởng rất tốt.

Đây là thử thách rất lớn, chưa từng có. Lần đầu tiên người dân trong tỉnh cảm thấy bị uy hiếp, đe dọa… về an toàn, sức khỏe”, ông Lê Anh Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ với VietnamNet.

Khi dịch vào khu công nghiệp, điều trước nhất ban lãnh đạo tỉnh Bắc Giang lo lắng nhất chính là ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, đầu tư, vị thế của Bắc Giang trong chuỗi cung ứng toàn cầu...

Vấn đề phong tỏa 4 khu công nghiệp được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức thảo luận với đại diện các doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Rất nhiều ý kiến được các đại biểu phân tích, lý giải. Trước khi đóng cửa khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh đã họp với toàn bộ doanh nghiệp. Các nhà đầu tư đang ở nước ngoài cũng tham gia họp trực tuyến. 

Khi đó, ông Lê Ánh Dương đã thuyết phục rằng, phải dừng sản xuất là để tập trung chống dịch, chữa cái nóng trước. Trong thời gian đóng cửa, địa phương và doanh nghiệp cùng nhau thiết kế mô hình sản xuất mới. Sẽ không thể duy trì sản xuất ổn định trong tình trạng dịch bệnh vẫn đe dọa.

Thật may, phương án của lãnh đạo tỉnh đã được các nhà đầu tư đồng tình.

{keywords}
Lấy mẫu xét nghiệm Covid cho công nhân khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang

Ngay trong đêm ban hành quyết định (18/5), không doanh nghiệp nào có phản ứng tiêu cực. Họ còn phát biểu với các hãng thông tấn trên thế giới bày tỏ sự đồng thuận với phương án chống dịch của Việt Nam.

Đáp lại sự đồng thuận của doanh nghiệp, Bắc Giang thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư, thành lập tổ công tác phối hợp, hỗ trợ họ kiểm tra, rà soát đánh giá lại quy mô sản xuất, khả năng phòng chống dịch của mỗi đơn vị theo các tiêu chí phân loại.

Từ việc phân loại này sẽ tư vấn cho họ điều chỉnh mô hình sản xuất, khôi phục lại sản xuất. Ngay khi có chủ trương khôi phục lại sản xuất theo kế hoạch 213, tỉnh thành lập bộ phận hỗ trợ xác nhận lao động đủ điều kiện đi làm, đưa đón công nhân trở lại doanh nghiệp.

DN khó cái gì mình sẽ giúp cái đấy. Tất cả các doanh nghiệp đều hưởng ứng, đồng lòng. Đây là điều chưa từng có, nhất là trong môi trường các nhà đầu tư ở nhiều quốc tịch, văn hóa, cá tính khác nhau...

Thời khắc cân não

Dịp đó, trong vòng 1 tuần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ký liên tiếp 2 quyết định liên quan tới hoạt động sản xuất. Lần 1 là đóng cửa 6 doanh nghiệp tại khu công nghiệp Vân Trung; tiếp đó là đóng cửa thêm 4 khu công nghiệp. Mỗi ngày đóng cửa như vậy, Bắc Giang mất đứt 2.000 tỷ đồng. 

Chia sẻ về quyết định mang tính sống còn này, ông Lê Anh Dương trải lòng: "tất cả đều là quyết định quan trọng. Cá nhân tôi và tập thể lãnh đạo đều bàn bạc rất kỹ, thậm chí phải báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Trung ương…

Thời điểm dịch mới bắt đầu tại khu công nghiệp Vân Trung, ổ dịch mới chỉ liên quan tới 6 công ty nhỏ thuê nhà xưởng. Ra quyết định đóng cửa là đương nhiên, không khó khăn gì.

Tuy nhiên, chúng tôi phải tiến hành xét nghiệm, tầm soát toàn bộ công nhân trong KCN. Năng lực xét nghiệm của chúng tôi chưa đáp ứng được số lượng hơn 9 vạn công nhân tại khu công nghiệp này.

Quyết định thứ 2, đóng cửa 4 khu công nghiệp một lúc, thực sự khó khăn hơn rất nhiều. Tại thời điểm đó, khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu có dịch, bắt đầu có dấu hiệu lây nhiễm sang một vài công ty lân cận. Hai khu công nghiệp Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng chưa xuất hiện dịch.

Chúng tôi phải suy nghĩ đến nhiều vấn đề: quyền lợi của nhà đầu tư, các doanh nghiệp; quyền lợi của người lao động; quyền lợi chung của cả tỉnh. Có nhiều ý kiến nhưng tôi lấy tiêu chí đảm bảo an toàn cho công nhân lên hàng đầu để thuyết phục các doanh nghiệp.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Trung Kiên