"Qua 10 năm hoạt động, VietBank đã có các cổ đông gắn bó, tâm huyết trong đó không thể không kể đến gia đình anh Nguyễn Đức Kiên và chị Đặng Ngọc Lan, từ ngày đầu thành lập đến nay đã hỗ trợ rất nhiều cho VietBank. VietBank rất cảm ơn và tri ân, ghi nhận sự đóng góp đó", ông Dương Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 18/1/2019.

{keywords}
 Lời cảm ơn của Chủ tịch VietBank Dương Ngọc Hoà, cũng có thể coi là lời chào tạm biệt đối với vợ chồng doanh nhân có biệt danh "bầu" Kiên.

Đại hội bất thường của VietBank được tổ chức với nhiều lý do, trong đó có miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với bà Đặng Ngọc Lan. Vợ của ông Nguyễn Đức Kiên trước đó đã có đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT VietBank, sau khi chồng và người nhà liên tục thoái vốn từ cuối năm 2017 và đến nay chỉ còn một tỷ lệ nhỏ sở hữu tại VietBank.

Ông Dương Ngọc Hoà là chồng nữ doanh nhân Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm - nhà đầu tư cùng một số "đại gia" hợp tác thành lập VietBank giai đoạn 2006-2007 ở Sóc Trăng. Nhóm "bầu" Kiên vào VietBank muộn hơn - những năm cuối thập kỷ trước, song nhanh chóng nắm quyền điều hành tại đây.

Với nhóm "bầu" Kiên, VietBank trở thành tổ chức tín dụng hàng đầu ở Sóc Trăng, nhanh chóng vươn mình khỏi cái kén nhà băng "tỉnh lẻ", bước chân ra "thành thị" với việc mở rộng hoạt động tới TP.HCM cùng nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Dù là ngân hàng có quy mô bé, song thực trạng tài chính lúc này của VietBank không phải tệ. Đóng góp đáng kể vào sự phát triển của VietBank giai đoạn này phải kể đến cựu Tổng giám đốc Nguyễn Duy Hưng, người đươc coi là cánh tay phải của ông Nguyễn Đức Kiên.
 
Tuy nhiên, sự kiện "bầu" Kiên vướng vòng lao lý năm 2012 đã làm thay đổi tình thế tại VietBank, khi các nhóm cổ đông lớn không còn tìm được tiếng nói chung trong phòng họp Hội đồng quản trị. Và từ thời điểm đó, gia đình "bầu" Kiên đã muốn rút lui khỏi VietBank. Tuy nhiên với tỷ lệ chi phối của các nhóm cổ đông còn lại, việc thoái vốn khỏi VietBank đã không thể thực hiện được, cho đến cuối năm 2017 và đặc biệt là nửa cuối năm ngoái, khi bản thân ông Kiên và bà Lan liên tục đăng ký bán đến từng cổ phiếu cuối cùng.

Hiện nay, dù bà Đặng Ngọc Lan và người liên quan vẫn còn khoảng 16 triệu cổ phần VietBank (tỷ lệ 4,64%), song với quyết định rời khỏi HĐQT VietBank, dường như cái "duyên" của nhà "bầu" Kiên với ngân hàng "gốc" Sóc Trăng đã hết sau một thập kỷ hiện diện tại đây.

 Theo Nhà đầu tư