- Việc lừa đảo trục lợi đã rõ nhưng với tài liệu hiện có, chưa đủ cơ sở để kết luận việc người nước ngoài vào Việt Nam có ý đồ phá hoại kinh tế hay không - Bộ trưởng Trần Đại Quang trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Khá chiều 14/6.
>> 'Phạm nhân chết trong trại giam do bệnh hiểm nghèo'
>> 'Công an không cưỡng chế giải phóng mặt bằng'
Lừa đảo? Lũng đoạn hay lí do chính trị?
Dẫn thực trạng nhiều người nước ngoài vào Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch rồi làm ăn, và có dấu hiệu lừa đảo như giựt nợ, bỏ trốn, kể cả thu mua hoa quả non giá cao chưa rõ mục đích, ĐB Nguyễn Thị Khá đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình. “Họ có vi phạm pháp luật không? Mục đích của họ là gì? Thao túng thị trường? Lũng đoạn thị trường? Lừa đảo hay lý do chính trị nào khác?”.
ĐB Nguyễn Thị Khá. Ảnh: Quang Khánh |
Không phải lần đầu tiên, việc người nước ngoài vào làm ăn phi pháp tại Việt Nam được nêu trước Quốc hội. Trước đó, việc lao động Trung Quốc ở công trường bauxite Tây Nguyên, cho nước ngoài thuê đất rừng ở các vùng biên giới nhạy cảm… cũng từng được chất vấn tại QH.
Ngay trước kỳ họp QH, dư luận cũng nóng lên với việc người Trung Quốc vào nuôi cá ở khu vực quốc phòng nhạy cảm của ta ở Cam Ranh, Vũng Rô, Khánh Hòa.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho hay, qua công tác nắm tình hình, Bộ “cũng phát hiện một số người nước ngoài cũng vào đây lợi dụng đi du lịch nhưng thực chất vào đây làm ăn”.
Có một số làm ăn ở các công trường, nhà máy, xí nghiệp dưới danh nghĩa là lao động đơn giản nhưng không có hợp đồng (nhờ lách luật). Đáng chú ý có một số thương nhân người nước ngoài vào các vùng miền Tây Nam Bộ đến đó để thu mua hải sản, hoa quả. Trong đó có một số đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhân dân, mua giá cao hơn sau đó cứ ghi nợ rồi bỏ trốn.
Bộ đã phát hiện và xử lý một số trường hợp. Sắp
tới, Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo công an các địa phương phát hiện số đối tượng này
để xử lý.
Về ý đồ của nhóm đối tượng này, Bộ trưởng cho hay, nhận xét của đại biểu là gợi ý để Bộ suy nghĩ.
“Với tài liệu hiện có, chúng tôi thấy rằng chưa đủ cơ sở để kết luận có phá hoại kinh tế Việt Nam hay không”, ông Quang nói.
“Các thế lực lợi dụng chống phá Việt Nam”
Cũng liên quan đến tội phạm nước ngoài, Bộ trưởng cho hay, trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện và xử lý 111 vụ, 232 đối tượng trong đó có 116 người Đài Loan, 105 người Trung Quốc, 11 người Thái Lan nhập cảnh vào Việt Nam mang theo các thiết bị công nghệ thiết lập trái phép các mạng nội bộ để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Ảnh: Minh Thăng |
Các hoạt động này chủ yếu diễn ra ở Hà Nội, TP.HCM, lan ra Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Phú Yên.
Hoạt động lừa đảo công nghệ cao xảy ra là các lĩnh vực kinh tế xã hội quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực an toàn thông tin, mạng máy tính, tài chính ngân hàng, thanh toán điện tử, thương mại.
Bộ trưởng cho hay, các đối tượng này lợi dụng đi vào con đường du lịch xong móc nối với một số người Việt Nam. Đối tượng họ lừa đảo chủ yếu là các tổ chức và cá nhân là người nước ngoài.
“Bước đầu khách thể xâm hại là các tổ chức và cá nhân người nước ngoài nhưng về lâu dài có thể nó xâm hại đến lợi ích của các tổ chức và cá nhân Việt Nam”.
“Trong thời gian rất ngắn, lực lượng công an của chúng ta đã phát hiện kịp thời, bắt, xử lý thu giữ tang vật, phạt và trục xuất”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm về tội phạm mạng, mà theo Bộ trưởng đánh giá là rất nguy hiểm với an ninh chính trị Việt Nam.
Các thế lực thù địch đã sử dụng các mạng xã hội, các trang web, blog cá nhân để tuyên truyền, xuyên tạc vu cáo, kích động gây mất an ninh trật tự và thậm chí tuyên truyền những kịch bản về cách mạng sắc màu như ở Bắc Phi, Trung Đông, kích động gây mất an ninh trật tự và chống lại chính quyền, ông nói.
Ông nhấn mạnh “theo những thông tin mà chúng tôi có được thì có thể đưa ra một nhận xét là nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng đối với nước ta là có thể xảy ra”.
Vị tư lệnh ngành an ninh lưu ý các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những thành tựu công nghệ thông tin để chống phá Việt Nam và bản thân hệ thống mạng thông tin của ta vẫn còn có những sơ hở.
Theo các hãng bảo mật trên thế giới, Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu về tỷ lệ phát tán thư rác, xếp thứ 12 thế giới về mức độ đe dọa bị tấn công bằng mã độc, đứng thứ 33 về hệ thống máy chủ bị lợi dụng lừa đảo trực tuyến, xếp thứ 45 về mức độ đe dọa máy tính bị nhiễm phần mềm điều khiển của tin tặc.
Để đối phó, ông Quang khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin - Truyền thông để tăng cường quản lý về an toàn an ninh thông tin, thanh tra, kiểm tra để xử lý các vi phạm trên lĩnh vực Internet và quản lý hạ tầng thông tin.
Bộ cũng đã và sẽ kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định 97 của Chính phủ về quản lý các dịch vụ Internet theo hướng chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng.
Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội sớm đưa vào chương trình xây dựng luật An ninh thông tin.
Phương Loan