Trong cuộc phỏng vấn được đăng trên Edaily ngày 4/5, Ryu Sera - cựu trưởng nhóm Nine Muses - cho biết cô bị công ty quản lý đuổi khỏi nhóm vì đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho các thành viên.
Việc nghệ sĩ bị công ty quản lý đơn phương chấm dứt hợp đồng với những lý do khó hiểu không hề hiếm ở thị trường giải trí Hàn Quốc. Rất nhiều lần, công chúng lên tiếng chỉ trích cách làm việc được cho là thiếu nhân tính của các công ty quản lý.
Theo người hâm mộ, nghệ sĩ đang bị đối xử như những con rối. Họ không có quyền quyết định trong cả những vấn đề cơ bản nhất, chẳng hạn mặc gì hay hát theo phong cách gì.
Bị ép mặc sexy, bất ngờ đuổi khỏi nhóm
Ryu Sera kể trong cuộc phỏng vấn, cô liên tục bị giám đốc công ty quản lý chê bai vì thấp hơn các thành viên còn lại của Nine Muses. Nữ ca sĩ đã phải vật lộn với nỗi tủi thân và lo lắng khi so sánh bản thân với những cô gái khác trong nhóm.
Trong thời gian thảo luận về việc gia hạn hợp đồng với công ty quản lý, Ryu Sera đề xuất thêm một số điều khoản, chẳng hạn các thành viên Nine Muses được phép tham dự cuộc họp lên ý tưởng và quyết định phong cách biểu diễn của nhóm. Ryu Sera cũng bày tỏ mong muốn các thành viên được quyền tự quyết định trang phục nhóm sẽ mặc. Cô và các thành viên không muốn biểu diễn với trang phục quá hở hang.
Rồi một ngày, Ryu Sera đọc được bài báo cho biết cô rời nhóm. Ryu Sera bị đuổi khỏi nhóm mà không hề hay biết.
Ryu Sera tâm sự: "Có lẽ ông chủ của công ty cho rằng tôi đã vượt quá giới hạn khi đòi hỏi quá nhiều thứ, chẳng hạn việc chúng tôi được quyết định bài hát và concept hay những trang phục sẽ mặc. Tôi không nghĩ ông ấy thích điều đó".
Ryu Sera đột ngột bị đuổi khỏi nhóm vì đòi quyền lợi cho các thành viên. |
Sera nhấn mạnh trong suốt thời gian hoạt động cùng nhóm từ 2010 đến năm 2014, Nine Muses chưa bao giờ được phép trao đổi với công ty về các ca khúc nhóm thể hiện. Cô thậm chí bật khóc trong nhà vệ sinh khi Nine Muses bị ép mặc sexy.
“Hồi đó, chúng tôi phải làm tất cả thứ công ty yêu cầu. Trong lần đầu quảng bá, chúng tôi phải đeo đai garter. Tôi khóc suốt 10 phút trong phòng vệ sinh khi thấy các thành viên đang là học sinh trung học phải mặc đồ như vậy. Sau đó, tôi ra ngoài và tiếp tục ghi hình, tuy nhiên, tôi bị loại khỏi vị trí trưởng nhóm”, nữ ca sĩ kể.
Kể cả sau khi rời khỏi công ty quản lý, Ryu Sera cũng không có quyền tự do. Cô không dám ký bất kỳ hợp đồng nào với công ty mới. Nữ ca sĩ im lặng suốt thời gian dài. Ryu Sera giải thích: “Tôi đã trốn chạy, anh ta có mối quan hệ rất lớn trong ngành".
Theo cựu thành viên nhóm Nine Muses, việc bị ông chủ đe dọa, tống tiền là chuyện hết sức bình thường tại giới giải trí Hàn Quốc và hiện vẫn phổ biến trong ngành.
Mỗi thần tượng để được ra mắt tại thị trường giải trí phải tuân theo vô vàn điều khoản khắt khe trong bản hợp đồng thường được so sánh với "hợp đồng nô lệ”. Hợp đồng đó kéo dài trung bình 7 năm. Họ đánh mất sự tự chủ trong nhiều vấn đề, chẳng hạn thời gian, chuyện hẹn hò hay trang phục như chia sẻ của Sera.
Thậm chí, theo Amber Liu - thành viên nhóm f(x) - tiết lộ với CBS News, thần tượng bị kiểm soát từ cân nặng tới hành động, suy nghĩ, phát ngôn.
Amber Liu nói: “Nếu bạn không dưới một mức cân nặng nhất định, bạn có thể bị đuổi. Ở đó, bạn được bảo phải làm gì, nói gì và cả nghĩ gì".
Ga Young tiết lộ các thành viên Stellar từng bị công ty quản lý ép mặc váy xẻ tà cao và nội y dây. Khi các cô gái phản đối, công ty đe dọa bằng việc cắt hợp đồng.
"Trong MV Vibrato, công ty yêu cầu chúng tôi mặc váy xẻ tà cao và nội y dây. Chúng tôi phản đối và nói rằng thật khó để nhảy với trang phục như vậy. Nhưng họ vẫn bắt chúng tôi làm theo với lý lẽ: ‘Tại sao cô lại phàn nàn mà không thử xem'. Vì vậy, chúng tôi đã thử quay và hỏng liên tiếp 5 lần. Chúng tôi phản đối vì trang phục quá khiêu khích nhưng những bức ảnh đó vẫn được cho vào album", cô kể.
Ga Young khẳng định các thành viên bị ép mặc đồ và biểu diễn sexy. |
Alexander - cựu thành viên U-KISS - cũng từng tiết lộ việc công ty đuổi anh khỏi nhóm mà không có lý do chính đáng.
“Chúng tôi tổ chức nhiều sự kiện ở nước ngoài và tôi đã giúp công ty việc đó. Tôi thậm chí dạy họ cách sử dụng Twitter và quảng cáo các hoạt động của nhóm. Nhưng sau đó họ đến gặp tôi và nói: 'Chúng tôi đang nghĩ đến việc thay đổi một số thành viên. Bạn nghĩ sao về việc gia nhập nhóm nhạc nước ngoài'. Tôi biết họ chỉ đang cố gắng đuổi tôi khỏi nhóm”, Alexander tâm sự.
Theo Alexander, anh bị đơn phương chấm dứt hợp đồng chỉ vì không nổi tiếng. Anh kể: “Một nhân viên nói với tôi: ‘Bạn nghĩ mình xếp hạng mấy về mức độ nổi tiếng ở Hàn Quốc? Bạn không hề nổi tiếng’. Lúc đó còn trẻ nên tôi đồng ý với yêu cầu của họ”.
Jessica Jung, Yeon Woo cũng từng ám chỉ việc bị công ty quản lý đuổi. Trong khi đó, Sally của gugudan tiết lộ công ty Jellyfish Entertainment yêu cầu tất cả thành viên rời khỏi ký túc xá.
“Đầu năm 2019, cơ quan bảo tôi trở về Trung Quốc. Họ nhấn mạnh tôi không cần quay lại. Các thành viên đã cố gắng phản đối nhưng cuối cùng chúng tôi không thể thay đổi quyết định của công ty”, nữ ca sĩ bộc bạch.
Theo Bloomberg, hệ thống quản lý ở Kpop còn tồn đọng rất nhiều hạn chế. Các nhóm nữ quyền đã nhiều lần lên án cách đối xử bất công của ngành công nghiệp đối với phụ nữ. Phụ nữ thường được trả lương thấp hơn đồng nghiệp nam, đồng thời bị giới hạn trong phạm vi, hành vi và thể chất. Một số thần tượng đã kiện người quản lý với lý do bị tước đoạt gần như tất cả khoản lợi nhuận tài chính mà họ tạo ra.
Mất cơ hội ra mắt vì hành vi gian lận
Với Kpop, 30 tuổi đã được xem là tuổi “nghỉ hưu”, bởi vậy họ tận dụng tuổi thanh xuân hết sức có thể để ra mắt và quảng bá trên sân khấu. Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, có hàng trăm ca sĩ, nhóm nhạc ra mắt mỗi năm nhưng tuổi nghề ngắn ngủi, cơ hội ra mắt càng trở nên khó khăn và mong manh.
Các chương trình sống còn tuyển thành viên cho nhóm nhạc mới là cơ hội hiếm hoi để thực tập sinh tìm kiếm cơ hội ra mắt và trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, theo truyền thông Hàn Quốc, những chương trình này cũng không tồn tại sự công bằng. Các phiếu bầu của chương trình đã bị thao túng bởi tiền bạc và quyền lực.
Produce 101 là chương trình thực tế hàng đầu tại Hàn Quốc và khai sinh ra nhiều nhóm nhạc như I.O.I, Wanna One, IZ*ONE và X1. Chương trình do kênh truyền hình cap Mnet thực hiện và luôn đạt tỷ suất người xem cao. Nhờ đó, các nhóm nhạc xuất thân từ chương trình cũng dễ dàng nổi tiếng và đạt doanh thu lớn về nhạc số, lượng album bán ra.
Lee Ga Eun và Han Cho Won đạt thứ hạng cao nhưng không được ra mắt. |
Cuối năm 2019, đạo diễn của chương trình là Ahn Joon Young và nhà sản xuất chính Kim Yong Bum bị buộc tội thao túng kết quả bình chọn. Nhiều thí sinh có lượng phiếu bầu lớn và xứng đáng lọt vào đội hình ra mắt đã bị loại bỏ.
Nhà sản xuất thay thế họ bằng những thí sinh có phiếu bầu thấp hơn. Hai người bị bắt vào tháng 11/2019 và bị truy tố vào tháng 12/2019 về các tội danh gian lận, cản trở kinh doanh.
Theo công bố của Tòa án Tối cao Seoul vào tháng 11/2020, 12 thí sinh là nạn nhân của vụ thao túng. Lee Ga Eun, Han Cho Won thậm chí giành hạng 5, 6 và lọt vào đội hình 12 thí sinh có lượt bình chọn cao nhất, tức có cơ hội ra mắt cùng IZ*ONE nhưng họ bị nhà sản xuất loại bỏ một cách bất công.
Tương tự, Koo Jung Mo đạt hạng 6, Lee Jin Hyuk hạng 7 và Keum Dong Hyun hạng 8 ở vòng chung kết Produce X 101 nhưng không được ra mắt cùng nhóm X1.
Sau khi thông tin các nạn nhân được công bố, công chúng tiếc nuối cho họ khi cống hiến tuổi thành xuân để tập luyện và dồn hết hy vọng cho chương trình thực tế nhưng họ lại bị tước đoạt cơ hội bởi sự bất công, gian lận.
Theo Zing
Nhóm nhạc của Lee Hyori và Bi Rain chiến thắng với Summer Again
Nhóm nhạc SSAK3 gồm 3 thành viên Yoo Jaesuk, Lee Hyori và Bi Rain dẫn đầu các bảng xếp hạng lớn tại Hàn Quốc với ca khúc Summer Again.