Bác sĩ, cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh. Ảnh: Trà Hương
Năm 2023, ngành Y tế đề ra các nhóm giải pháp, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu được UBND tỉnh giao như 100% cơ sở y tế thực hiện số hóa quy trình khám, chữa bệnh (KCB); 100% cơ sở y tế từ tuyến xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn KCB từ xa qua điện thoại, mạng xã hội hoặc các ứng dụng trực tuyến (zalo, zoom…); phấn đấu hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu y tế dùng chung phục vụ quản lý công tác CSSK, thông tin dự phòng và KCB trên địa bàn tỉnh…
Trên cơ sở các chỉ tiêu được giao, Sở Y tế đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai bệnh án điện tử, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân, KCB từ xa, đồng bộ dữ liệu tiêm chủng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong KCB, tích hợp thực hiện đơn thuốc điện tử quốc gia và chuyển dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Toàn ngành nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đào tạo tập huấn để nâng cao nhận thức của công chức, viên chức và người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, quản trị y tế, KCB, y học dự phòng… 3 bệnh viện tuyến tỉnh gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên tiếp tục hoàn thiện xây dựng bệnh án điện tử. Nhiều cơ sở y tế đã chủ động nâng cấp hạ tầng thông tin; đầu tư hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CĐS.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc xây dựng bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh đã giúp người dân được hưởng lợi khi sử dụng các dịch vụ CSSK. Thời điểm hiện nay, mặc dù lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tăng so với cùng kỳ năm 2022 (mỗi ngày bệnh viện khám từ 1.100 - 1.300 lượt người và thu dung điều trị khoảng 1.200 lượt bệnh nhân), tuy nhiên, nhờ quy trình KCB được số hóa, thủ tục hành chính được cắt giảm tối đa, vì vậy, người dân không phải chờ đợi lâu, tình trạng quá tải trong bệnh viện giảm rõ rệt.
Các khoa, phòng đều được trang bị đầy đủ thiết bị máy tính, tivi màn hình rộng, hệ thống đầu đọc mã vạch… Cán bộ y tế, nhân viên bệnh viện thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thông qua các phần mềm hỗ trợ như HIS (phần mềm quản lý bệnh viện), LIS (hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm), PACS (hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh)…
Điển hình như tại Khoa Ngoại tiết niệu đã thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án, từ đó góp phần tiết kiệm thời gian cho nhân viên y tế và người bệnh. Nhờ được trang bị hệ thống máy tính, màn hình tivi đã giúp các bác sĩ thuận lợi hơn trong công tác tư vấn, giải thích cho người nhà bệnh nhân bằng các hình ảnh trực quan, sinh động để gia đình người bệnh hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của người bệnh và cùng bác sĩ thảo luận, đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS cũng cho phép lưu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh, vì vậy, cán bộ y tế và người bệnh có thể xem được dữ liệu mọi lúc, mọi nơi thông qua kết nối với điện thoại thông minh.
Tại tuyến huyện, các trung tâm y tế đẩy mạnh việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, sử dụng ứng dụng VNeID để tạo thuận lợi cho công dân khi đến KCB. Bà Nguyễn Minh Hằng ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc cho biết: "Trước đây, khi đi khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc vào buổi sáng tôi thường phải chờ đợi lâu vì lượng người khám đông, tuy nhiên, hiện nay, quá trình khám và trả kết quả rất nhanh chóng. Mọi thủ tục được thực hiện đơn giản qua thẻ căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VNeID; các công đoạn khám bệnh, chỉ định xét nghiệm được thực hiện nhanh trên máy tính nên tránh được sai sót".
Theo đánh giá của Sở Y tế, quá trình CĐS trong toàn ngành đang diễn ra mạnh mẽ ở cả 3 tuyến và đạt được những hiệu quả thiết thực, giúp người dân được hưởng lợi khi sử dụng các dịch vụ CSSK và tăng hiệu quả công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo ngành và các đơn vị.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do nhân lực công nghệ thông tin tại các đơn vị còn thiếu về số lượng và chưa đảm bảo về chất lượng, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn hạn chế nên công tác triển khai còn gặp khó khăn.
Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ngành Y tế không ngừng tối ưu hóa công tác quản lý, lưu trữ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa quy trình KCB, tiến tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động chuyên môn sâu. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng CSSK nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Theo Quỳnh Hương (Báo Vĩnh Phúc)