Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một trong những giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương; là giải pháp hiện đại để khơi thông tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực, là điều kiện để tối ưu hóa năng suất lao động, tiết giảm nhân lực lao động thủ công, chi phí sản xuất, tạo đà cho sự đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, cả nước nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì cần tạo nên những giá trị mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Nhận thức đúng để kiến tạo đúng và trúng, trong đó xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Với quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, Bắc Kạn đã đổi mới phương thức làm việc, quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, thực hiện trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành iOffice có gần 14 nghìn tài khoản người dùng. Từ đầu năm đến nay đã có trên 500 nghìn lượt gửi - nhận văn bản, trong đó tỷ lệ văn bản có bản gửi dưới dạng điện tử đạt 100%, tỷ lệ văn bản gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%.
Điều này góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương và hiệu quả trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tiếp tục duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và duy trì, hoàn thiện, thúc đẩy việc kết nối hệ thống đến hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.
Trong năm 2024, hệ thống triển khai hoàn thành việc kết nối đến hệ thống EMC của Bộ Thông tin và Truyền thông; đảm bảo triển khai 02 nhóm TTHC liên thông về khai sinh, khai tử theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP; đảm bảo việc chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VneID theo lộ trình chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương.
Hệ thống đã được nâng cấp, hoàn thiện các tính năng, chức năng, giao diện, tạo lập biểu mẫu điện tử, hoàn thiện kho dữ liệu người dùng theo quy định.
Chuyển đổi số và kinh tế kiến tạo được coi là xu thế của năm 2024. Tại tỉnh Bắc Kạn, kinh tế số bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Việc phát triển kinh tế số đã từng bước thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.
Đến tháng 5/2024, 100% doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị kinh doanh xăng dầu thực hiện việc khai báo thuế, nộp thuế và hoàn thuế bằng phương thức điện tử; 1.313/1.313 tổ chức, doanh nghiệp, HTX đã thực hiện đăng ký hóa đơn điện tử trên hệ thống (đạt tỷ lệ 100%).
Việc hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền được các cá nhân, hộ kinh doanh đón nhận và đánh giá cao với kết quả: Trên địa bàn tỉnh có 121/189 cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai trên địa bàn năm 2024 (đạt 64%) đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong đó: 65 doanh nghiệp, 56 hộ kinh doanh đã đăng ký với tổng số hóa đơn đã sử dụng là: 495.609 hóa đơn.
Công tác hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sản thương mại điện tử; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS được quan tâm, thực hiện.
Ngành chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh và khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; chủ động tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình tham gia chương trình chuyển đổi số và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ hàng nông sản, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh.
Đối với xã hội số, hiểu một cách đơn giản, đó là việc ứng dụng công nghệ vào các khía cạnh của đời sống, từ đó người dân được kết nối, tương tác và thành thạo các kỹ năng về kỹ thuật số, sử dụng hiệu quả các dịch vụ số, hình thành mối quan hệ mới trong môi trường số, thói quen số và văn hóa số.
Từ tháng 7/2024, thực hiện việc cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi theo quy định Luật Căn cước năm 2023, tỉnh đã tiến hành thu nhận được trên 44 nghìn hồ sơ, đạt tỷ lệ 53,1% trên tổng số trẻ em dưới 14 tuổi của tỉnh. 98% hồ sơ sức khoẻ của người dân trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo trên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân.
Hiện nay dữ liệu sức khỏe đã được đồng bộ cập nhật từ các phần mềm vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đồng thời dữ liệu này được liên tục được cập nhật khi người dân phát sinh việc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Ngành Y tế đã cung cấp dịch vụ cho người dân có thể tự theo dõi, quản lý, kiểm tra sức khỏe của bản thân tại địa chỉ và trên ứng dụng Sổ sức khỏe trên điện thoại di động.
Việc triển khai thí điểm khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng Căn cước gắn chíp tiếp tục được người dân đón nhận, tỷ lệ lượt công dân đi khám, chữa bệnh sử dụng Căn cước gắn chip thay BHYT tăng từ 51% tại thời điểm tháng 12/2023 lên 64,5% năm 2024; chi lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 41,6%; chi bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản duy trì ở mức 100%; số lượng người dân đăng ký, sử dụng VssID đạt 69.378người, tăng hơn 6 nghìn người so với năm 2023.
Bên cạnh đó, để góp phần phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể cho hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, cách thức phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh kết quả đạt được, một trong những khó khăn đặc thù của tỉnh miền núi Bắc Kạn là kỹ năng số của người dân, nhất là người dân sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế; số lượng người dùng các nền tảng số phục vụ đào tạo, học tập trực tuyến còn thấp; người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tự đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng.
Thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, từng bước hình thành công dân số, xã hội số của tỉnh gắn với công tác đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh... là những nhiệm vụ trọng tâm được Bắc Kạn xác định tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Việc kiến tạo chính quyền số, kinh tế số, xã hội số hướng đến mục tiêu cốt lõi, giá trị bền vững nhất là mỗi gia đình, mỗi người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với công nghệ số và được tham gia, thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số, từ đó tạo nguồn động lực, đột phá mới trên hành trình chuyển đổi số.
Theo Nguyễn Nga (TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH BẮC KẠN)