- Những đề xuất vượt trên cả khung khổ pháp lý của Formosa Hưng Nghiệp- Hà Tĩnh (Đài Loan) là chỉ dấu cho thấy, cách thức thu hút đầu tư FDI hiện nay cần được nghiên cứu lại. Ưu đãi mức nào là vừa đủ và đâu là cái giá phải trả để đổi lại sự hiện hữu lâu dài của FDI trong nền kinh tế ?
Càng ưu đãi càng thụ động
Chia sẻ với VietNamNet, TS Lê Đăng Doanh bày tỏ, ưu đãi đầu tư là một chính sách hội nhập thụ động. Nếu nền kinh tế mạnh, có năng lực cạnh tranh, có công nghệ, có DN lớn, thương hiệu lớn thì đất nước đó đã không cần phải đi ưu đãi nhiều như thế.
TS Doanh nhấn mạnh rằng, nếu như việc mời gọi FDI vào Việt Nam chỉ bằng cách giảm thuế, đưa lao động giá rẻ và đưa tài nguyên ra và cho đó là đủ tạo môi trường hấp dẫn thì kinh nghiệm thế giới đã cho thấy, những phương thức đó là không bền vững. Tài nguyên có hạn, chi phí lao động không thể giữ giá thấp mãi được".
Kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đã được hưởng rất nhiều ưu đãi đặc thù về thuế và đất đai.
Giai đoạn từ năm 1987 - 2004, tuỳ theo lĩnh vực, địa bàn đầu tư, FDI được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10%, 15% và 20%, thấp hơn nhiều so với mức 32% rồi giảm xuống 28% cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, FDI còn được miễn thuế tối đa 4 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo. Đó là khi Việt Nam chưa vào WTO.
Hiện nay, dự án của các DN FDI lớn còn có những cơ chế đãi ngộ riêng từ chính quyền các tỉnh thành, cùng đó là hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan trong lộ trình hội nhập WTO của Việt Nam.
Những đề xuất vượt trên cả khung khổ pháp lý của Formosa Hưng Nghiệp- Hà Tĩnh là chỉ dấu cho thấy, cách thức thu hút đầu tư FDI hiện nay cần được nghiên cứu lại |
Với riêng Formosa Hà Tĩnh, như Bộ KHĐT công bố, đây là dự án gang thép lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng vốn gần 10 tỷ USD giai đoạn 1, đã được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong chính sách của Việt Nam.
Thế nhưng, nhận lại được sau hàng loạt chính sách đãi ngộ thông thoáng đó, Bộ Tài chính đã từng tổng kết: việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số DN FDI chưa tương xứng với kỳ vọng của Nhà nước đối với khối DN này. Trong 5 năm qua, hiện tượng chuyển giá, báo lỗ của FDI trở nên phổ biến, gây thất thu ngân sách rất lớn. Tỷ lệ ở một số địa phương lên tới 50% doanh nghiệp báo lỗ.
Sau nhiều cuộc tích cực thanh kiểm tra, ngành thuế đã phanh phui nhiều vụ chuyển giá ngàn tỷ rất lớn và ước trung bình, số truy thu lên tới 17 tỷ đồng/doanh nghiệp FDI. Con số này nhiều hơn cả con số các DN FDI báo lãi và nộp thuế trung bình chỉ có 300 triệu đồng/doanh nghiệp.
Về khía cạnh hiệu ứng chuyển giao công nghệ, TS Lưu Bích Hồ cho biết, thống kê cho thấy, chỉ có 5% FDI là chuyển giao công nghệ cao, 15% là công nghệ trung bình, hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu. Giá trị gia tăng chỉ tạo ra 20%, giá trị nội địa còn chừa 10%".
Đừng để biến dạng chính sách
Trở lại vụ việc xin lập đặc khu gang thép của Formosa cùng hàng loạt đòi hỏi "trên trời", TS Lê Đăng Doanh, nói, tại sao trước kia, khi tập đoàn này vào Việt Nam ở một dự án khác (dệt nhuộm ở Đồng Nai) thì không có ý kiến xin ưu đãi vượt trội. Nay, sau vụ Vũng Áng, họ lại đòi hỏi cao như vậy?
"Điều đó chứng tỏ, Formosa đang muốn đặt một giá cao hơn cho Chính phủ Việt Nam. Họ muốn có các lợi lộc nhiều hơn. Giả sử, nếu Việt Nam chấp nhận những đòi hỏi đó thì sau này, sẽ gây ra một cuộc chạy đua đòi ưu đãi và nếu vậy, thật nguy hiểm cho môi trường đầu tư", ông Doanh bình luận.
Với riêng Formosa Hà Tĩnh, như Bộ KHĐT công bố, đây là dự án gang thép lớn nhất Việt Nam hiện nay |
Ông cũng nhấn mạnh: "Cần phải có sự phản biện độc lập, dựa trên đó, Chính phủ cần trả lời công khai cho nhà đầu tư và dân chúng hiểu."
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài chia sẻ, "nếu lĩnh vực nào, khu vực nào có quy mô đầu tư lớn một chút cũng đòi lập đặc khu với các ưu đãi riêng biệt thì sẽ phá vỡ hệ thống pháp luật hiện hành. Trong bối cảnh quản lý Nhà nước của ta về FDI còn chưa đáp ứng yêu cầu, Hà Tĩnh có vị trí địa chính trị rất quan trọng, các chính sách ưu đãi đối với Formosa nói riêng hoặc FDI nói chung cần hết sức thận trọng".
Năm trước, Samsung cũng nhận được những nghi ngại khá lớn từ dư luận về việc chưa đóng góp được đồng thuế nào sau gần 9 năm vào Việt Nam. Trong khi đó, Samsung cũng xin được nhiều ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, năm 2013, sau khi hết thời hạn ưu đãi, tập đoàn này đã đóng góp tới 1.500 tỷ đồng nộp thuế, hoá giải mọi nghi ngại. Mới đây, Tập đoàn này còn công bố sẽ đầu tư thêm 1 tỷ USD ở Việt Nam. Khác với Formosa, Samsung là dự án công nghệ cao và ít nhất cũng đã thu hút được 80 công ty vệ tinh, làm phụ trợ.
Nhưng với Formosa Hưng Nghiệp, ngành gang thép là ngành gây ô nhiễm môi trường và là lĩnh vực mà không quốc gia nào muốn khuyến khích phát triển mạnh. Đặc biệt là trong bối cảnh, nguồn cung thép đã dư thừa như ở Việt Nam.
Tổ chức Unido cũng vừa đưa ra nghiên cứu về hiệu qủa của chính sách ưu đãi thu hút FDI, đánh giá, các ưu đãi tài chính chỉ đóng vai trò bổ sung chứ không phải là một nhân tố cần thiết, mang tính quyết định nhất đối với các nhà đầu tư vào Việt Nam.
"Việc cấp ưu đãi đầu tư nên được xem xét kỹ hơn vì đây là một chính sách rất tốn kém, tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế quốc gia và gây ra những hạn chế cho ngân sách nước sở tại. Bất kỳ các biện pháp ưu đãi hiện có hoặc ưu đãi mới nào cũng phải phụ thuộc năng lực của nước sở và có muc tiêu rõ ràng", tổ chức này đánh giá.
Phạm Huyền