Từng gây sốt khi tham gia chương trình truyền hình ‘Ai là triệu phú’ (1/10/2013) với vốn kiến thức uyên thâm và cách nói chuyện hóm hỉnh, ông giáo Đặng Đình Thiêm (SN 1936 - TT Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) được nhiều người yêu quý.
Mặc dù đã bước sang tuổi 83 nhưng tinh thần ông vẫn minh mẫn, dáng vẻ nhanh nhẹn, dứt khoát.
Nhà giáo sinh năm 1936 tham gia 'Ai là triệu phú' vào năm 2013. |
Ông Thiêm công tác trong ngành giáo dục. Bên cạnh những năm gắn bó với việc giảng dạy môn văn, ông say mê tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa nên khi nghỉ hưu, ông giáo già đã dành thời gian viết lại những phong tục, tập quán ở chính quê hương Hoàng Xá (TT Vân Đình) của mình.
Năm 2016, Nhà xuất bản Phụ nữ đã xuất bản cuốn ‘Tục hay, lệ lạ Thăng Long’, trong đó có những bài viết của ông Thiêm.
‘Tôi sinh ra và lớn lên trong giai đoạn có nhiều sự thay đổi. Một số tục lệ cũ, tôi được chứng kiến, trải qua nay đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Tuy nhiên, đó như một nét văn hóa độc đáo của thế hệ ông cha, tôi ghi chép lại, hi vọng con cháu sau này biết đến’, ông Thiêm chia sẻ.
Đêm tân hôn, chú rể ngậm ngùi ôm gối sang chỗ khác ngủ
Một trong các tục lệ xưa ở làng Hoàng Xá, không nơi nào có là tục đêm tân hôn mẹ chồng ngủ với cô dâu.
Vẫn lời ông Thiêm, ngày xưa, ở các nơi, gia đình có việc dựng vợ, gả chồng cho con cái thường thông qua bà mối. Tuy nhiên, ở làng Hoàng Xá, con trai đến tuổi thành gia thất, người mẹ sẽ đứng ra lo liệu chủ chốt.
Ban đầu, người mẹ sẽ lựa chọn cô gái mình thật ưng ý, sau đó qua nhà gái dò ý tứ. Nhận được cái gật đầu của đàng gái, người mẹ quay về chuẩn bị cơi trầu dạm ngõ.
Một góc đình làng Hoàng Xá. |
‘Xưa ở làng tôi, nhiều người dạm ngõ, chọn dâu từ lúc cô gái còn bé, khoảng 6, 7 tuổi, đợi đến 16, 17 mới cưới’, mỉm cười, ông giáo già kể.
Ở nhiều làng quê, khi nàng dâu về đến cửa, mẹ chồng phải tránh mặt để sau này, hai mẹ con sẽ không va chạm, xích mích.
Với người dân Hoàng Xá lại khác. Ngày đón dâu, mẹ chồng là người đại diện, mang lễ vật sang nhà gái. Việc này được các cụ cao niên giải thích: ‘Mẹ chồng lộ diện ngay từ buổi đầu để bàn giao trách nhiệm quán xuyến gia đình cho con dâu’.
Sau các nghi thức cúng bái, cỗ cưới long trọng giữa hai nhà, cô gái chính thức trở thành dâu con trong gia đình nhà trai.
Đêm tân hôn, thay vì được động phòng hoa trúc với cô dâu, chú rể ở làng Hoàng Xá xưa phải 'ngậm ngùi' ôm gối sang phòng khác ngủ, nhường cô dâu cho người 'đặc biệt', đó là mẹ chồng.
Đêm đó, mẹ chồng sẽ trực tiếp trò chuyện, hướng dẫn con dâu về nếp sinh hoạt của gia đình, giúp cô gái khỏi bỡ ngỡ và tạo sự gắn kết, thân mật giữa mẹ chồng và con dâu.
Nếu mẹ chú rể đã mất, người phụ nữ có vai vế nhất trong gia đình như: Bà nội, chị chồng, em chồng, cô, dì…sẽ đảm nhiệm việc ‘động phòng’.
Bi hài chuyện mượn rể, tráo dâu
Ở tuổi 83, ông Thiêm vẫn say mê nghiên cứu và viết sách. |
Ông Thiêm cho hay, bên cạnh nhiều tục lệ, trai gái làng Hoàng Xá xưa không được tự do tìm hiểu, yêu đương như ngày nay. Do đó, nơi đây cũng xảy ra nhiều câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt. Trong số đó, có lẽ phải nhắc đến câu chuyện ‘mượn rể’ của cặp vợ chồng cụ cả Cù - ông Thiêm gọi là bác.
Thời trẻ, cụ cả Cù có ngoại hình xấu xí, đen nhẻm. Ngược lại, người em trai dưới cụ tên Kế, phong độ, hào hoa, là hình mẫu lý tưởng của nhiều thiếu nữ đến tuổi kén chồng.
Năm đó, mẹ cụ cả Cù vì muốn cưới cô gái thuộc diện ‘sắc nước, hương trời’, đảm đang của gia đình bên làng khác cho con trai lớn nhưng sợ nhà gái từ chối. Các cụ lớn tuổi nghĩ ra chiêu ‘mượn rể’, đưa cụ Kế đến đóng giả anh trai. Nhà gái không mảy may nghi ngờ, nhận trầu cau.
Suốt từ lúc ra mắt đến khi đón dâu, cô gái đinh ninh người đàn ông đó là chồng mình. Đêm đầu tiên, ngủ với mẹ chồng vẫn yên bình. Đêm thứ 2 chính thức gần chồng.
Cụ Kế tắt đèn rồi lẻn ra đổi cho anh trai thế vào. Sáng hôm sau, cô dâu phát hiện ra thì ‘ván đã đóng thuyền’, bỏ không dám bỏ vì sợ mang tiếng. Cuối cùng người phụ nữ đó đành chấp nhận sống với cụ cả Cù.
‘Đây là câu chuyện khắc họa một nỗi khổ của người phụ nữ thời xưa, họ không có quyền định đoạt và quyết định cuộc sống của mình. Người ta cho rằng đàn ông chê vợ còn được, đàn bà chê chồng chỉ có cách đi biệt xứ, bỏ làng bỏ cửa, sống lang bạt, thân tài ma dại.
Rơi vào hoàn cảnh như vậy, cô dâu quay về với bố mẹ đẻ sẽ bị đuổi đi, tự tử thì không dám, họ đành buông xuôi, cam phận’, ông Thiêm giải thích.
Chuyện tráo người trong đám cưới xưa ở làng Hoàng Xá còn diễn ra với cả cô dâu
Người anh họ ông Thiêm, gia cảnh nghèo nhưng khỏe mạnh, chăm chỉ. Một nhà giàu có ở huyện khác, sinh được hai cô con gái. Biết anh họ ông Thiêm chưa vợ, vợ chồng nhà giàu đánh tiếng, ngỏ ý muốn gả con gái cho.
Gia đình anh họ ông Thiêm được ‘lời như cởi tấm lòng’, mang trầu cau sang thưa chuyện, xem mặt. Ngày ra mắt, nhà gái giới thiệu cô em nhưng ngày cưới, hóa ra là cô chị, vừa lớn tuổi lại thô kệch. Mặc dù muốn hủy hôn nhưng vì thế lực của nhà gái, chú rể đành ngao ngán chịu trận.
Trở lại tục lệ mẹ chồng ngủ cùng con dâu trong đêm tân hôn, ông Thiêm cho biết: 'Mẹ chồng ngủ với con dâu đêm tân hôn thực chất mang ý nghĩa tốt đẹp. Từ năm 1945, sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, tập tục này đã được xóa bỏ. Thế nhưng với các gia đình, khi đón con dâu về, tôi nghĩ nên học hỏi một phần của tục lệ này. Mẹ chồng - nàng dâu dành thời gian trò chuyện, tâm sự để thấu hiểu nhau hơn, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống chung', ông Thiêm nói.
Thông tin với VietNamNet, ông Trần Hữu Nhuận (Trưởng thôn Hoàng Xá) cho biết: 'Ông Thiêm là bậc cao niên trong làng, dày công sưu tầm, ghi chép lại những nét văn hóa xưa của địa phương từ nhiều năm nay.
Tôi thuộc thế hệ sau, tuy không chứng kiến tục lệ này nhưng cũng từng được nghe người lớn trong gia đình kể lại. Đến khi ông Thiêm viết sách, tôi rất ủng hộ và trân trọng. Bản thân tôi được ông tặng quyển sách do ông viết, có thể coi đó như một tư liệu quý về làng'.
Bí mật hạnh phúc của gia đình tứ đại đồng đường ở Hà thành
Hàng chục năm qua, tại ngôi nhà nhỏ ở phố cổ Hà Nội, 19 thành viên, 4 thế hệ của gia đình cụ Nguyễn Thị Tề vẫn sống hòa thuận, vui vẻ dưới một mái nhà.
Minh Anh - Diệu Bình