Trong hàng ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam, có nhiều gia đình quân nhân cha con đều đeo quân hàm cấp tướng và được gọi là “gia đình quân nhân đặc biệt”, nhưng cha và con đều làm Tư lệnh Vùng Hải quân thì không phải “gia đình quân nhân đặc biệt” nào cũng có.
Người nhắc đến trong phóng sự này là hai cha con người lính biển đều làm Tư lệnh vùng Hải quân- Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng và cố Đại tá Lương Mẫn.
Chí khí người cha
Cho đến bây giờ, đã lên cấp hàm Thiếu tướng - Chuẩn đô đốc Hải quân, Tư lệnh vùng 2, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau và công tác trên nhiều địa bàn, song ký ức về người bố thân thương không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng.
Tư lệnh Vùng 2 hải quân Lương Việt Hùng (bên trái hàng thứ hai từ dưới lên) trong lần tháp tùng Tư lệnh Hải quân thăm Lữ đoàn 171 |
Thân sinh của ông- cố Đại tá Lương Mẫn - không chỉ là ngọn lửa truyền ý chí nghị lực cho ông trên con đường binh nghiệp, mà còn là người cha mẫu mực về cách sống, kỷ luật nghiêm khắc và lòng nhân ái.
Chàng trai 17 tuổi có cái tên “lạ” Lương Mẫn ở quê nghèo Hương Sơn (Hà Tĩnh) bắt đầu tham gia trong phong trào thanh niên cứu quốc.
Ông Lương Mẫn được xã tín nhiệm làm thư ký cho UBND xã sau đó vào quân đội năm 1948 khi Trung đoàn Chủ lực số 9 về tuyển quân. Ông Mẫn được điều về đại đội 51, Tiểu đoàn 302, Trung đoàn 95 (còn có tên là Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật) hoạt động tại khu vực Quảng Trị.
“Lúc đó cha tôi biết chữ nên đơn vị cử làm quản lý bếp núc, kho tàng. Năng khiếu quân sự của cha tôi bộc lộ trong một tình huống đặc biệt. Đầu năm 1949, trung đoàn 95 rời chiến khu Hải Đạo, Quảng Trị xuống đồng bằng hoạt động. Lúc đó giặc Pháp nhảy dù xuống chiến khu Hải Đạo.
Để tiêu diệt địch, cha tôi tập hợp 30 anh em trong chiến khu, chia làm mười tổ đánh địch. Ông chỉ huy cứ ba người bắn một tên địch, bắn xong bỏ chạy ngay vào rừng. Cứ chiến đấu xong một ngày, đến chiều tối về cây cao nhất trong rừng để tập trung, xem ai còn ai hi sinh” - ông Hùng kể lại.
Phương pháp đánh của ông Mẫn khiến nhiều tên địch bị tiêu diệt mà bên ta không hề bị thương một người nào.
Tướng Hùng bên bàn thờ người cha quá cố - Đại tá Lương Mẫn |
Khi quân địch rút lui, ông Mẫn trở về hậu cứ, nghĩ tưởng sẽ bị cấp trên kỷ luật vì “can tội” tự ý lấy súng trong kho ra khi chưa có lệnh chỉ huy. Ai dè khi biết chuyện ông Mẫn đánh giặc “kiểu lạ”, Chính ủy Trung đoàn Trần Quí Hai gọi lên khen ngợi trước hàng quân, phong ông lên trung đội trưởng rồi cho ra mặt trận chiến đấu.
Kết thúc kháng chiến chống Pháp, ông Lương Mẫn được đề bạt đại đội trưởng với nhiều chiến công xuất sắc.
Chuẩn đô đốc Hùng chia sẻ: “Bố tôi đi biền biệt 10 năm trên khắp các chiến trường. Từ khi sinh ra, lên mười tuổi tôi mới biết mặt bố vào năm 1972. Sau lần đó, bố tôi lại vào chiến trường biền biệt đến mãi sau năm 1975 mới về thăm mẹ tôi.
Khi ông giữ chức Tư lệnh Vùng 2, mặc dù nhà chỉ cách đơn vị 80 km, song vẫn không có thời gian thăm vợ con.
Bố tôi nghiêm khắc, giản dị và rất tình cảm. Lúc còn sống, ông dạy anh em tôi: “18 tuổi phải tự quyết định cuộc đời mình.
Có ba tố chất tạo nên sự thành công của con người, đó là trình độ, sức khỏe và tư cách đạo đức”. Bố tôi là tấm gương về đạo đức tác phong quân sự cho anh em tôi học tập và noi theo”.Vị đại tá trẻ nhất toàn quân
Hỏi về con đường binh nghiệp, Chuẩn đô đốc Hùng nói chân thành: “Khi tôi học cấp ba thì bố tôi đã làm Tư lệnh vùng, nhưng lúc đó tôi thích ngành công an. Bố tôi bảo “Mày nóng tính không làm công an được” nên động viên tôi thi vào trường chỉ huy kỹ thuật hải quân”.
Mặc dù có bố làm Tư lệnh vùng, song chàng trai nhỏ thó 18 tuổi lúc đó lại quyết tâm xin sang học ngành pháo tên lửa- ngành được coi là cực nhọc về vũ khí hạng nặng lúc bấy giờ.
“Trong nhiều ngành, thì pháo tên lửa là ngành khó và cực nhọc nhất, vì lúc nào cũng dính dáng đến súng đạn dầu mỡ, song tôi lại thích ngành đó. Mỗi lần ngồi trên mâm pháo, cảm thấy đời bộ đội ý nghĩa” - ông Hùng tự hào.
Tốt nghiệp, Trung úy Hùng nhất quyết xin về Vùng 4 hải quân (Cam Ranh- Khánh Hòa) công tác, dù bố anh - Đại tá Lương Mẫn đang là Tư lệnh Vùng 3 (Sơn Trà- Đà Nẵng).
“Tôi không thích hai bố con cùng đơn vị. Làm hay, làm tốt người ta vẫn nghĩ mình là con của tư lệnh nên được ưu ái; còn nếu mình làm sai thì ảnh hưởng đến bố”. Nhưng cấp trên đã quyết định điều ông về Vùng 3 Hải quân vì họ muốn hai cha con cùng ở chung một đơn vị để được gần nhau, bù đắp bao năm xa cách.
Huấn luyện pháo tàu- công việc mà Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng một thời kinh qua |
Về Vùng 3 Hải quân, nghĩ tưởng là con vị Tư lệnh Vùng, Hùng sẽ chọn cho mình một vị trí “ngon” để nhàn thân, nhưng anh trả lời: “Ngành tôi học là pháo tên lửa, chỉ có pháo tên lửa thì tôi mới phát huy được khả năng”.
Thấy chàng sĩ quan trẻ quả quyết như vậy, cơ quan cán bộ vùng quyết định điều ông công tác theo đúng chuyên ngành đã học với chức vụ phó trưởng ngành hỏa lực tàu săn ngầm 159 - Lữ đoàn 171.
Tháng 3 năm 1988, khi sự kiện Trường Sa nổ ra, lúc đó Chuẩn đô đốc Hùng giữ chức thuyền phó tàu đổ bộ 555 kiêm đội trưởng đội chống đổ bộ, chốt giữ đảo, có mặt ở Trường Sa 192 ngày.
Từ chiến sĩ Hải quân được đào tạo bài bản trong học viện nhà trường, rồi trở thành sĩ quan hải quân, kinh qua các chức vụ khác nhau, ở đâu Chuẩn đô đốc Hùng cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Trước khi giữ chức Tư lệnh Vùng 2 Hải quân hiện nay, ông đã giữ chức Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 năm 2002, rồi Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân, đeo quân hàm Đại tá ở tuổi 42- tuổi trẻ nhất cấp đại tá toàn quân thời điểm đó.Đời thường tư lệnh
Vùng 2 Hải quân thành lập tháng 3/2009 thì tháng 1/2014, ông Hùng được Quân chủng Hải quân điều về làm Tư lệnh Vùng 2. Một năm sau, ông được phong hàm Thiếu tướng- Chuẩn đô đốc Hải quân, chịu trách nhiệm quản lý một vùng biển rộng lớn từ Bình Thuận đến Cà Mau.
Công việc luôn bận rộn với chỉ huy tác chiến, song tướng Hùng luôn gần gũi với cán bộ chiến sĩ.
Trong làm việc, ông là người chỉ huy nghiêm khắc, cứng rắn nhưng cũng linh hoạt trong xử lý tình huống. Hết giờ làm việc ông là người bạn, người chú, người anh của cán bộ, chiến sĩ bởi luôn quan niệm rằng, trước khi trở thành tư lệnh, ông đã là chiến sĩ, hiểu được tâm tư nguyện vọng và đời sống vất vả của chiến sĩ thời bình.
“Trăm cái lý không bằng một tí cái tình. Làm cái gì cũng phải tận tâm, hết mình. Mình cũng phải biết lắng nghe. Cái nào mình ra lệnh nhưng thấy chưa hợp lý thì phải điều chỉnh. Không áp đặt, độc đoán, độc quyền.
Quân đội cho tôi quyền hạn tới đâu tôi làm tới đó. Khi mặc quân phục mình là tư lệnh, là cấp trên nhưng khi không khoác lên mình bộ quân phục ấy nữa, mình là người bạn, là anh em với cấp dưới của mình”.
Một ngày mới của Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng bắt đầu từ 5 giờ sáng. Vị tướng vóc dáng nhỏ thó nhanh nhẹn tập thể dục, chạy dài rèn luyện sức khỏe. Sau giờ làm việc bận rộn, ông vẫn dành riêng thời gian nghe tiếng Anh, nghiên cứu tài liệu làm giàu tri thức.
Tất cả những tư chất, vốn sống và trình độ chỉ huy, ông đều học từ bố ông, để rồi hôm nay ông cũng làm tư lệnh như bố- chỉ khác về thời gian của hai thế kỷ…
Theo Mai Thắng/Pháp luật Việt Nam