Nhiều năm nay, câu chuyện anh Phan Văn Tùng (34 tuổi, ngụ ở xã Long Chánh, thị xã Gò Công, Tiền Giang) bị liệt nửa người nhưng không đầu hàng số phận, vẫn cố gắng làm việc và sống vui vẻ đã gây ấn tượng với nhiều người. Tình yêu đẹp, son sắt của vợ dành cho anh Tùng cũng khiến nhiều người xúc động khi biết đến.
Chuyện cảm động người đàn ông khuyên vợ đi lấy chồng mới để mình tự tử (Thực hiện: Nguyễn Cường).
Công việc hiện tại của anh Tùng là làm rèm châu, bán trên mạng xã hội. Trên trang cá nhân facebook của mình, anh Tùng luôn chia sẻ trạng thái, suy nghĩ tích cực dù đang đối mặt nghịch cảnh.
Buông xuôi, chỉ chờ... đi để tự tử
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Tùng vào một chiều chủ nhật, như mọi ngày, anh Tùng vẫn nằm trên tấm ván ở cửa nhà làm công việc quen thuộc. Chỉ khác hôm nay là cuối tuần, vợ anh cũng ở nhà phụ anh hoàn thiện sản phẩm.
Nói về câu chuyện của mình, anh Tùng kể, năm 2011, anh đang phụ hồ ở tầng 3 thì sập giàn giáo. Anh bị rơi xuống đất, gãy ngang cột sống, đứt tủy. Thời điểm xảy ra tai nạn anh mới lấy vợ được mấy tháng, vợ đang mang bầu.
Nằm bệnh viện ở TPHCM gần một năm, mọi gia sản, ruộng vườn đều phải bán để trả viện phí. Thế nhưng rồi anh Tùng vẫn phải chấp nhận về nhà với tình trạng liệt vĩnh viễn nửa người.
Do liệt hoàn toàn, không có cảm giác ở nửa dưới cơ thể, anh Tùng rơi vào trạng thái đại tiểu tiện không tự chủ. Da thịt cũng trở nên dễ bị tổn thương, các chỗ lở loét rất khó lành và thường xuyên tái phát.
"Chỉ cần nằm ngửa một giờ đồng hồ thì xương đùi có thể cắt rách thịt ở mông, dẫn đến hoại tử. Tôi từng phải nằm viện hơn một tháng chỉ vì một lần bất cẩn, vì vậy bây giờ không dám nằm ngửa hay ngồi xe lăn quá 30 phút. Nằm một chỗ thì bí bách, nằm sấp suốt ngày cũng tức ngực, khó thở nhưng đành chịu", anh Tùng chia sẻ.
"Lúc tôi mới ở viện về, vợ phải một tay ôm con gái mới sinh, một tay thay tã cho tôi. Tâm trạng tôi lúc đó hỗn độn lắm, thương vợ, bất lực, đau khổ, buồn bực, ức chế đủ cả.
Cứ nằm trên tấm ván ở cửa nhìn ra ngoài, tôi chán ghét cuộc sống. Trong mấy năm đầu, ý nghĩ tự tử cứ quanh quẩn. Tôi nghĩ mình sống cũng chẳng làm được gì, nếu mình chết, cha mẹ, vợ con sẽ đỡ đi gánh nặng. Nhưng kể cả có muốn tự tử thì tôi cũng không làm được.
Rồi không ít lần tôi khuyên vợ bỏ tôi để đi tìm hạnh phúc mới. Tôi bảo vợ nếu ở với tôi chỉ đau khổ, phí phạm cả cuộc đời. Tôi nghĩ chỉ cần vợ rời đi là sẽ tự tử ngay. Thế nhưng năm lần bảy lượt vợ tôi cũng không chịu", anh Tùng kể.
Ngồi ngay bên cạnh, chị Hồ Thị Nhanh, vợ anh Tùng tiếp lời: "Không hiểu sao hồi đó anh ấy có suy nghĩ như thế nữa. Vợ chồng tình nghĩa ở với nhau, sao khi hoạn nạn lại kêu người ta bỏ đi, sao mà đi cho đành được".
Anh Tùng kể, nhờ tình yêu của vợ, anh dần có lại nghị lực sống và yêu cuộc sống. Chị Nhanh hơn anh 2 tuổi, anh Tùng bảo chị sống rất tình cảm, nhưng kiệm lời, không phải thân thiết thì không nhận ra được.
Kể từ khi thôi ý định tự tử, anh Tùng lại muốn sống sao cho đời ý nghĩa nhất, anh muốn làm gì đó để kiếm thêm tiền phụ vợ. Ngặt nỗi đi lại không được, lúc nào cũng trong trạng thái phải nằm sấp nên làm gì cũng khó.
Chiến thắng số phận, chỉ mong gia đình mãi bên nhau
Mãi đến năm 2018, một người bạn của chị Nhanh đến thăm, biết chuyện nên hướng dẫn cho anh Tùng công việc làm rèm châu. Tiền công hoàn thiện mỗi tấm rèm khoảng 200.000 đồng, thấy việc nằm xâu những hạt nhựa thành chuỗi khá phù hợp nên anh Tùng đã nhận làm.
"Khi mới làm khó lắm, tay bị cóng, cứng lại nên làm rất chậm, đâm kim vô tay cũng thường. Làm chưa quen nên lỗi hoài, 10 ngày cũng chưa xong một sản phẩm nữa, nản lắm.
Nhiều khi chán, ý định bỏ, nhưng lại thương vợ, nghĩ lại chẳng có nghề nào hợp hơn, nên làm đến bây giờ. Làm quen, một tháng cũng được ba, bốn tấm, đêm đến cả nhà cùng làm nên cũng vui, giờ lại chỉ sợ hàng ế", anh Tùng kết thúc câu chuyện bằng nụ cười rất tươi.
11 năm qua, trừ đi nằm viện thì anh Tùng cũng chẳng mấy khi ra khỏi nhà. Mới đây, có mạnh thường quân hỗ trợ một chiếc xe lăn chạy điện, tuy nhiên một tuần anh Tùng cũng chỉ dám ngồi xe ra ngoài dưới 30 phút rồi lại quay về.
Cưới chưa tròn một năm thì chồng gặp nạn, 12 năm qua, chị Nhanh đã ngậm đắng nuốt cay, chịu cực chịu khổ lo cho gia đình mà không hề than vãn một lời. Trừ những ngày đưa chồng đi nằm viện, 11 năm rồi không ngày nào chị Nhanh vắng mặt khỏi nhà quá 10 tiếng đồng hồ.
Để lo cho chồng con, người phụ nữ thậm chí còn không dám ốm. Những nhọc nhằn đã hằn rõ dấu vết trên gương mặt, dù vậy chị Nhanh vẫn luôn cố giữ lại nụ cười để làm động lực cho bản thân vượt qua khó khăn, cũng là niềm an ủi cho chồng đương đầu bệnh tật.
Quanh năm như một ngày, cứ 5 giờ sáng, chị Nhanh thức dậy, nấu bữa sáng, dọn dẹp lau rửa cho chồng trước khi cả nhà cùng ăn sáng. Sắp xếp thức ăn bữa trưa cho chồng con, chị Nhanh quay lại lót chỗ nằm cho anh Tùng trước khi rời khỏi nhà để bắt đầu ngày làm việc.
Chị làm công nhân may ở một xưởng trong xã, buổi trưa ở lại không về. Tan làm, chị Nhanh lại chạy vội về nhà, lau dọn cho chồng. Trước khi trời tối, chị tranh thủ kiểm lại số sản phẩm anh Tùng đã hoàn thiện, điều anh Tùng không thể tự làm được.
Con gái của anh chị tuy còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, luôn nghe lời ba mẹ và học khá. Sau bữa cơm tối, cả gia đình quây quần, vừa xâu hạt, vừa nói chuyện. Vẫn là những câu chuyện ở xưởng may của chị Nhanh, chuyện ở trường học của con gái hay chuyện trên hội người khuyết tật facebook của anh Tùng nhưng mỗi ngày lại có những điều mới. Hoặc như anh Tùng nói, do gia đình sống đơn giản nên cũng chỉ cần những mẩu chuyện đơn giản để thấy thú vị.
Chị Nhanh bảo rằng nếu không có 2 tiếng cuối ngày ngồi cùng nhau thì gia đình chẳng còn gì ý nghĩa. Anh Tùng cũng bảo rằng nếu mỗi ngày không có vài tiếng đồng hồ vợ con quây quần thì anh cũng không thể nào vui nổi, 11 năm qua có lẽ đã sinh ra bệnh khác.
Mỗi tháng, anh Tùng xâu rèm được khoảng 600.000 đồng, được nhà nước hỗ trợ thêm hơn một triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ tã bỉm cho anh hàng ngày. Chi tiêu gia đình đều phụ thuộc vào số tiền lương công nhân hơn 4 triệu đồng mỗi tháng của chị Nhanh, vậy nên cuộc sống luôn thiếu thốn.
Dù vậy, anh chị vẫn động viên nhau, tìm hạnh phúc trong nghịch cảnh. Nhìn ra khoảng trời trước nhà, anh Tùng bảo: "Khung trời bình yên của tôi chỉ có nhiêu đó, nhưng thế là đủ rồi, vui lắm rồi, chẳng cầu mong gì hơn cả". Nhìn chồng âu yếm rồi chị Nhanh cũng tiếp lời rời rằng, chỉ cầu sao cho chồng không phải đi viện, gia đình yêu thương, hòa thuận, cứ bên nhau là đủ.
Theo Dân trí