Đo chỉ số SpO2 đều như cơm bữa

Cô gái trẻ Hoàng Anh sinh sống cùng gia đình 13 người gồm mẹ, anh trai, dì, dượng, cậu, mợ… trong một con hẻm ở phường 10, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Ngày 12/8, Hoàng Anh nghe tin người mà cô thuê chăm dì C. (dì của Hoàng Anh nhập viện vì ngã cầu thang 10 hôm trước) không may qua đời vì Covid-19.

Khi ấy, gia đình cô vội mua bộ test nhanh và nhận kết quả 8 người dương tính với Sars-CoV-2. Hai hôm sau, 4 thành viên còn lại cũng trở thành F0. Lúc ấy, cả nhà 12 người chưa ai xuất hiện triệu chứng gì nên rất lo sợ không biết tiếp sau đó mình sẽ bị những gì.

Diệp Vĩnh Kiến - anh họ của Hoàng Anh là người duy nhất không bị mắc Covid-19 vì tham gia tình nguyện chống dịch nên ở ngoài 2 tháng nay. Từ đây, Kiến trở thành trợ thủ vòng ngoài lo liên hệ dược sĩ, mua thuốc men và thực phẩm cho cả gia đình.

Ở vòng trong, Hoàng Anh do đã được tiêm 1 mũi vắc xin nên bị nhẹ hơn. Mẹ và mợ của Anh cùng một số trẻ nhỏ cũng gần như không có triệu chứng hoặc chỉ ho, sốt nhẹ.

Tuy vậy, cả gia đình 12 người liên tục tra cứu các thông tin hướng dẫn của Bộ Y tế về việc điều trị F0 tại nhà. Họ uống nhiều nước ấm, ăn đúng cữ, bổ sung vitamin C, trái cây, sữa chua, xông gừng chanh sả ngày 2 lần, tập thể dục, yoga, tập thở… Hàng ngày, Hoàng Anh đo chỉ số SpO2 của mọi người rồi cập nhật cho người có chuyên môn y tế mà Vĩnh Kiến quen.   

{keywords}
Hoàng Anh đo SpO2 thường xuyên trong ngày cho các thành viên để phát hiện bất thường.

Trong số 12 thành viên của gia đình, virus tấn công mạnh nhất vào bà C., ông Kh. (cậu của Hoàng Anh) cùng người anh trai tên T.A.

Bà C. năm nay 63 tuổi bị bệnh tim và cao huyết áp. Những ngày đầu sau khi phát hiện dương tính, chỉ số SpO2 của người phụ nữ này chỉ ở mức 93-94 (mức an toàn là từ 95 trở lên - nv). Bà cảm thấy hơi khó thở.

Thấy chỉ số SpO2 của dì dưới mức an toàn, Hoàng Anh đã xin tư vấn từ người có chuyên môn y tế. Sau đó, cô hướng dẫn dì tập thở và vận động nhẹ nhàng. Đặc biệt, cô cho dì uống thuốc chống đông máu, thuốc điều chỉnh nhịp tim theo đơn dược sĩ cung cấp. 

Từ bên ngoài, Diệp Vĩnh Kiến xin trợ giúp từ trạm oxy cộng đồng và gửi về cho gia đình. Mỗi ngày, Hoàng Anh mở oxy cho bà C. thở khoảng 30 phút. Tổng lực nhiều biện pháp, 4 ngày sau, chỉ số SpO2 của dì cô đã trở lại bình thường.

{keywords}
Gia đình cô may mắn được tiếp tế bình oxy.

Hoàng Anh tưởng Covid-19 chỉ tấn công mạnh vào người có tuổi. Nhưng không ngờ, ngày 21/8, anh trai T.A (SN 1993) của cô lên sân thượng nhưng mãi không thấy xuống. Hoàng Anh vội vàng lên tìm thì thấy anh nằm lịm ở trên đó. Được em gái gọi dậy, chàng trai mới cố lết xuống cầu thang để thở oxy.

"Đừng để Covid-19 đánh lừa"

Khi được bình oxy “tiếp sức”, chỉ số SpO2 của T.A nhích lên được 96-97 nhưng cứ tháo bình ra thì lại tụt xuống mức 80. Đặc biệt, chàng trai này bị thở dốc và ho dữ dội. Đến tối dù đã làm mọi cách nhưng tình hình của T.A vẫn không mấy cải thiện.

T. A sau đó được chuyển vào Bệnh viện quận Tân Phú. Trong cơn mê man, anh cảm nhận rõ không khí căng thẳng ở phòng cấp cứu. Hình ảnh những bóng người mặc đồ bảo hộ màu xanh, màu trắng lao đi như con thoi. Tiếng máy kêu bíp bíp liên hồi.

“Anh em ban đầu có chút chủ quan vì nghĩ bản thân còn trẻ thì sức đề kháng tốt, chắc là sẽ nhanh khỏe thôi. Nhưng không ngờ anh ấy lại trở nặng quá nhanh. Có lẽ trước đó, do sẵn cơ địa của người thừa cân nên anh ấy mới bị virus tấn công mạnh như thế. Trước đây anh nặng hơn 100kg nhưng vài ba năm nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 80kg.

May mắn là anh em được nhập viện kịp thời. Nếu không gia đình đã phải đối diện với tình huống xấu rồi. Bởi sau đó em được biết anh bị đông máu, rất nguy hiểm. Nếu chỉ để ở nhà thở oxy thì sẽ không thay đổi được gì”, cô gái trẻ kể.

{keywords}
Gia đình cô cố gắng đổi bữa để mọi người không bị chán ăn.

Vừa đưa anh trai vào viện được một hôm thì sóng gió tiếp tục ập đến. Ngày 22/8, Hoàng Anh phát hiện ông Kh. có chỉ số oxy bị tụt một cách bất thường, có khi xuống tới 70. Nhưng kỳ lạ là ông không hề có biểu hiện gì, khá tỉnh táo và không bị khó thở.

Tuy nhiên, cô gái trẻ nghĩ “con số không bao giờ nói dối, Covid-19 chỉ đang lừa mình thôi”. Đó chẳng qua là sự bình yên giả tạo trước khi có bão tố ập đến. Sợ tình hình sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát, Hoàng Anh vội gọi xe cấp cứu 115 đưa cậu vào Bệnh viện quận Tân Bình.

Sau đó, ông Kh. được các bác sĩ cho nhập viện rồi chuyển qua khu cách ly Hoàng Hoa Thám. Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ, sức khỏe của người đàn ông 48 tuổi này dần cải thiện.

Đến ngày 25/8, 11 người trong gia đình của Hoàng Anh thực hiện test nhanh và vui mừng nhận kết quả âm tính. Ngày 5/9, T. A cũng được xuất viện.

{keywords}
Hoàng Anh đón tuổi mới ít ngày trước với kết quả âm tính với Covid-19.

Sau khi cùng cả nhà trải qua hành trình đầy cam go, Hoàng Anh nhận ra rằng, cần tỉnh táo theo sát tiến triển của bệnh, nhất là trong giai đoạn từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 10. Đặc biệt, nên kết nối với người có chuyên môn y tế hoặc cán bộ y tế sở tại để được hướng dẫn trong mọi tình huống.

Người bệnh cũng phải giữ vững tinh thần lạc quan. Khi chán ăn thì nên xem những clip nấu ăn để khơi dậy cảm giác thèm ăn. Khi buồn thì nên xem lại những kỉ niệm vui đã qua, ảnh chụp đi du lịch, vui chơi… để phấn chấn hơn.

{keywords}
Khoảng sân gia đình cô lên tập thể dục những ngày bị Covid-19.

Giờ đây, các thành viên trong gia đình Hoàng Anh vẫn duy trì tập thở hàng ngày. Mỗi ngày họ còn rửa mũi 3-4 lần, hít dầu để khôi phục hoàn toàn khứu giác…

Cô gái trẻ gửi cho PV những hình ảnh ghi lại quá trình đồng hành cùng gia đình vượt qua Covid-19. Dưới bức ảnh chụp khoảng sân thượng đầy nắng thấp thoáng những bông hoa màu tím, Hoàng Anh viết: “Mong “mùa xuân” sớm về trên thành phố”.

Hồng Anh

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyến xe ‘vui vẻ’ của chàng trai khỏi Covid-19 sau 10 ngày tự điều trị

Chuyến xe ‘vui vẻ’ của chàng trai khỏi Covid-19 sau 10 ngày tự điều trị

Mỗi khi nhận chở F0, anh đều vui vẻ nói với các bệnh nhân rằng, hãy xem chuyến xe này là chuyến xe đi du lịch.