- Đó là khẳng định của ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 09, diễn ra sáng nay ở TP.HCM.
Sáng 1/6, Sở Thông tin và Truyền Thông TP.HCM tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 09 ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước.
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện nghị định 09 Chính phủ |
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) hướng dẫn thực hiện Nghị định 09 nêu rõ, các cơ quan hành chính nhà nước ít nhất ba tháng một lần phải tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Nếu sở nào ở TP.HCM ba tháng không tổ chức họp báo thì sẽ bị xử lý kỷ luật.
Theo Cục trưởng, người cung cấp thông tin phải nhạy cảm, sớm nhận diện được khủng hoảng, làm chủ được tình hình, chủ động thông tin, giành quyền phát ngôn, diễn giải, tạo được lòng tin.
"Những điều cần tránh trong công tác phát ngôn báo chí là coi thường công luận, báo cáo không đúng sự thật, đưa ra kết luận vội vàng, không dám nhận trách nhiệm và hứa hẹn mà không làm được", ông Nghiêm nêu.
Xung quanh chủ động cung cấp thông tin, phát ngôn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cũng đặt ra tình huống xử lý khủng hoảng truyền thông.
Ông Nghiêm nhấn mạnh, xử lý khủng hoảng truyền thông, người phát ngôn cần thông tin càng sớm càng tốt, chỉ sử dụng số liệu thực tế, không phỏng đoán. Trong những sự kiện, vấn đề nóng lâu dài cần phải liên tục bổ sung, cập nhật thông tin cho báo chí.
“Khủng hoảng truyền thông như cháy nhà, nếu xe cứu hỏa đến chậm thì không thể chữa. Giải quyết khủng hoảng cũng như chữa cháy, phải có đội ngũ cứu hỏa chuyên nghiệp. Phải biến việc to thành nhỏ, phải biến việc cơ sự thành vô sự chứ thực tế đội ngũ xử lý khủng hoảng bây giờ có xô dùng xô, có chậu dùng chậu, có khi lại đổ cả xăng vào lửa",– Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại lấy ví dụ.
Đừng ngại tiếp xúc báo chí
Phát biểu tại hội nghị, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, các cơ quan nhà nước đừng ngại gặp gỡ, tiếp xúc với báo chí, mà phải coi báo chí như là cánh tay nối dài để hệ thống chính quyền TP đưa những thông tin của TP đến với người dân.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. |
Từ đó hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, những băn khoăn vướng mắc của nhân dân TP để có những giải pháp khắc phục tốt hơn, để mọi người dân TP ngày càng có cuộc sống tốt hơn.
Trả lời VietNamNet bên lề hội nghị về vấn đề bảo mật nguồn tin, ông Nghiêm cho biết, khi cán bộ, người dân cung cấp thông tin nhưng với lý do nhảy cảm thì báo chí có quyền đưa tin nặc danh hoặc nửa nặc danh để bảo vệ nguồn tin, trừ khi các cấp thẩm quyền như Viện kiểm sát, tòa án yêu cầu cung cấp thông tin để xử lý vụ án nghiêm trọng.
Cụ thể, mọi cán bộ công chức đều có quyền nhân danh cá nhân để cung cấp thông tin cho báo chí. Họ được phép cung cấp nhưng có thể từ chối cung cấp. Người đó chịu trách nhiệm thông tin nếu sai, còn cung cấp đúng thì không phải chịu trách nhiệm và có thể nặc danh nếu ngại. Báo chí được nặc danh nếu nguồn tin thấy ngại.
Văn Bình