Sáng 23/5, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) tổ chức họp báo về kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vào ngày 4/6 tới.

Cụ thể, Techcombank sẽ niêm yết 1,165 tỷ cổ phiếu với mã TCB. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 128.000 đồng.

Như vậy, mức giá hình thành qua các đợt chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài, qua các đợt bán cổ phiếu quỹ đầu năm nay trở thành mốc tham chiếu chính thức. Theo đó, sau nhiều năm, dòng cổ phiếu ngân hàng Việt Nam - từng được mệnh danh "cổ phiếu vua" - mới lại có mã đạt thị giá trên 100.000 đồng.

Như từng gây chú ý trên thị trường sau các thương vụ bán vốn vừa qua, mức giá tham chiếu 128.000 đồng nói trên được đặt ra tại buổi họp báo.

{keywords}
 

Cơ sở nào cho mức giá này, có quá cao khi vượt hơn gấp hai lần so với thị giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đang giao dịch trên sàn, cũng như vượt xa thị giá của tất cả các cổ phiếu ngân hàng khác đang niêm yết?

Trả lời câu hỏi này, đại diện lãnh đạo Techcombank cho biết, một trong những cơ sở tham khảo, qua các đợt chào bán cổ phần vừa qua, nhiều quỹ đầu tư trên thế giới có chung đánh giá, xác định giá trị doanh nghiệp của Techcombank vào khoảng 6,2 - 6,5 tỷ USD.

Mức định giá này được nhấn mạnh trên cơ sở báo cáo tài chính được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là vượt qua được những yêu cầu khắt khe khi chào bán tại thị trường Mỹ.

Mặt khác, mức giá trên hình thành qua cơ sở cung cầu. Lượng đặt mua cổ phần Techcombank từ hàng trăm tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài lên tới hơn 4 tỷ USD, gấp hơn 4 lần lượng chào bán. Và đây là một yếu tố quan trọng góp phần hình thành giá.

Trao đổi với VnEconomy bên lề buổi họp báo, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank giải thích thêm, 128.000 đồng là mức giá được xác định trên cơ sở các mức chào mua của các quỹ, chứ ngân hàng không chủ động đưa ra mức giá chào bán cố định nào đó.

Lượng cổ phần trong các đợt chào bán vừa qua đã được chọn bán cho hơn 150 quỹ đầu tư, trong đó có nhiều quỹ lớn đến từ Mỹ, Anh, Singapore… Đáng chú ý, nhiều quỹ chưa từng đầu tư vào Việt Nam.

"Chúng tôi lựa chọn các quỹ có nền tảng tài chính mạnh, cùng tiêu chí gắn bó và đồng hành với ngân hàng lâu dài. Trong khi đó, bên cạnh việc đánh giá giá trị của Techcombank, qua tiếp xúc với các nhà đầu tư khi triển khai kế hoạch trên cho thấy, họ đánh giá cao sự ổn định của kinh tế vĩ mô và sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam. Đây là hai điểm nhà đầu tư nước ngoài rất chú trọng", ông Quốc Anh cho biết.

Một điểm liên quan đến giá cổ phiếu, cho đến nay Techcombank đang là một trường hợp đặc biệt trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam, khi 8 năm liền không chi trả cổ tức, hạn chế trong chia tách và pha loãng.

Lượng lợi nhuận giữ lại, cùng thặng dư lớn qua các đợt chào bán trên đã nâng vốn chủ sở hữu lên tới hơn 41.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ hơn 11.000 tỷ đồng.

Dự kiến ngày 14/6 tới, Techcombank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, trình kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ lên tới 1:2 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu hiện tại được nhận thêm 2 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ theo đó dự kiến sẽ tăng lên mức gần 35.000 tỷ đồng.

(Theo VnEconomy)