Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Phóng viên (PV): Việc phân công lãnh đạo tỉnh dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở được Vĩnh Phúc triển khai từ trước khi Trung ương có Nghị quyết số 26-NQ/TW quy định nội dung này. Xuất phát từ đâu để tỉnh có chủ trương nói trên, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan: 

Tất cả chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước muốn đi vào cuộc sống phải được quán triệt đến chi bộ, đến với đảng viên và ngược lại, thực tiễn lãnh đạo, tổ chức thực hiện ở chi bộ là cơ sở quan trọng nhất để hình thành chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Do vậy, cùng với việc ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng chi bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Quy định số 682-QĐ/TU ngày 14-9-2017 về việc phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các ban xây dựng Đảng của tỉnh dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở; thành lập các tổ dự sinh hoạt chi bộ do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm tổ trưởng. Vĩnh Phúc thực hiện nội dung này từ năm 2017 và Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đã đưa nhiệm vụ trên vào Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 để thống nhất thực hiện trong toàn Đảng.

Tại Vĩnh Phúc, việc dự sinh hoạt chi bộ trực thuộc thời gian qua được thực hiện như sau: Thành viên các tổ công tác của tỉnh dự sinh hoạt chi bộ theo phân công ít nhất 6 tháng/lần; thành viên các tổ công tác của các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy dự sinh hoạt chi bộ 1 quý/lần; cấp ủy cơ sở dự sinh hoạt chi bộ hằng tháng theo hướng không bố trí 2 thành viên trong tổ dự sinh hoạt cùng một chi bộ trong cùng thời điểm. Sau khi sinh hoạt chi bộ, các tổ báo cáo kết quả về Ban Thường vụ cấp ủy, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để có nghị quyết lãnh đạo phù hợp. Riêng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ động đi dự sinh hoạt chi bộ ở tất cả các địa phương nhằm nắm tình hình chung. Từ năm 2017 đến nay, Bí thư Tỉnh ủy đã đi dự sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố ở nhiều huyện, thành phố như: Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, Lập Thạch...

 
 Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) dự buổi sinh hoạt chi bộ Tổ dân phố Mê Linh, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên. Ảnh: KHÁNH LINH.

PV: Từ thực tế dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở, đồng chí thấy hiệu quả của chủ trương này ra sao?

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan:

 Qua việc dự sinh hoạt chi bộ, cấp ủy cấp trên nắm bắt sát, đúng, kịp thời tình hình cơ sở, từ đó chỉ đạo xử lý hoặc xin ý kiến xử lý kịp thời những phức tạp mới phát sinh; ban hành được những chủ trương, nghị quyết chính xác, cụ thể, dễ đi vào cuộc sống. Đồng thời, dự sinh hoạt với chi bộ cũng là dịp để cán bộ lãnh đạo các cấp gần dân, sát dân, góp phần rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Có thể lấy một số ví dụ để minh chứng điều này: Quá trình dự sinh hoạt tại các chi bộ thôn, tổ dân phố, đảng viên của nhiều chi bộ có phản ánh về sự bất cập trong mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn. Cụ thể: Vì tính chất đặc thù trực tiếp lãnh đạo nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên khi đảng viên là cán bộ, công chức xã sinh hoạt tại chi bộ cơ quan xã sẽ không gắn được trách nhiệm cá nhân với việc xây dựng chi bộ nơi cư trú, không trực tiếp nghe được “tiếng nói” của đảng viên và nhân dân, không chịu sự giám sát trực tiếp của nhân dân nên chưa phát huy được cao nhất tinh thần, trách nhiệm trong công việc...

Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định giải thể 137/137 chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn; chuyển đảng viên của các chi bộ về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư từ tháng 6-2017. Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước mạnh dạn thực hiện việc giải thể mô hình này và quyết định của Vĩnh Phúc là cơ sở thực tiễn để Trung ương khảo sát, ban hành Kết luận số 38-KL/TW ngày 13-11-2018 của Bộ Chính trị trong đó có nội dung: “Không tổ chức chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn; đưa đảng viên công tác tại xã, phường, thị trấn về sinh hoạt đảng tại các chi bộ khu dân cư”...

Việc lãnh đạo tỉnh trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố, thông tin kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương, nhất là những chủ trương, chính sách mới cũng mang lại hiệu quả rất cao trong công tác vận động đảng viên và nhân dân, điển hình như chủ trương phong tỏa toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên những ngày đầu năm 2020 khi Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trên cả nước có công dân mắc Covid-19 đã được quần chúng nhân dân đồng thuận, thực hiện rất tốt, mặc dù đây là chủ trương chưa từng có tiền lệ...

PV: Thưa đồng chí, phải làm gì để buổi sinh hoạt chi bộ có lãnh đạo dự không rơi vào tình trạng hình thức, để đảng viên nói thẳng, nói thật?

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan:

 Trước hết phải làm tốt việc bồi dưỡng cho đội ngũ bí thư, phó bí chi bộ để từng đồng chí nắm chắc nghiệp vụ công tác Đảng, nghiệp vụ bí thư chi bộ. Ban chấp hành chi bộ cần nắm chắc yêu cầu, nội dung, cách tổ chức, điều hành một buổi sinh hoạt chi bộ. Người chủ trì phải bảo đảm đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nguyên tắc tập trung dân chủ, chủ động gợi mở vấn đề để đảng viên tham gia phát biểu ý kiến, nói thẳng, nói thật những khó khăn, vướng mắc, những bất cập, phức tạp đang diễn ra ở cơ sở. Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo dự sinh hoạt chi bộ phải thực sự cầu thị, biết lắng nghe, trân trọng, tiếp thu ý kiến thì mới nhận được những lời nói thật từ cơ sở.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo QĐND