Trong số những nội thất bị cháy tại Nhà thờ Đức Bà, có những vật đã được đưa vào công trình này từ năm 1160. Phần mái vòm bị cháy được xây từ năm 1220 - 1240. Sau vụ cháy tại Paris, nhiều vật liệu có niên đại gần 1.000 năm đã biến thành tro bụi.

“Mái vòm của nhà thờ là một trong những cấu trúc tồn tại lâu nhất cho đến nay. Không gì có thể so sánh được”, trang Wired dẫn lời ông Robert Bork - sử gia về kiến trúc tại Đại học Iowa - tiếc nuối nói.

Co the khoi phuc Nha tho Duc Ba hay khong? hinh anh 1

Vụ cháy tại Nhà thờ Đức Bà ngày 15/4 đã phá hủy mái vòm của công trình kiến trúc nổi tiếng. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, Nhà thờ Đức Bà cũng có thể được khôi phục lại bằng những công nghệ hiện đại của thế kỷ 21. Thậm chí giới chuyên gia cho rằng công nghệ còn có thể giúp phục dựng lại Nhà thờ gần như nguyên vẹn so với trước vụ cháy.

Hàng tỷ dữ liệu hé lộ công trình sống động

Từ thập niên trước, sử gia kiến trúc Andrew Tallon đã bắt tay tìm hiểu cấu trúc bên trong các nhà thờ lớn trên thế giới. Bằng máy quét laser 3D, ông có thể quét được toàn bộ cấu trúc của nhà thờ, thậm chí biết được những bí mật phía trong của nhà thờ.

Nhờ những máy quét và đầu thu tín hiệu siêu nhạy, chuyên gia Tallon có thể đo đạc và ghi lại những dữ liệu bên trong của Nhà thờ Đức Bà một cách rất chính xác.

Trong bài viết trên tạp chí National Geographic năm 2015, ông Tallon tiết lộ mình đã quét dữ liệu tại 50 điểm bên trong nhà thờ, và thu về tổng cộng hơn 1 tỷ điểm dữ liệu, mỗi điểm dữ liệu đều chứa thông tin 3D của cấu trúc bên trong.

“Nếu làm đúng, bản quét có thể thể hiện chính xác tới 0,5 cm”, ông Tallon kể lại.

Dữ liệu quét không chỉ giúp dựng lên hình ảnh 3D chính xác bên trong Nhà thờ Đức Bà, mà còn giúp những nhà nghiên cứu hiểu được tư duy của kiến trúc sư trưởng kiến tạo nên công trình.

Co the khoi phuc Nha tho Duc Ba hay khong? hinh anh 2
Phương pháp quét bằng máy quét laser của ông Andrew Tallon có thể tạo ra dữ liệu với độ chính xác lên tới 0,5 cm. Ảnh: National Geographic.

“Mọi công trình đều chuyển động. Nó chuyển động khi nhiều người bên trong di chuyển, hoặc khi mặt trời hâm nóng một phía của tòa nhà”, chuyên gia Tallon giải thích.

Nghiên cứu cấu trúc bên trong và cách một công trình co giãn có thể cho thấy kiến trúc ban đầu, cũng như các lựa chọn của kiến trúc sư trưởng khi xây dựng một công trình.

Ông Tallon không phải là người đầu tiên sử dụng phương thức quét 3D để dựng mô hình bên trong một công trình kiến trúc. Trước đó, một nhà nghiên cứu và sử gia tại Đại học Columbia từng quét nội thất của nhà thờ Beauvais ở Paris.

Tuy nhiên, cách làm của ông Tallon đem lại dữ liệu chính xác hơn. Ngoài máy quét laser, ông còn dùng camera thường để chụp lại không gian, nhờ đó có thể dùng máy tính để ghép các dữ liệu chính xác hơn hẳn.

“Ông Tallon đã kết hợp cả công nghệ hiện đại với cái nhìn rất nhân văn của một sử gia nghệ thuật”, sử gia Stephen Murray nhận xét về công trình này.

Có thể phục dựng lại Nhà thờ Đức Bà như xưa?

Bằng những dữ liệu thu thập được, ông Tallon đã rút ra được nhiều kết luận thú vị về quá trình xây dựng Nhà thờ Đức Bà. Nhiều cột chống tại thánh đường chính không thẳng hàng, và nguyên nhân có thể là do chúng được xây dựng lên trên nền các công trình cũ, nên buộc phải dịch chuyển một chút.

Về mặt kiến trúc, mặt phía tây của Nhà thờ cũng có một chút khác biệt so với những phần còn lại. Các sử gia từ lâu đã đặt ra nghi vấn là mặt phía tây được xây dựng sau một chút so với phần còn lại của công trình, nhưng không thể tìm được lý do.

Phân tích từ những bản quét, ông Tallon cho rằng nền đất ở mặt phía tây khá yếu nên quá trình xây dựng bị trì hoãn khoảng 10 năm, cho đến khi nền đất được gia cố.

Co the khoi phuc Nha tho Duc Ba hay khong? hinh anh 3
Với hàng tỷ điểm dữ liệu, nghiên cứu của các chuyên gia có thể đóng vai trò quan trọng khi Pháp phục dựng lại Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: National Geographic.

Chuyên gia Andrew Tallon đã qua đời cuối năm 2018. Người thày của ông trong lĩnh vực kiến trúc là ông Robert Mark cũng mất đầu năm 2019. “Cả hai ông đều rất yêu công trình này. Thật may là họ không phải chứng kiến vụ cháy hôm nay”, sử gia Robert Bork chia sẻ.

Sau vụ cháy ngày 15/4, những dữ liệu mà ông Tallon đã thu được sẽ rất có giá trị trong quá trình phục hồi Nhà thờ Đức Bà. Sau khi ông qua đời, nhiều đồng nghiệp của ông đã tiếp tục các nghiên cứu để tìm ra thêm các giá trị của lượng dữ liệu này.

“Đó là một lượng dữ liệu khổng lồ. Dữ liệu hình ảnh đã được thu thập, nhưng có rất nhiều cách ta có thể tận dụng chúng”, bà Lindsay Cook, đồng nghiệp của ông Tallon tại Đại học Vassar, New York cho biết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cho biết công trình Nhà thờ Đức Bà sẽ được phục dựng, nhưng chưa rõ công trình và dữ liệu của ông Tallon có được sử dụng hay không.

“Dù thế nào thì chúng tôi cũng sẵn sàng cung cấp những dữ liệu này nếu cần thiết”, bà Cook cho biết.

“Không thể phục dựng một công trình y hệt như ban đầu. Sẽ có nhiều thứ bị mất đi. Bạn có thể nhìn thấy một miếng đá, một vật liệu và biết rằng nó đã được phục dựng”, ông Bork nhận xét.

Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy dữ dội Vụ hỏa hoạn xảy ra khi công trình này đang tu sửa vào chiều tối 15/4 (giờ Pháp).