Theo báo cáo của các công ty nhập khẩu, trong tháng 6 sẽ có gần 232.000 liều vắc xin ngừa dại cung cấp cho các cơ sở tiêm chủng.
Trước phản ánh về tình trạng thiếu vắc xin dại cục bộ tại nhiều địa phương, trong nhiều tháng qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có hàng loạt chỉ đạo để đảm bảo cung ứng.
Theo Cục Quản lý Dược, vắc xin phòng dại là loại vắc xin chống dịch bị động, không nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế giao công tác điều phối vắc xin phòng bệnh dại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố, cần tham mưu UBND tỉnh dành kinh phí cho dự trữ.
Số lượng 4 loại vắc xin ngừa dại sẽ được nhập khẩu vào VN trong tháng 6 |
Hợp đồng giữa các cơ sở cung ứng với các đơn vị tiêm chủng cần thể hiện dưới dạng hợp đồng chi tiết, có số lượng, giá từng loại vắc xin và thời gian giao hàng, đồng thời nêu rõ ràng trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Các đơn vị tiêm chủng phải có dự trữ số lượng vắc xin tại kho để đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong ít nhất một tháng để đảm bảo không bị gián đoạn khi một loại vắc xin nào đó có vấn đề về nguồn cung.
Các Sở Y tế có sự phối hợp lẫn nhau trong việc chia sẻ bệnh nhân, lượng vắc xin sẵn có trong những trường hợp cần thiết, nhất là tại nơi có thiếu cục bộ.
Hợp đồng cung ứng vắc xin dại nên ký với các loại vắc xin của các nhà phân phối khác nhau, không nên chỉ sử dụng một loại vắc xin của một nhà cung ứng ngay cả khi nguồn cung vắc xin đảm bảo để tránh bị phụ thuộc quá lớn vào một nguồn cung nào đó.
Vắc xin ngừa dại được bảo quản trong kho lạnh BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM |
Trong trường hợp đơn vị tiêm chủng nào có vướng mắc trong khâu đấu thầu, đề nghị báo cáo ngay Lãnh đạo Sở Y tế, UBND tỉnh để có thể tiến hành chỉ định thầu vắc xin. Trường hợp cần thiết, đề nghị có văn bản gửi về Cục Quản lý Dược, Vụ Kế hoạch – Tài chính để được hướng dẫn.
Các nhà sản xuất, nhập khẩu, cung ứng vắc xin có trách nhiệm phải báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Dược theo luật các trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vắc xin phòng dại tại Việt Nam như chậm, thiếu hoặc ngừng cung cấp vắc xin.
Ngoài ra giao Cục Y tế dự phòng tăng cường tổng hợp, dự báo nhu cầu vắc xin phòng dại cập nhật hơn và cụ thể hơn theo từng tháng, từng quý, từng địa phương và có sự chỉ đạo, điều phối lượng vắc xin phòng dại từ các cơ sở tiêm chủng đang còn tồn nhiều sang cơ sở tiêm chủng đang bị thiếu (trong những thời điểm khi tổng nguồn cung trên thị trường bị thiếu hụt tạm thời); khuyến cáo chuyển sang hình thức tiêm trong da để giảm số liều.
Tăng cường tổng hợp, dự báo nhu cầu vắc xin phòng dại cập nhật hơn và cụ thể hơn theo từng tháng, từng quý, từng địa phương và có sự chỉ đạo, điều phối lượng vắc xin phòng dại từ các cơ sở tiêm chủng đang còn tồn nhiều sang cơ sở tiêm chủng đang bị thiếu (trong những thời điểm khi tổng nguồn cung trên thị trường bị thiếu hụt tạm thời); khuyến cáo chuyển sang hình thức tiêm trong da để giảm số liều.
Các công ty nhập khẩu và phân phối vắc xin phòng dại liên hệ ngay với các đơn vị hiện đang thiếu vắc xin để cung ứng ngay lượng vắc xin còn trong kho để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Đối với vắc xin đã nhập khẩu về, đang chờ Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (NICVB) kiểm định, đề nghị NICVB khẩn trương kiểm định xuất lô để kịp thời phục vụ tiêm chủng.
Về tình hình nhập khẩu, cung ứng vắc xin dại, trong tháng 5, các công ty nhập khẩu đã cung ứng gần 270.000 liều cho các cơ sở y tế gồm 3 loại Verorab, Ahayrab, Indirab, cao hơn gấp đôi lượng nhập khẩu trung bình 1 tháng trong năm 2017.
Trong tháng 6, khi có thêm 10.000 liều vắc xin Speeda, sẽ nâng tổng số lượng vắc xin dại cung ứng cho thị trường lên gần 232.000 liều, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Nếu tính cả năm 2018, lượng vắc xin dại dự tính nhập khẩu vào VN sẽ đạt hơn 2,1 triệu liều, cao hơn 1,5 lần so với tổng số lượng vắc xin phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và cao gấp 1,7 lần so với số lượng vắc xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm.
T.Thư