Cả làng không có ai vào chiến trường đó ở thời điểm đó, nên bao nhiên can trường của ông Hiện, chả ai biết. Đến lúc ông đủ chân tay mặt mũi trở về, lại về có một mình, không được đi an dưỡng, không có chế độ thương binh hay bệnh binh gì cả, thế là người ta ồn lên cái nghi án tai quái: Lão Hiện đào ngũ...


Đang cùng ngồi hàn huyên thì ông Bí thư Đảng ủy xã bên cạnh xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, bảo: "Đất Phượng Vĩ bên kia có một câu chuyện, mà chúng tôi rất muốn nhà báo lên tiếng. Lên tiếng để đời bớt vô lý, xót xa. Ông Nguyễn Xước Hiện là chỗ bạn bè với tôi, ông ấy đi đánh Mỹ, chiến công hiển hách lắm, bắn cháy bao nhiêu là xe tăng địch, vậy mà về quê cứ bị đồn là đảo ngũ. Ở nhà thì vợ đi theo chồng của chị gái vợ.

Ông Hiện hiền lành ấy, xuất ngũ trở về, tay trắng, không thương binh cũng chẳng bệnh binh, ông năn nỉ vợ “trở về” với mình mãi mà bà ấy vẫn quày quả bỏ đi. Mãi sau này mới lấy vợ khác, lại bị ảnh hưởng chất độc hóa học, vợ đẻ 7 lần mà chỉ nuôi được mỗi một đứa con ốm nhách. Bây giờ nhà rách, bệnh tật đầy mình, chế độ chính sách bằng con số không. Mảnh đạn vẫn trong đầu, gần đất xa trời rồi mà còn cứ ấm ức với cái tiếng oan đảo ngũ…"


Hai mảnh đạn nằm trong đầu và cái “tiếng oan” đào ngũ


Phượng Vĩ là xã nghèo bậc nhất, cũng xa trung tâm huyện bậc nhất của huyện gò đồi Cẩm Khê. Đường vào uốn lượn, đất đỏ gồ ghề, thăm thẳm bụi đất. 

Bù lại, những triền cọ trung du lấp lóa trong nắng chiều, ven các ao đầm lặng tờ, thật đẹp. Lối xóm dốc dác, bé nhỏ đến mức không ai nghĩ còn có thể đi ôtô vào được nữa. Đến đầu làng, ông Bí thư Đảng ủy ấy sốt sắng: Chú để tôi gọi mời ông Chủ tịch xã Phượng Vĩ đến nhà ông Hiện chơi luôn nhé. 

Để chính quyền và bà con biết, có nhà báo về thăm cựu chiến binh đàng hoàng, cởi tiếng oan cho Hiện. Nó là người hùng trận mạc chứ chẳng phải là người trốn nghĩa vụ với non sông như thiên hạ đồn thổi. Nói rồi, ông bùi ngùi im lặng mất mấy chục phút ròng.

{keywords}
Vợ chồng ông Hiện già yếu bệnh tật. 

Ông Hiện xúc động lắm, lập cập ra tận bờ tre đón khách. Dép lê, quần áo xộc xệch, nụ cười héo hon. Ông cất lời được vài phút, tôi toan buột miệng hỏi… bác có bị thương ở đầu không ạ. 

Bởi trí nhớ của ông rất chi tiết, có vẻ chuẩn xác, nhưng đôi lúc hơi lộn xộn. Ông Hiện kể: “Tôi sinh năm 1952, tôi nhập ngũ ngày 6 tháng 9 năm 1972. Tôi chiến đấu ở chiến trường miền Nam B3, Gia Lai, Đắc Lắc. Hai khu Đức Cơ, Tân Cảnh là tôi ở nhiều nhất. Năm 1972 tôi vào bộ đội là chiến đấu luôn trong đó.

Tôi xuất ngũ thì không được chế độ gì cả, tôi bị thương nhưng trong thời gian đánh nhau, sức đương trai còn khỏe nên tôi không cần đi điều trị. Tôi bị hai mảnh đạn vào đầu, bây giờ vẫn rất hay đau và choáng. Có lúc đang nói thế này, nhưng lại quên mất.

Từ ngày về, mấy chục năm, tôi chưa được đi khám lần nào. Không chế độ gì cả. Đảng và Nhà nước đưa tôi đi đánh giặc, Đảng và Nhà nước lại đưa tôi về, thế là mừng rồi. Nhưng, lúc trái nắng trở giời thì đau lắm. Đang tự nhiên thế này, thay đổi thời tiết một cái là nó giật cho chảy nước mắt ra. 

Một mảnh đạn vẫn còn đây, mảnh nữa, năm 2000, lúc lên cơn đau, tôi vật vã đập đầu mình ghê quá, thế là nó bật ra rồi. Nó to hơn hạt đỗ tương một tí, tôi còn giữ làm kỷ niệm mà. Kỷ niệm trận đánh ấy, tôi ngồi trên xe K63 của ta, di chuyển vào điểm nóng diệt giặc, mìn nổ, mấy đồng đội văng ra ngoài, người gãy đùi, người chết bất toàn thây, còn tôi bị sức ép ngất xỉu và 2 mảnh đạn thì găm vào đầu”.

Tôi hỏi thẳng ông Hiện về việc vợ ông, ông cưới trước lúc lên đường nhập ngũ, có phải ở nhà, bà ấy sang nhà chị gái ruột chăm chị mới sinh con, rồi dần dà phải lòng, thành “vợ bé” ông anh rể? Ông Hiện bảo, sao nhà báo lại biết được nhỉ. 

Rồi ông nhìn quanh ngôi nhà toàn tranh tre của mình. Góc nào cũng phên liếp tre mục cả. Vừa rồi, mấy năm liền, ông quỵ ốm, ra bệnh viện huyện nằm, bà vợ ông cũng gầy yếu xanh xao, đi chăm chồng rồi đổ bệnh nốt.

Chiều sậm sùi tối, bà dìu ông ra nhà tắm. Đường toàn rêu xanh trơn truội, vườn toàn cọ xòe ô với các búi tre già khọt khẹt. Nhà ở trên quả gò cao, nên lúc nào gió cũng xào xạc bát ngát. Nhà tắm quây bằng lá cọ, giếng thơi cũng úp lá cọ che bụi gió và tránh trẻ con sa xuống chết oan. Nhà vệ sinh đào một cái hố ở góc vườn, quây hai tàu lá cọ là xong. Hai cái thân già phục vụ nhau trong cảnh nghèo, nhếch nhác, trông thật xót xa.

Ông Hiện rơi vào cảnh rất “oan ức” ở chỗ, theo tiếng gọi non sông đi nhập ngũ, vào chiến trường là đánh nhau chí tử với Mỹ, ngụy, ông thành dũng sĩ diệt xe tăng, cướp súng từ các tử thi phía đối phương, bắn chết và bắt sống bao nhiêu đứa nữa. 

Cả làng không có ai vào chiến trường đó ở thời điểm đó, nên bao nhiên can trường của ông chả ai biết. Đến lúc ông đủ chân tay mặt mũi trở về, lại về có một mình, không được đi an dưỡng, không có chế độ thương binh hay bệnh binh gì cả, thế là người ta ồn lên cái nghi án tai quái: Lão Hiện đảo ngũ. 

Người ta không bắt viết phấn lên cái bảng treo trước ngực đi khắp làng, cũng chẳng ai mắng mỏ gì để mà ông Hiện có thể thanh minh, lời đồn chỉ cứ như miệng rắn thò thụt cái lưỡi nhọn ở phía sau đồi cọ, sau lũy tre, sau nương chè cằn vậy thôi...

Dũng sĩ diệt xe tăng

Đánh giặc mãi ở Tây Nguyên, sang Campuchia làm trinh sát, về Buôn Hồ (Đắc Lắc) làm Trung đội trưởng, nhưng chiến công của Nguyễn Xước Hiện không được một người Phượng Vĩ nào chứng kiến. 

Cuốn “Lịch sử Trung đoàn 64 Quyết Thắng, Sư đoàn 320 (1946 - 2006)” (NXB Quân đội Nhân dân) của đơn vị ông thì viết rõ về sự anh hùng của ông, nhưng nó cũng không được phát hành ở làng. Ông lại trân trọng giữ “Giấy chứng nhận đeo huân chương Chiến công Giải phóng hạng 2” rồi vài thứ giấy tờ khen thưởng bản gốc khác, coi như lá bùa thanh minh cho cuộc đời xả thân vệ quốc của mình. 

Thế rồi, dưới mái nhà tranh tre, ông cài cuốn sách kia ở một nơi trang trọng, chỉ muốn có thật nhiều người đến chơi để khoe, để tẩy cái lời đồn len lén luồn trong não của người làng. 

{keywords}
Ông Nguyễn Xước Hiện, hồi chưa đổ bệnh.

Tôi đã chụp lại cuốn sách, tôi đã liên lạc với đơn vị mà ông Hiện từng chiến đấu để xác tín lại bảng chiến công chói lọi mà ông từng quên mình cống hiến. Xin trích nguyên văn đoạn trong cuốn “Lịch sử Trung đoàn 64 Quyết Thắng, Sư đoàn 320 (1946-2006)”: “Từ 8h đến 19h ngày 19.3.1975, tiểu đoàn 7 chặn đánh quyết liệt với hàng chục xe tăng, xe thiết giáp và hàng trăm tên địch. Có lúc địch dùng 51 chiếc xe, trong đó 15 xe tăng, đánh tràn vào các chốt, xe tăng đè cả lên nóc hầm của đồng chí Lúa thuộc Đại đội 3. Mặc dù địch rất đông, nhưng các chiến sĩ bình tĩnh dũng cảm, vừa diệt xe tăng, vừa đánh bộ binh. Đồng chí Hiện (được chú thích là quê huyện Cẩm Khê, Phú Thọ - TG), xạ thủ B41 bắn 5 quả đạn, diệt 3 xe tăng M48 và 1 xe M113 (…)”.

Sau khi ông Hiện nói, ông có đồng đội cùng chiến hào oanh liệt năm ấy, là ông Nguyễn Trọng Luân, giờ là nhà văn, làm ở Báo Cựu Chiến binh Việt Nam, tôi đã tìm số máy qua đồng nghiệp và trò chuyện với ông Luân, bật loa điện thoại cho mọi người cùng nghe. Ông Luân xác nhận, đơn vị ai cũng ghi nhận, ông Hiện là một người hùng trận mạc.

“Hiện chiến đấu rất giỏi, bằng chứng là trong một trận đánh, số đạn của nó chỉ có năm quả B41, nó bắn năm phát thì cháy bốn xe thiết giáp, trong đó 3 xe tăng của địch. Mà bắn xe tăng ấy không phải dễ đâu. Một lát, hết đạn lấy súng từ các tử thi, Nguyễn Xước Hiện còn xông lên, diệt thêm 30 quân địch nữa, sau chúng tôi bắt sống 20 tên khác. 

Cái khổ nhất của anh Hiện là dân làng người ta không biết Hiện oai dũng thế nào, và có những tin đồn là cậu ấy đào ngũ.

Vừa rồi tôi cũng về nghỉ hưu và đi tìm các bạn chung chiến hào, thì tôi mới tìm thấy Hiện và một anh nữa. Khi gặp, chúng tôi chỉ biết khóc òa. Chuyện của anh Hiện đã được viết trong cuốn sách về sư đoàn chúng tôi nhân kỷ niệm 60 năm. Giờ gặp lại, thấy Hiện nó khổ quá. 

Vì ảnh hưởng chất độc da cam, nên bao năm, cứ đẻ được đứa con nào ra thì cũng chết, đến đứa thứ 7 mới đậu được. Còn bảng thành tích và công văn đề nghị phong anh hùng cho Hiện thì chúng tôi viết xong rồi, sắp tới, tôi sẽ vào sư đoàn để nộp. 

Không biết cơ quan chức năng có phong anh hùng hay không phong anh hùng cho Hiện, nhưng ít nhất cũng để cho anh em đồng đội, những người đi sau biết được chiến công của Hiện”.

Nỗi “thất vọng” trong thời bình

Đói nghèo, lam lũ, nhà cháy, nhà dột, giấy tờ thời binh lửa trở về chẳng còn là bao. Ở vậy chờ người vợ phụ bạc “có cửa” chuộc lỗi lầm, mãi sau này, năm 1980, ông Hiện mới lấy vợ. 

Ai dè, vợ đẻ đến lần thứ 6 mà không đậu được đứa con nào, có cháu ra đời rất đẹp, rất kháu, vài năm thì chết thảm. Bấy giờ chưa ai có khái niệm về chất độc da cam, nhưng ngẫm kỹ, không thể nói là di truyền hay rủi phận được, cả nhà ông Hiện 8 anh chị em, cả họ nhà vợ ông cũng con đàn cháu đống, làm gì ai liên tục gặp cảnh khổ đau như thế.

Vợ ông Hiện thở dài: “Nhiều cháu, khi sinh ra đủ ngày, đủ tháng nhưng đi lại cứ loạng quạng, nó không định hướng được đường sá. Nó ngớ ngẩn, đến 13, 14 tuổi thì chết. Có cháu khi sinh ra đã không được tinh nhanh, đưa đi bệnh viện thì người ta bảo bị tim bẩm sinh. 

Những đứa con khác, khi sinh ra quái thai, cũng coi như là chết hết cả. Mấy cháu bị dị tật từ trong bào thai, vợ chồng tôi, sinh cháu ra cũng chả dám nhìn mặt con nữa. Nhiều người bạo gan nhìn vào các cháu, có người thét toáng lên, nên tôi càng sợ.

Lúc về làm vợ ông ấy, tôi trẻ khỏe lắm. Sau sinh nở nhiều, sa sảy nhiều, lại thêm ức chế về tâm lý, nên cứ tiều tụy ốm đau suốt. Từ lâu tôi đã biết, bệnh tật chẳng thể nào từ phía tôi, rõ ràng là do ông ấy mang từ chiến trường về, nhưng tôi chẳng dám nói ra, sợ chồng tôi suy nghĩ mà thêm đau ốm”.


Bản thân ông Hiện cũng lờ mờ đoán ra nguyên nhân tai ương đến với đàn con của mình, dù hồi đó ông chưa biết đến cái gọi là chất độc da cam, ông kể: “Bấy giờ tôi nằm trong những cánh rừng đó, địch nó thả chất độc da cam xuống, cây cối chết hết, cỏ lác cũng chết hết, tôi ăn uống đánh giặc suốt mấy năm trong vùng chất độc đó. Nhiễm là dĩ nhiên. Và rõ ràng, tất cả đồng đội của tôi anh em ở đơn vị của tôi đều được hưởng chế độ chất độc da cam hết rồi, riêng tôi là không được thôi”.

Kiệt quệ sức khỏe, tuyệt vọng về tinh thần, cả gia đình thê lương vì hậu quả chiến tranh, vậy nhưng, khi ông Hiện lên gặp cán bộ địa phương để đưa đơn xin làm chế độ chất độc da cam, chế độ dành cho cựu binh từng oai dũng trong chiến trường, thì dường như đã bị người cán bộ hậu thế hắt cho nhiều gáo nước lạnh. “Tôi nói ngay như ở cái xã Phượng Vĩ này, bên ban Thương binh - xã hội, khi tôi lên đề nghị xét chế độ, thì họ trả lời tôi những câu mà tôi nói thật là tôi vô cùng thất vọng. Họ bảo, “nếu ông như thế thì không thể được”.

Tôi mới bảo thế tôi đưa đồng đội về làm chứng cho tôi thì có được không. Họ bảo, không được, mà giấy tờ xác nhận mới ở Sư đoàn 320… càng không được. Về chuyện làm chế độ “chất độc da cam” cũng thế nốt. Giờ tôi chỉ còn hai cái huân huy chương, một Huân chương Chiến công hạng Hai với một Huy chương Giải phóng. Mà, sách của NXB Quân đội Nhân dân người ta viết về tôi rất rõ như thế.”


Đồng đội gặp ông Hiện, có vài vị đã mang hàm cấp tướng, ai cũng ôm ông và khóc. Sao không “kêu” chế độ cho xứng tầm, chứ thế này khổ quá, vô lý quá. Ông Hiện, bà vợ xanh xao tàn úa của ông, đứa con trai buốt xót có được sau 7 lần hai vợ chồng kỳ công “sinh nở” của ông… cũng chỉ biết ngồi khóc.

Ông lại gạt nước mắt: “Đảng và Nhà nước đưa tôi vào chiến trường làm nhiệm vụ với quê hương, đánh giặc xong, Đảng và Nhà nước đưa tôi về. Máu xương tôi không tiếc, tôi thiết gì cái việc kêu cầu để lấy tiền bạc của dân của nước. 

Chỉ có sau này, thấy vợ, con, cháu khổ quá, bệnh tật hành hoành tưởng như không sống được, đồng đội thúc giục quá thì tôi mới lên gặp cán bộ để hỏi thôi. Cán bộ có quyền năng để làm việc này cho khách quan, chứ nói thật, họ hỏi tôi yêu cầu chế độ gì, tôi bảo: Tôi cũng không biết tôi sẽ nên được hưởng chế độ gì đâu”.

Khi tôi viết những dòng này, thì vừa lúc được tin: Đông đảo đồng đội tử tế đã cất công đi điều tra, tìm văn bản gốc, thống kê dằng dặc những thành tích chiến đấu quật cường của “người hùng Nguyễn Xước Hiện”. 

Họ cũng đang xúc tiến làm công văn, đề nghị phong anh hùng cho ông, đồng thời vận động trích kinh phí, kết hợp với chính quyền địa phương, các nhà tài trợ để xây công trình mới hơn trăm triệu đồng, “xóa” ngôi nhà liếp tre rách nát cũ kia đi. Âu cũng là quá muộn nhưng, vẫn còn hơn… không.

Xin được trích vài lời trong tác phẩm mới viết của nhà văn Nguyễn Trọng Luân (người từng đoạt nhiều giải thưởng văn chương, đã xuất bản 5 tập sách gồm thơ và truyện ký), người đồng đội sống sót từ lửa đạn cùng ông Nguyễn Xước Hiện (ông Luân viết năm 2014, khi tìm được ông Hiện, sau thời gian dài tưởng… ông ấy đã chết):

“Ngày 1.9.2014. Trò chuyện với Khuất Duy Hoan. Trưa nay mình vui nên lên giường nằm không ngủ được, lại vùng dây đọc thư Hoan. Nhờ đó hiện ra bao nhiêu người bạn tưởng đã dĩ vãng bỗng hiện về. Tao dò ra cái tên Nguyễn Xước Hiện (…) trong cuốn sách lịch sử truyền thống sư đoàn, với phần thành tích như sau: “Ngày 19.3.1975 bắn 5 quả B41 diệt 4 xe tăng M48 và 1xe M113. Diệt 20 tên địch bắt sống 10 tên”. Hiện người Phú Thọ. Hoan nhớ không?

“… Mình nghĩ chắc Hiện lại đi Tây Nam và chết rồi, áy náy không chịu được liền hỏi dò về Tổng đài điện thoại tỉnh Phú Thọ. Hỏi được số máy Chủ tịch xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê là xã của Hiện. Lúc đang ăn trưa ngồi gọi mấy phát không thấy trả lời, lúc kết nối được thì trò chuyện luôn với Chủ tịch xã. 

Mình mừng quá, hồi hộp hỏi về Hiện. Hắn bảo, có anh Hiện tuổi chừng 63, 64 tuổi là Cựu chiến binh. Mình bảo mình là nhà báo gọi để tìm hiểu cuộc sống anh Hiện - một dũng sĩ nổi tiếng của Sư đoàn 320. Chủ tịch xã nghe rồi nói, em không biết lắm nhưng sẽ xem lại ngay, rồi hắn tắt máy. Chừng nửa tiếng sau hắn lại gọi: Giọng anh Chủ tịch xã phấn khởi lắm. Anh ơi em hỏi lại rồi đúng là anh Hiện ấy đấy. Mình hỏi ngay anh ấy khỏe không? 

Trả lời anh ấy khỏe nhưng nghèo lắm. Im lặng. Chủ tịch nói tiếp, anh ơi, anh ấy hiền lành và gương mẫu, đối xử trên dưới trong ngoài ai cũng trọng. Nhưng cứ lầm lì làm ruộng làm nương, em cũng đã là hội trưởng CCB mà chưa hề biết một người CCB nào trong xã có thành tích lớn như thế”.

(Theo Lao động)