Hội chứng hoa tulip sẽ xảy ra với lan đột biến?

Ngày 28/7/2020, nói về những cuộc giao dịch hoa lan phi điệp đột biến có giá trị hàng tỷ đồng xuất hiện chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, ông Trần Tuấn - nguyên Chủ tịch Hội hoa lan Việt Nam, người được mệnh danh là "hiệp sĩ tầm lan" lo ngại, các cuộc mua - bán tiền tỷ này sẽ tạo ra khủng hoảng kinh tế cho hàng loạt người giống như hội chứng hoa tulip đã từng xảy ra tại đất nước Hà Lan vào thế kỷ XVII.

Theo "hiệp sĩ tầm lan" Trần Tuấn, cần nhìn các cuộc giao dịch lan phi điệp đột biến ở 2 khía cạnh. Ở góc độ tích cực, nếu những cuộc mua bán này là thật thì con người sẽ nhận ra sự giá trị của thiên nhiên đem lại, từ đó tầm quan trọng của hoa lan (đặc biệt là lan đột biến) sẽ nâng lên ở một mức cao mới.

"Trong xã hội cũng có rất nhiều người với nhiều điều kiện kinh tế khác nhau. Có những người rất nhiều tiền, họ bỏ ra vài ba tỷ, thậm chí cả chục tỷ đồng để thể hiện sự đam mê. Có như thế chúng ta mới thấy giá trị của cây lan, mặc dù giá trị thật của cây lan theo tôi không đến mức như thế" - ông Tuấn bày tỏ.

{keywords}
Những cuộc giao dịch lan đột biến giá tiền tỷ xuất hiện dày đặc ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu cuộc giao dịch hoa lan phi điệp đột biến là "ảo" thì nguyên Chủ tịch Hội hoa lan Việt Nam cho rằng, điều này sẽ vô cùng hệ lụy đến kinh tế của nhiều người Việt Nam nói chung và những người đam mê lan nói riêng.

Ở Việt Nam hiện nay, những mầm "kie" lan Phi điệp đột biến được mô tả giống như "ngọn rau muống" nhưng có mức giá chênh lệch khiến bất cứ người nào cũng phải hoa mắt, chóng mặt.

Có kie lan bé tý bằng đốt ngón tay cũng có giá lên tới vài trăm triệu là chuyện bình thường, hay thậm chí chỉ vài ngọn lan cũng được rao bán với giá hàng tỷ đồng, thậm chí là cả chục tỷ đồng. Điều này cho thấy, không có một định lượng cụ thể cho một cây lan ở Việt Nam hiện nay.

Lan là loại cây dễ sống và phát triển nhanh nếu biết chăm sóc đúng cách. Một kie lan mỗi năm có thể phát triển hàng chục cm. Đặt ra ví dụ, một kie lan có giá 10 triệu đồng dài chừng 10cm, chỉ sau 1 năm cây lan đó đã dài ra hơn 20 - 30cm thì giá trị của nó nhân lên gấp 2 - 3 lần so với số tiền ban đầu bỏ ra, con số này thực sự "khủng" đối với người Việt Nam.

Chính vì thế, ở nhiều địa phương hiện nay xuất hiện tình trạng, người dân chạy theo "cơn sốt" lan đột biến, bán cả nhà đất đi để đầu tư vào lan với mục đích làm kinh tế.

Người không có nhà đất thì vay ngân hàng, người thân, bạn bè số tiền rất lớn để mua lan.

"Các cuộc giao dịch hoa lan ở Việt Nam đang ở trong tình trạng thật giả lẫn lộn. Cũng vì thế mà luôn có những sự nghi ngờ về các cuộc giao dịch này. Tôi nghĩ rằng, bong bóng về lan đột biến ở Việt Nam đã xuất hiện và đang vỡ rồi.

Chỉ trong thời gian ngắn giá trị của cây được tăng lên rất cao khiến nhà nhà chơi lan, người người buôn lan mà không có định lượng cụ thể nào, cũng không có cơ quan nhà nước nào đứng ra kiểm chứng, xác nhận về giá trị của cây lan.

Đến một lúc nào đó, thị trường sẽ bán tháo lan và giá hạ xuống rất thấp, có thể chỉ sau 1 đêm những đại gia về lan sẽ trắng tay khi ôm trong mình một thứ không cao hơn giá trị "mớ rau muống" là bao" - hiệp sĩ tầm lan Trần Tuấn nhận định.

Ông Tuấn so sánh, cuộc khủng hoảng lan đột biến ở Việt Nam sẽ không khác gì hội chứng hoa tulip ở Hà Lan vào thế kỷ XVII. Vào năm 1630, hoa tulip là mặt hàng xa xỉ tại Châu Âu, chỉ xuất hiện trong vườn của giới thượng lưu, đến nỗi “một kẻ giàu có sẽ bị xem là kém tinh tế nếu không có nổi một bộ sưu tập hoa tulip”.

Giới thương nhân ở Châu Âu thời điểm đó nhanh chóng bị cuốn vào trào lưu này và chạy theo cơn sốt hoa tulip. Họ trồng hoa với hi vọng những bông tulip sẽ "vỡ" chẳng khác nào ngóng chờ trúng số độc đắc.

Chỉ trong thời gian ngắn, lượng cầu hoa tulip đã vượt hẳn lượng cung ở Châu Âu. Việc mua bán củ hoa tulip trở thành cách đầu cơ điên cuồng vì nhiều người tin rằng giá loại "cổ phiếu" này sẽ tăng mạnh trong tương lai.

{keywords}
"Hiệp sĩ tầm lan" Trần Tuấn.

Khi cầu vượt quá cung và cơn đầu cơ tích lũy lên đến đỉnh điểm, thậm chí 1 củ hoa có thể đổi được 1 cỗ xe kéo, hàng chục tấn lúa mạch hay hàng trăm cân phomat. Có người còn đồng ý đổi 5 hecta đất lấy 1 củ hoa. Giá củ hoa tăng nhanh đến chóng mặt. Có những thời điểm một số củ tulip hiếm nhất được bán với giá tương đương 100.000 USD ngày nay và chỉ trong 1 tuần giá đã có thể tăng gấp đôi.

Trong cơn đầu cơ hỗn loạn, rất nhiều cá nhân đã giàu lên nhanh chóng. Doanh nhân, thợ nề, mục sư và cả luật sư đều trở thành những thương nhân đổ mạnh dòng vốn ra thị trường như những con thiêu thân.

Nhưng rồi, mọi chuyện nhanh chóng thay đổi, niềm tin khỏa lấp bởi sự hoảng loạn. Năm 1637, thị trường hoa tulip ở Hà Lan bỗng nhiên đổ sập do các tay đầu cơ chi phối thị trường quyết định bán tháo. Giá củ hoa rơi thẳng đứng chỉ còn 1% giá trị, khiến nhiều người mất sạch tài sản.

Rất nhiều người vài tháng trước vẫn còn mơ hồ về cái gọi là “nghèo đói” ở đất nước giàu có này, đã nhận ra rằng toàn bộ tài sản của họ nằm trọn ở những cánh hoa vô tri và giờ vô giá trị. Thậm chí ngay cả khi giá bán chỉ bằng 1/4 giá gốc ban đầu cắt lỗ, cũng không có ai chịu rút hầu bao ra cả.

Sự kiện nay sau đó được bình chọn là 1 trong 6 sự kiện khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong quá khứ. Hà Lan phải mất nhiều năm sau đó mới phục hồi lại được nền kinh tế.

"Tôi cho rằng, người chơi lan cần phải tỉnh táo nhìn nhận. Chơi bằng điều kiện và đam mê của mình, đừng đem cây lan là phương tiện cho lợi ích cá nhân. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần phải nhanh chóng có cơ chế kiểm soát tình hình để không dẫn đến hệ lụy như đất nước Hà Lan đã từng gặp phải" - hiệp sĩ tầm lan Trần Tuấn bày tỏ.

Giao dịch lan tiền tỷ, 2-4 năm mới biết bị lừa

Một người từng là Phó Chủ tịch Hội hoa lan Hà Nội chia sẻ, quan sát trong những cuộc giao dịch lan đột biến tại Việt Nam trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận thấy 2 khía cạnh chủ yếu.

Một là, cây lan được quảng cáo sai sự thật khi mà một kie bình thường được quảng cáo với mặt hoa đẹp, đột biến độc đáo. Người bán thường lấy kie mình rao bán ghép với ảnh một mặt hoa có "tiếng" để rao bán với giá trên trời.

Lan là loại cây nhìn tương tự nhau. Đồng thời, có sự đột biến nên chơi lan cũng như chơi "xổ số", chỉ đến khi cây nở hoa thì người chơi mới xác định được giá trị (quy đổi ra tiền mặt) của nó. Nếu kie lan chăm tốt thì 1 năm sau mới nở hoa, không thì phải mất từ 2 - 4 năm. Khi đó, người mua biết mình bị lừa đã muộn.

Hai là, lan đột biến nhưng lại không phải là đột biến tự nhiên mà có sự can thiệp khoa học kỹ thuật, do con người tác động, được nuôi trồng trong môi trường phòng thí nghiệm. Cây lan này tuy có đột biến thật nhưng giá trị thường không cao.

"Người mới chơi lan, thậm chí là người có nhiều kinh nghiệm về lan cũng thường xuyên bị nhầm lẫn. Từ đó mới xuất hiện những sự vụ bỏ tiền tỷ nhưng mua phải lan đột biến "ảo". Thế mới thế, tiềm ẩn nguy hại từ lan đột biến rất lớn" - vị này cho hay.

(Theo Đất Việt)