Trên sàn chứng khoán có nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở những lĩnh vực "độc lạ", trong đó có các công ty phục vụ cho các hoạt động tâm linh như bán vàng mã, dịch vụ mai táng, hoa viên nghĩa trang. Các công ty này vẫn đang ghi nhận những kết quả rất khả quan bất chấp dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Cổ phiếu vàng mã tăng giá 81%
Công ty CP Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái (CAP) là công ty kinh doanh vàng mã lớn nhất tỉnh Yên Bái và là đơn vị lớn đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Công ty còn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài với tỷ trọng khoảng 25% doanh thu.
Các sản phẩm chủ lực bao gồm tinh bột sắn, giấy vàng mã, giấy đế, tinh dầu quế, ván bóc… với quy mô doanh thu hàng năm rơi vào khoảng dưới 400 tỷ đồng và có lãi hàng năm trên 30 tỷ đồng. Đây cũng là đơn vị chi trả cổ tức ở mức cao, đều đặn bằng tiền mặt trên 35%.
Công ty vàng mã này có sự thay đổi về chính sách kế toán quan trọng vào năm 2018. Theo đó công ty lấy niên độ tài chính từ ngày 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau. Do vậy riêng năm 2019 chỉ ghi nhận kết quả của 9 tháng, các năm khác ghi nhận đủ 12 tháng.
Theo báo cáo mới nhất quý III năm nay (1/4-30/6/2021), công ty công bố doanh thu giảm 24% về mức gần 74 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn cũng giảm sâu giúp lợi nhuận gộp thu về đạt hơn 16 tỷ đồng, chỉ còn giảm 12%.
Các chi phí hoạt động cũng có tăng lên dẫn đến lợi nhuận sau thuế ở mức 8 tỷ đồng, cũng giảm 12% so với cùng kỳ. Kết quả này ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến hoạt động giao thương khó khăn hơn.
Tính lũy kế 9 tháng niên độ tài chính năm 2021, Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái báo cáo doanh thu thuần đạt 340 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ, tương đương với thu trung bình gần 1,25 tỷ đồng/ngày. Lợi nhuận sau thuế tăng 70% lên gần 38 tỷ đồng và là mức lãi kỷ lục.
Niên độ 2021, công ty đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 18.000 tấn giấy đế, 6.000 tấn vàng mã, 30.000 tấn tinh bột sắn, 6.000 tấn bã sắn khô và 12,5 tấn tinh dầu quế. Kế hoạch doanh thu 450 tỷ đồng và lãi sau thuế ít nhất 37 tỷ đồng.
Như vậy dù mới 9 tháng hoạt động và chưa cần đến cao điểm bán hàng “tháng cô hồn” (tháng 7 âm lịch), công ty đã hoàn thành 75% chỉ tiêu doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng bất chấp dịch Covid-19, cổ phiếu CAP cũng được đánh giá cao trên sàn chứng khoán. Thị giá đã tăng hơn 81% so với thời điểm đầu năm, đạt 65.200 đồng/cổ phiếu (ngày 10/8).
Công ty dịch vụ mai táng lãi đều đặn
Một đơn vị khác cũng hoạt động trong cõi tâm linh là Công ty CP Phục vụ Mai táng Hải Phòng (CPH). Đây là một công ty nhà nước do Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng sở hữu đến 64,5% vốn, ngoài ra còn có công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát nắm giữ 10%.
Công ty này hoạt động trong 3 mảng kinh doanh chính là bộ phận bán hàng gồm các loại bình, quách, mộ đá; bộ phận sản xuất các sản phẩm sản xuất thành phẩm; bộ phận cung cấp dịch vụ bao gồm dịch vụ tang lễ, cải táng, hỏa táng.
Hoạt động công ty khá ổn định với doanh thu hàng năm trên 100 tỷ đồng và lợi nhuận trung bình quanh 9 tỷ đồng, riêng mảng bán hàng mang lại khoảng 80% tổng lợi nhuận gộp toàn doanh nghiệp. Nhờ có lợi nhuận ổn định, công ty cũng trả cổ tức tiền mặt đều đặn khoảng 16%/năm.
Dù vậy, để sở hữu cổ phiếu dịch vụ mai táng duy nhất trên sàn chứng khoán này là điều rất khó khăn. Cổ phiếu gần như không có giao dịch kể từ khi lên sàn năm 2017 đến nay. Thị giá CPH chỉ bị điều chỉnh sau những lần chia cổ tức, hiện còn 1.900 đồng/cổ phiếu.
Năm 2021, Phục vụ Mai táng Hải Phòng đặt kế hoạch kinh doanh có phần thận trọng với chỉ tiêu doanh thu 100 tỷ và lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ về 8,5 tỷ đồng, chính sách cổ tức dự kiến 15,4%. Công ty vẫn chưa công bố báo cáo bán niên 2021.
(Theo Zing)
Làm vàng mã, lo đám tang... kiếm tiền ngon hơn buôn đất
Nhiều cổ phiếu nhỏ bứt phá nhờ khả năng kiếm tượng ấn tượng, áp đảo các cả cổ phiếu blue-chips. Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán tiếp tục kéo hàng loạt mã lên đỉnh cao lịch sử mới.