- Lời tòa soạn: VietNamNet nhận được bài viết của một độc giả phản ánh hiện tượng nỗi khổ do các công ty kinh doanh giáo dục mang đến các trường học ở khu vực nông thôn.
Tranh thủ sự định hướng của ngành giáo dục về phát triển giáo dục tiểu học, một số công ty chuyên kinh doanh dạy học đã ra đời và hoạt động từ một số năm gần đây.
Chẳng hạn, từ khi Bộ GD-ĐT có định hướng dạy tiếng Anh ở Tiểu học hay chú trọng giáo dục kỹ năng sống ở các cấp học thì có ngay hàng loạt công ty chuyên đi liên hệ để …dạy thuê.
Đã có sách của Bộ Giáo dục rồi, sao còn phải học sách của công ty? |
Có cần thiết phải thuê công ty vào nhà trường dạy?
Khi các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày thì tiếng Anh được coi là một môn học tự chọn, và học sinh tiểu học được học mỗi tuần 2 tiết hoàn toàn miễn phí.
Giáo viên tiếng Anh hưởng lương từ ngân sách. Nội dung học theo tài liệu biên soạn của Bộ GD-ĐT. Bộ đã soạn cả sách học và sách bài tập. Nội dung sách đảm bảo yêu cầu của cấp học.
Còn kĩ năng sống thì chưa đủ tư cách là một môn học mà chỉ là sự giáo dục mang tính lồng ghép, tích hợp. Giáo dục kĩ năng sống là mọi lúc, mọi nơi, là cả quá trình. Với học sinh tiểu học, kĩ năng sống là ứng xử hàng ngày. Chẳng hạn như nô đùa làm bạn ngã thì xử sự thế nào, đi vào nhà bạn thì chào hỏi ra sao… Những cái đó trong chương trình môn Đạo đức đã có tương đối đầy đủ và luôn được tích hợp trong các môn học khác.
Vậy thì cần gì phải thuê người dạy những nội dung đó nữa?
Gánh nặng cho phụ huynh
Mỗi tuần học 2 tiết tiếng Anh của một công ty “dạy thuê”, thường mỗi học sinh phải trả 50.000 đồng/ tháng. Ngần đó tiền chia cho 8 tiết học, mỗi em phải tự thuê người dạy mình mất 6.250 đồng. Bình quân mỗi lớp học có 30 em, thì các học sinh đã phải bỏ ra 187.500 đồng trả cho việc đó.
Học kĩ năng sống thì đắt gấp đôi học tiếng Anh. Tức là cũng thu mỗi học sinh 50.000 đồng/ tháng, nhưng mỗi tuần chỉ học có 1 tiết. Tính ra, mối tiết học mỗi em mất 12.500 đồng, một lớp 30 em phải nộp 375.000 đồng để học cách sống ở đời.
Nội dung sách kĩ năng sống thì sách Đạo đức đã có cả rồi, sao vẫn phải thuê công ty dạy lại ? |
Tính tổng cộng, để “tự nguyện” học thêm hai môn “tự phát” này, mỗi học sinh phải đóng non triệu bạc mỗi năm học.
Ở các tỉnh thành như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng,… đầu năm học mỗi học sinh đã phải đóng góp hàng chục khoản “tự nguyện” và bắt buộc, nay lại thêm hai khoản này nữa thì thật là thêm nặng gánh.
Đa số các phụ huynh đều bảo, giá như đừng phát sinh thêm hai môn học tự nguyện này, chúng tôi đỡ khổ…
Đây là một nghịch lý
Có chương trình của Bộ rồi, học lại không mất tiền, thế mà các công ty lại chen vào dạy thay thế cho sách của ngành dọc để dân phải đóng góp.
Tiếng Anh ở tiểu học thì chỉ là làm quen và bước đầu biết đọc, viết, còn kĩ năng sống thì sách Đạo đức đã dạy đủ các chủ điểm. Vậy mà tại sao cứ thêm vào để phiền cho cha mẹ học sinh?
Ai cũng hiểu học hay không là do thoả thuận. Thế nhưng, cái thoả thuận ở đây nó khiến cho cha mẹ học sinh dễ ngã theo vì “Không lẽ đến giờ các bạn đi học kĩ năng sống con mình lại phải buồn bã nhìn theo…”
Đã lập ra công ty là người ta tìm cách mở rộng thị trường. Một hai năm trước, các công ty này chỉ hoạt động ở khu vực thành thị là chủ yếu. Đến năm học này, họ phủ sóng gần khắp các tỉnh Bắc Bộ.
Các vùng miền khác ở nước ta chắc cũng không tránh khỏi tình trạng này. Rất mong các cấp quản lí quan tâm để giảm gánh nặng đóng góp cho cha mẹ học sinh.
...
Giá như tiền đó để xây nhà vệ sinh Nếu kí được hợp đồng với các công ty, mỗi trường sẽ thu của học sinh toàn trường vài trăm triệu đồng. Cơ sở vật chất các trường ở nông thôn Bắc Bộ nói chung còn nghèo nàn và một trong những bức xúc cao về cơ sở vật chất là điều kiện vệ sinh của học trò. Mấy trăm học sinh mà các trường chỉ có nhà vệ sinh tạm bợ, cả ngày bốc mùi khó chịu. Với nhiều học sinh, vào đó là nỗi sợ hãi. Có em phải cố “nhịn” để về nhà “giải quyết”. Khi muốn đi nặng, có em giả vờ đau bụng để bố mẹ ra đón về nhà… Giá như mấy trăm triệu đó mà được đầu tư vào công trình vệ sinh thì hay biết mấy! |
Nam Sơn