Chỉ trong vòng 2 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” - OCOP - Quảng Ninh đã có 21 nhãn hiệu nông sản được chứng nhận, giúp nông dân nâng cao thu nhập, tạo ‘cú hích’ cho nông nghiệp và du lịch của tỉnh.
Khẳng định lối đi riêng
OCOP (One commune, one product) là chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được Quảng Ninh triển khai từ tháng 10/2013, dựa trên các kinh nghiệm học hỏi từ OVOP quốc tế. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai chương trình này.
Mục tiêu chung của chương trình là góp phần phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị và phát triển nội sinh dựa trên các lợi thế cạnh tranh của địa phương, bao gồm: các sản vật, công nghệ, văn hóa, truyền thống địa phương. Đây là một hướng đi quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, nhằm phát huy lợi thế so sánh và tránh cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp lớn nước ngoài.
Đã có gần 100 sản phẩm OCOOP riêng có của 14 huyện, thị xã, TP trong tỉnh đã được đưa về Trung tâm OCOOP tỉnh. Ảnh: Đại Đoàn Kết |
Để triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, thường trực BĐH OCOP Tỉnh đã phối hợp với tư vấn triển khai, hướng dẫn thực hiện chu trình OCOP đến các địa phương trong toàn tỉnh. Hoàn thành khung tiêu chí lựa chọn tổ chức kinh tế, lựa chọn sản phẩm, dịch vụ để các địa phương thực hiện. Tỉnh cũng đã triển khai xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm theo cách phân hạng từ 1 - 5 sao cho 6 nhóm sản phẩm, dịch vụ OCOP, đã lấy ý kiến tham gia của các địa phương, sở ngành.
Với sự vào cuộc của các địa phương, chương trình OCOP đã được triển khai rất mạnh mẽ.
Theo tổng hợp từ Ban điều hành OCOP, kết quả đến nay đã có trên 120 sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Cụ thể, có 30/120 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ thực hiện từ chu trình 2014 được hoàn thiện tiêu chuẩn sản xuất; 18 sản phẩm đã được hướng dẫn cho các địa phương xây dựng hồ sơ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Dự kiến, cuối năm 2015 này, sẽ có thêm 20-30 sản phẩm đăng ký. Cho đến nay, đã thu hút 92 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP.
Có thể kể đến các sản phẩm OCOP nổi tiếng của Quảng Ninh như: Chả mực Hạ Long, mực một nắng Cô Tô, nấm linh chi Quảng La, rượu bâu Bằng Cả và mật ong Thống Nhất hoặc gạo nếp cái hoa vàng Yên Đức, TX Đông Triều, ba kích tím Ba Chẽ, mật ong Tiên Yên…
Hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương, Quảng Ninh chú trọng thiết kế hệ thống quảng bá giới thiệu sản phẩm như tờ rơi, poster; hỗ trợ nông dân công cụ sản xuất và kinh doanh như máy vặt lông gà, máy đóng bao gói sản phẩm miến dong; cung cấp cho nông dân phân bón, giống cây trồng cho các dự án thanh long (Uông Bí), rau an toàn (Quảng Yên), miến dong (Bình Liêu)…
Với mong muốn các thương hiệu sớm lan tỏa đến được người tiêu dùng, Quảng Ninh đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong và ngoài nước như tham gia hội chợ OCOP, hội chợ du lịch thương mại hành lang Đông Tây tại Đà Nẵng, Hội chợ nông nghiệp thực phẩm Quốc tế TP.HCM, hội chợ ngành nông nghiệp, hội chợ Móng Cái, hội chợ nông sản Tây Bắc, hội chợ thương mại ASEAN-Trung Quốc tại Nam Ninh (Trung Quốc)…
Tăng thu nhập cho nông dân, mở đường hội nhập
Bao bì nhãn mác OCOP trên sản phẩm đã giúp các nông sản Quảng Ninh đảm bảo uy tín, nâng cao giá bán trên thị trường. Như sản phẩm cam Vạn Yên, Vân Đồn nhờ tham gia OCOP đã được người tiêu dùng ưa thích chọn mua với giá ổn định ở mức khoảng 30.000 đồng/kg, cao hơn mọi năm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Các sản phẩm OCOP cũng được người dân trong tỉnh ưa chuộn, mua nhiều trong hội chợ OCOP lần 1 - năm 2015 và đã bắt đầu hiện diện ở một số trung tâm thương mại lớn ở Quảng Ninh như Big C Hạ Long.
Song song với việc xây thương hiệu nông sản địa phương, mới đây, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) tổ chức tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản của nông dân.
Những nông dân OCOP của Quảng Ninh được tập huấn những kiến thức liên quan đến kỹ năng xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm như: Tổng quan về marketing, giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, vai trò của tiếp xúc thương mại, đặc điểm tâm lý chung của khách hàng, kỹ năng giao tiếp với khách hàng, các hình thức giao tiếp với khách hàng, kỹ năng đàm phán, ký hợp đồng...
Như vậy, Quảng Ninh đã có những bước chuẩn bị dần cho nông dân để có kiến thức, kinh nghiệm để tạo ra những sản phẩm thông thương khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).
D.Minh (tổng hợp)