Xác định kinh tế tập thể là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển đúng hướng, bền vững, những năm qua huyện Cư Jút đã có những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến kinh tế tập thể là yếu tố chủ đạo.

Tới nay huyện có 25 hợp tác xã và các hợp tác xã này đều phát huy được vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản cho các thành viên và các hộ gia đình trên địa bàn. Các thành viên hợp tác xã được tham gia tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức sản xuất. 

Xác định kinh tế tập thể là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển đúng hướng, bền vững, những năm qua, huyện Cư Jút đã có những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương đã thể hiện nổi bật trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến kinh tế tập thể.

Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cư Jút, huyện đang triển khai chính sách kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước chuyển từ nông nghiệp số lượng sang chất lượng, giá trị cao.

Bên cạnh đó, Hội nông dân huyện Cư Jút đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác. Nhờ đó, khu vực kinh tế này không ngừng phát triển.

Hầu hết các tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Các hợp tác xã đều hướng tới sản xuất theo nhu cầu của thị trường, giúp xã viên xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. 

Đơn cử, hợp tác xã Nông Lâm nghiệp Nam Hà, thị trấn Ea T'ling, được biết đến là một đơn vị hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương.  đã thành công, với mô hình trồng cây gấc trên đất bazan. Hiện tại, hợp tác xã đã có 100 hộ dân trồng hơn 100 ha gấc, cho thu nhập bình quân từ 100-200 triệu đồng/năm. Ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu thì chúng tôi chế biến trên 15 sản phẩm từ gấc, trong đó chủ yếu là tinh dầu gấc, bún gấc, phở gấc… được thị trường đón nhận.

cay gac.jpg
Sản phẩm cây gấc của HTX

Thời gian qua, Hợp tác xã Sản xuất thương mại - dịch vụ Bình Minh đã liên kết cùng các hợp tác xã, nhóm hộ trên địa bàn để sản xuất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, tạo vị thế trên thị trường. Đến nay, chỉ riêng ngành hàng hồ tiêu, hợp tác xã đã liên kết với 13 hợp tác xã và 1 nhóm hộ (khoảng 775 nông hộ), với diện tích sản xuất đạt 1.138,6 ha, sản lượng hơn 2.710 tấn/năm. Trong chuỗi liên kết hồ tiêu, hợp tác xã  đã liên kết với Công ty TNHH Chế biến gia vị Ned Spice Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hiện hợp tác xã  đã xuất khẩu được trên 300 tấn hồ tiêu thông qua công ty này.

Với yêu cầu đổi mới sản xuất, Hội Nông dân xã Tâm Thắng đã vận động thành lập Tổ hội trồng nấm hữu cơ. Tổ hội có 14 thành viên, với diện tích nhà xưởng trên 3.000 m2, chủ yếu trồng nấm mèo, nấm sò, nấm rơm… Sản phẩm của Tổ hội được đánh giá đạt chất lượng cao, đang bán tại thị trường trong tỉnh, các tỉnh lân cận.

Hiện nay, UBND huyện Cư Jút đang hỗ trợ Tổ hội trồng nấm hữu cơ Tâm Thắng các thủ tục chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây là cơ sở để tiến tới thành lập hợp tác xã trồng nấm.

"Chúng tôi tin rằng, khi hợp tác xã được thành lập, sản xuất, chế biến nấm sẽ được nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế hơn cho nông dân”, ông Đỗ Lần Chủ tịch Hội Nông dân xã Tâm Thắng cho biết.

Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, huyện Cư Jút đang hình thành, phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới ngày càng rõ nét. 25 hợp tác xã hiện này tại Cơ Jút đã mang lại nhiều giá trị, lợi ích lớn cho ngành nông nghiệp địa phương.

Trong đó các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã  kiểu mới đã giúp cho sản xuất nông nghiệp trở nên hiệu quả, bền vững thông qua việc phát huy được vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản cho các thành viên và các hộ gia đình trên địa bàn; giúp các thành viên được tham gia tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức sản xuất.

Với những kết quả ghi nhận được, theo đánh giá của các ngành chức năng, trong thời gian tới, kinh tế tập thể và vai trò của hợp tác xã sẽ là đòn bẩy vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân Cư Jút.

Tiến Dũng và nhóm PV, BTV