Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa công bố cung cấp 100% dịch vụ điện qua hình thức trực tuyến. Bước cải cách này hứa hẹn chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm tới sẽ tiếp tục tăng cao về thứ hạng.

Năm 2017, ngành điện được ghi nhận thành công nhất ở lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính trong dịch vụ kinh doanh điện. Kể từ ngày 21/12, đúng ngày truyền thống của ngành điện, EVN đã công bố cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến.

Theo đó, 20 dịch vụ điện năng do EVN cung cấp sẽ được đăng ký, giải quyết trực tuyến qua website của 5 Trung tâm Chăm CSKH thuộc 5 Tổng công ty điện lực (Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Tổng Công ty Điện lực miền Nam), đồng thời, qua chuyên mục “EVN&Khách hàng” của website Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại địa chỉ www.evn.com.vn.

Ngoài ra, các khách hàng sử dụng điện còn có thể tương tác với ngành điện bằng cách truy cập vào cổng giao tiếp điện tử của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là các cổng thông tin đã được kết nối với hệ thống CSKH của ngành điện. Qua hệ thống này, các yêu cầu của khách hàng sẽ ngay lập tức được chuyển đến các công ty điện lực tại địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời.

{keywords}

Trong 20 dịch vụ trên, có 3 loại dịch vụ thuộc nội dung cung cấp điện mới, 13 loại dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện và 4 loại dịch vụ hỗ trợ khách hàng sử dụng điện. Đáng chú ý, có rất nhiều loại dịch vụ thiết yếu cho người dân sử dụng điện có thể tương tác ngay với ngành điện chỉ qua một cú click chuột, như xử lý mất điện, thanh toán tiền điện, tra cứu thông tin tiêu thụ điện, kiểm tra công tơ điện…

Với hình thức trực tuyến, EVN cam kết đảm bảo khách hàng chỉ đến địa điểm giao dịch không quá 1 lần, thủ tục đơn giản, thuận tiện, công khai, dễ kiểm tra, giám sát.

Chia sẻ về chương trình cải cách thủ tục hành chính này, đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho biết, hiện Tổng Công ty đang quản lý trên 9,4 triệu khách hàng với địa bàn trải rộng 27 tỉnh phía Bắc, nhu cầu thông tin và yêu cầu về lĩnh vực điện còn rất cao. Việc bổ sung dịch vụ điện trực tuyến sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu lớn của khách hàng, giúp cho khách hàng có thể giám sát tiến độ ngành điện giải quyết yêu cầu về điện một các minh bạch hơn.

Chỉ trong ngày khai trương, EVN miền Bắc đã có 58 khách hàng gửi yêu cầu trực tuyến đến Trung tâm CSKH, trong đó có 20 khách hàng đăng ký cấp điện mới.

{keywords}

Lãnh đạo EVN đánh giá, việc cung cấp dịch vụ điện trực tuyến 100% đã đánh dấu bước tiến lớn trong dịch vụ kinh doanh điện năng của Việt Nam, phù hợp với chủ trương hiện đại hóa các dịch vụ công, đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số của Chính phủ.

Đây cũng là một nội dung thiết thực trong việc triển khai chủ đề năm 2017 của EVN là "Đẩy mạnh khoa học công nghệ", thể hiện hình ảnh một Tập đoàn kinh tế Nhà nước hướng tới chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại.      

Trước đó, hồi tháng 10/2017 theo Báo cáo về cải thiện môi trường kinh doanh Doing Business 2017 được Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016, đứng thứ 64 trong số 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, là năm có thứ bậc tăng cao nhất từ năm 2013 đến nay.

Đồng thời, mức độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện của Việt Nam đạt 6/8 điểm - tăng 3 điểm. Ngành điện đã rút ngắn thời gian cấp điện mới cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố/thị xã/thị trấn là 2,07 ngày, khu vực nông thôn là 2,71 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,9 ngày.

Tính đến thời điểm hiện nay, EVN đang cung cấp điện trực tiếp tới trên 25,6 triệu khách hàng trên cả nước với 99,98 % xã/phường/thị trấn có điện. 11 huyện đảo đã được EVN cung cấp điện trực tiếp qua điện lưới Quốc gia hoặc các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời, điện gió.

Phạm Huyền