- Khi anh Sáu Khải đến Nhật, tôi đã thu xếp một cuộc làm việc mà tôi coi là rất đáng ghi nhớ trong quá trình khôi phục quan hệ Việt-Nhật.

Tôi biết anh Khải khi còn là Chủ tịch UBND TP.HCM và tôi thấy có sự tâm đắc với anh theo tinh thần đổi mới. Thế là tôi thu xếp để anh Sáu Khải sang Tokyo theo lối đi bình thường và kín đáo, không đưa tin trên truyền thông.

Khi anh Sáu Khải đến Nhật, tôi đã thu xếp một cuộc làm việc mà tôi coi là rất đáng ghi nhớ trong quá trình khôi phục quan hệ Việt-Nhật.

Ngày 6/9/1989, anh Khải, ông Watanabe và tôi đã thảo luận về hợp tác cùng đưa quan hệ hai nước vượt qua khó khăn và tạo điều kiện tiến đến hợp tác song phương lâu dài trên quy mô lớn.

{keywords}

Cuộc gặp ngày 6/9/1989 tại Tokyo khởi động quá trình khôi phục quan hệ hợp tác và chương trình ODA dài hạn của Nhật Bản cho Việt Nam. Từ trái sang phải: Chủ nhiệm UB Kế hoạch nhà nước Phan Văn Khải, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Michyo Watanabe và Đại sứ Võ Văn Sung

Sau lần gặp này, chúng tôi đã thu xếp để ông Watanabe sang Việt Nam gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vài lần. Ông đã có cảm nhận rất tốt đẹp về nhà lãnh đạo của Việt Nam.

Theo lời kể của các bạn Nhật, có lần gặp nhau ở Hà Nội đúng vào những ngày Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh không được khỏe, nhưng sau khi trao đổi công việc, ông vẫn cố gắng đi theo tiễn khách làm cho ông Watanabe rất cảm động và khóc.

Khôi phục viện trợ ODA

Năm 1991, ông Watanabe được cử làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và ông đã trực tiếp chỉ đạo triển khai khôi phục viện trợ ODA cho Việt Nam. Việc lập lại viện trợ ODA là một động tác mang ý nghĩa khôi phục hợp tác kinh tế, hơn nữa là khôi phục và phát triển ở mức cao.

Nhưng sang năm 1992 tôi bị ốm đau luôn, do đó tôi đã đề nghị bên nhà tìm người khác thay tôi để tiếp tục triển khai quan hệ hai nước.

Tôi nhớ ngày trước khi tôi rời Tokyo, ông Watanabe gặp và thông báo riêng cho tôi với một thái độ cảm động của người anh em kết nghĩa sắp phải xa nhau.

Nội dung “nói riêng” mà ông đề nghị tôi chỉ báo cáo cho lãnh đạo cao nhất của Việt Nam chính là chương trình ODA 10 năm mà Chính phủ Nhật Bản lúc đó đang chuẩn bị khởi động, theo đó năm thứ nhất sẽ giành cho nước ta viện trợ tương đương 500 triệu đô la, năm tiếp theo là một tỷ đô la và mỗi năm sau sẽ tăng dần.

Tôi cho đó là một trong những việc đáng ghi nhớ trong cuộc đời hoạt động của tôi nói chung và ở đất Nhật Bản nói riêng. Tôi khẳng định rằng trong những thành quả phát triển quan hệ giữa Việt nam và Nhật Bản có phần đóng góp đặc biệt quan trọng của ông  Michyo Watanabe, một người bạn lớn của nhân dân ta.

Kể từ mốc đầu tiên đó, đến nay, vốn vay ODA Nhật Bản giành cho Việt Nam đạt khoảng 200 tỷ yên mỗi năm. Sau thảm họa kép do động đất và sóng thần tháng 3/2011, viện trợ của Nhật Bản cho các nước bị giảm sút, tuy nhiên Việt Nam vẫn được xếp là nước được ưu tiên. Năm 2012, tổng giá trị ODA lên 175,025 tỷ yên (khoảng 1,9 tỷ đô la Mỹ).

Sau thời gian về Việt Nam trị bệnh, mùa hè năm 1995 tôi có dịp sang Tokyo thăm ông Watanabe lúc ông cũng lâm bệnh, nhưng ông vẫn rất nồng nhiệt hỏi thăm về tình hình Việt Nam và gia đình tôi.

Đó là lần cuối cùng gặp nhau vì thật đáng tiếc, tháng 9/1995 trong lúc đang chuẩn bị nhận nhiệm vụ Thủ tướng Nhật Bản thì ông từ trần. Năm 1999 tôi đã thu xếp sang Nhật Bản và về tận tỉnh Tochiji quê hương ông để viếng mộ ông và gặp lại gia đình ông, trong đó có anh con trai Yoshimi Watanabe đã trở thành nghị sĩ  ở vị trí thay thế ông.

Nồng ấm quan hệ Việt-Nhật

Một lần, khi tôi thăm tỉnh Miê ở Nhật Bản, người ta kể rằng khoảng 500 năm trước có một vị dẫn đầu đoàn người của tỉnh này sang giao kết với Hội An, đến một ngày khi sắp qua đời, vì yêu nước Việt như quê hương, ông đã trăng trối ước nguyện độc đáo là được mai táng ở cả hai nơi: một nửa thân thể ở tỉnh Miê, nửa kia ở Hội An.

Trong 118 quốc gia Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức hiện nay, ngoài Trung Quốc có quan hệ lâu đời nhất bao gồm cả gần 1000 năm Bắc thuộc, đến nay Nhật Bản là nước mà Việt Nam có quan hệ lâu nhất, hơn 500 năm.

Ngoại trừ giai đoạn cuối chiến tranh thế giới lần thứ II, khi phát xít Nhật đối đầu với thực dân Pháp chiếm đóng Đông Dương, trong lịch sử 500 năm giữa Việt Nam và Nhật Bản hầu như không có chiến tranh trực tiếp với nhau.

Ngay lúc Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, hàng loạt người Nhật trong quân đội chiếm đóng đã nắm cơ hội chạy sang hàng ngũ cách mạng Việt Nam. Họ trở thành một lực lượng quan trọng góp phần xây dựng quan hệ Nhật - Việt từ bấy đến nay.

Các chính phủ Nhật Bản dù do các chính đảng khác nhau cầm quyền, với những chủ trương chính sách khác nhau trên nhiều lĩnh vực, nhưng trong quan hệ với Việt Nam họ đều có thái độ rất giống nhau.

Sự kiện Việt Nam là nước đầu tiên được Thủ tướng Shinzo Abe chọn đến thăm sau khi đắc cử cuối năm 2012 chứng tỏ vị trí chiến lược của Việt Nam đối với Nhật Bản.

Võ Văn Sung