Trong bức ảnh sau lễ đăng cơ, bà Masako mặc váy dài trắng, đầu đội vương miện, mỉm cười và vẫy chào người dân đứng dọc các con phố đón đoàn xe hoàng gia đi qua.

Theo Dalymail, trong suốt 20 năm qua, bà Masako hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Bà không tháp tùng chồng khi ông ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ và có thói quen rút sớm khỏi bữa tiệc được tổ chức 2 năm một lần tại vườn hoàng gia.

Đằng sau nụ cười đó là một cuộc sống làm dâu áp lực trong Hoàng gia Nhật Bản. Bà Masako từng bị chẩn đoán trầm cảm do căng thẳng và rối loạn lo âu năm 2004 trong quá trình bà chật vật thích nghi với áp lực cuộc sống hoàng gia.

{keywords}
 

Từ khi đính hôn với ông Naruhito khi ông còn là Thái tử, báo chí và công chúng Nhật Bản trở nên ám ảnh với bà Masako, khi họ theo dõi nhất cử nhất động của bà. Nhiều người cho rằng chính sự soi mói này khiến bà Masako rút khỏi cuộc sống trước công chúng cách đây chừng 17 năm. Khi đó, Hoàng cung Nhật Bản gọi chứng rối loạn lo âu của bà Masako là “rối loạn thích nghi”.

Tin Thái tử Naruhito đính hôn với bà Masako năm 1993 đã tạo một cơn chấn động ở Nhật Bản, đặc biệt vì bà Masako bị coi là một ứng cử viên ít có khả năng trở thành dâu hoàng gia.

Theo tờ Washington Post năm 1991, Hoàng gia Nhật Bản muốn tìm một phụ nữ trẻ kín đáo, không quá 25 tuổi, khi đi giày cao gót thì không cao hơn 1,65m.

Trong khi đó, Masako, con gái một thẩm phán và một cựu nhà ngoại giao, đã 27 tuổi vào thời điểm đó. Bà cũng có sự nghiệp hứa hẹn, từng học ở Harvard và Oxford trước khi vào làm việc cho Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Điều này đã ngay lập tức khiến bà Masako khác biệt với mọi công chúa Nhật Bản trước đó. Còn tệ hơn là bà Masako cao hơn ông Naruhito khi đi giày cao gót.

Không lâu sau khi cặp đôi kết hôn năm 1993, bà Masako đã bị báo chí chỉ trích mạnh mẽ vì “tội” phát biểu lâu hơn chồng 30 giây tại một cuộc họp báo. 

Tiếp đó, bà Masako phải chịu những áp lực to lớn về việc phải sinh một người con trai thừa kế ngai vàng.

Sau đám cưới, truyền thông Nhật Bản trong tư thế sẵn sàng săn mọi thông tin về cô dâu mới của Hoàng gia. Họ phân tích mọi thứ từ việc bà Masako vắng mặt trong các lễ tiếp tân hoàng gia cho tới việc bà đi loại giày dép nào để phỏng đoán liệu bà có đang mang bầu hay không.

Chỉ ba tuần sau khi bà Masako bị sảy thai ở tuần thứ 7, nhiều người chỉ trích hoàng gia vì không hủy chuyến thăm tới Bỉ. Phản ứng lại, Hoàng cung cho biết tờ The Asahi Shimbun đã khiến bà Masako chịu căng thẳng bất thường khi tiết lộ sớm việc bà mang bầu trước thông báo chính thức.

Từ thời điểm này, bà Masako dần biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng, nhưng áp lực sinh con trai vẫn không giảm sau bi kịch sảy thai.

Thay vào đó, áp lực lại càng tăng lên khi bà sinh con gái đầu lòng là Công chúa Aiko năm 2001. Vì Nhật Bản không cho phụ nữ thừa kế ngai vàng nên người con duy nhất của ông Naruhito và bà Masako sẽ không thể thừa kế ngai vàng sau này.

Bà Masako trước đây luôn lo lắng về hậu quả của việc làm dâu một gia đình nổi tiếng và gia trưởng.

Khi Thái tử Naruhito say đắm bà ngay từ lúc họ gặp nhau tại một bữa tiệc trà mà ông đón tiếp Công chúa Tây Ban Nha Elena tại Tokyo năm 1986, bà Masako lại chỉ có ý định theo đuổi sự nghiệp. Bà đã tới Oxford và học 2 năm tại trường Balliol.

Tuy nhiên, ông Naruhito không thoái chí, tiếp tục theo đuổi bà 5 năm, cầu hôn hai lần cho tới khi bà Masako đồng ý với lời cầu hôn thứ ba.

Khi đó, ông Naruhito đã nói với bà Masako: “Em có thể sợ và lo lắng về việc làm thành viên hoàng gia. Nhưng anh sẽ bảo vệ em suốt đời”.

Ông Naruhito đã giữ lời hứa năm nào. Hơn một lần ông đã chỉ trích những lề thói ngột ngạt áp dụng với thành viên hoàng gia. Vậy nhưng bà Masako vẫn phải chật vật để thích nghi với cuộc sống làm dâu hoàng gia với vô số lần xuất hiện trước công chúng.

Năm 2004, trong một bài phát biểu trước công chúng chưa từng có tiền lệ, ông Naruhito đã chỉ trích những quản gia trong cung điện vì đã bóp nghẹt cá tính của vợ mình. Ông nói: “Với tôi, Masako dường như đã kiệt sức khi nỗ lực thích nghi với cuộc sống hoàng gia trong suốt 10 năm qua”. Ông cho biết vợ ông đã rất đau khổ khi hiếm khi được phép ra nước ngoài dù bà đã bỏ công việc là nhà ngoại giao. 

Cùng năm đó, bà Masako phải điều trị chứng rối loạn lo âu do căng thẳng mà bà chịu trong phần lớn cuộc hôn nhân.

Ông Naruhito đã kêu gọi Hoàng gia Nhật Bản có những nhiệm vụ mới phù hợp với thế kỷ 21 và nói rõ rằng mình muốn cân bằng giá trị truyền thống với giá trị hiện đại hơn của bản thân. Sau khi Nhật hoàng Akihito thông báo sẽ thoái vị vào ngày 30/4, bà Masako dần trở lại cuộc sống công chúng để chuẩn bị cho vai trò mới là Hoàng hậu Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra nhân sinh nhật lần 55, bà thừa nhận cảm thất bất an với vai trò mới. Bà nói: “Nghĩ tới những ngày phía trước, tôi đôi khi thấy bất an về mức độ mà tôi có thể phục vụ người dân. Nhưng tôi sẽ nỗ lực hết sức để có thể đóng góp cho hạnh phúc của người dân. Tôi vui vì giờ tôi có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ chính thức hơn, từng chút một”.

Theo Báo Tin tức