- Sau một năm bôn ba, vật lộn với sóng dữ, nhiều chiếc ghe, tàu được chủ đưa lên bờ “làm nước” (tức sửa chữa, làm mới ghe, tàu) để chuẩn bị cho chuyến biển mới.

Tàu mới, ước vọng mới

Hơn nửa tháng nay, hai chiếc tàu BĐ 11015 - TS và BĐ 11876 - TS của ngư dân Lê Văn Sỹ (ở khu vực 1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đều nằm bờ để được “làm nước”.

Nhập vào bến của Công ty TNHH Trung Tâm (thuộc Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc sông Hà Thanh, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), anh Sỹ cho sơn mới lại hoàn toàn vỏ tàu, sửa lại thang chữ A, hệ thống ròng rọc...

{keywords}
Dưới bàn tay cẩn trọng của những anh thợ, đôi tàu của anh Lê Văn Sỹ đã sẵn sàng cho chuyến biển đầu năm. 

Công cuộc thay “áo mới” cặp tàu này của anh Sỹ đã nằm giá hơn 30 triệu đồng nhưng anh vẫn bảo vậy là mình tiết kiệm, gói ghém lắm rồi. Bởi, người khá giả, được mẻ lưới to có thể đầu tư “làm nước” cho ghe cả 100 triệu đồng.

Đi một vòng quanh hai chiếc tàu đang được phết sơn mới, anh Sỹ tâm sự: “Cái nghiệp quanh năm ăn ở với sóng gió, muốn vững vàng giữa ngư trường thì trước hết phải có con tàu chắc chắn. Bởi vậy nên phải gia cố, chăm chút thường xuyên. Ghe tàu coi vậy mà được sửa soạn, làm mới nhiều hơn căn nhà. Đều đặn 2 lần/năm, tôi đều đưa tàu lên bờ “làm nước”.

Ở các xưởng đóng và sửa chữa tàu ở Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc sông Hà Thanh, ngoài ghe, tàu của ngư dân địa phương, còn có cả ghe, tàu của các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát... và cả tỉnh bạn như Phú Yên, Quảng Ngãi... về “làm nước”.

Tranh thủ mấy ngày cận Tết, ngư dân Nguyễn Cúc (ở thôn Lâm Trúc, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) cũng tân trang lại chiếc ghe BĐ 97001 - TS công suất 90CV.

{keywords}
Ngoài thu nhập để nuôi sống gia đình, những anh thợ “làm nước” ghe đều hướng đến sự an toàn cho con tàu ra khơi. (Trong ảnh: Anh Phạm Hữu Hiệp đang xảm lại thân tàu).

Đã 10 tháng nay chưa được gia cố nên lớp vỏ ngoài lẫn máy móc, thiết bị bên trong ghe của anh đều đã bạc màu, cũ kỹ vì sóng gió.

Đã đầu tư chi phí “làm nước” lên đến 60 triệu đồng nhưng anh Cúc vẫn chưa ưng ý.

Anh nói: “Đợt này, tôi cho đóng lại buồng lái, khoang tàu, sơn, sửa lại máy nổ... Vì năm rồi, làm ăn không thuận lợi lắm nên tôi chỉ có thể bỏ ra bấy nhiêu. Nhiều lúc ước có được khoảng kha khá hơn để “tút” lại dàn máy”.

Đưa chiếc tàu có công suất 60CV vào bến tàu thôn Bình Thái, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), ông Nguyễn Tuấn Ngọc (64 tuổi, ở xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn) làm mới vỏ ngoài.

Để tiết kiệm chi phí “làm nước”, ông Ngọc xắn tay áo lên làm thợ sơn. Quét lớp sơn đỏ tươi lên vành mạn thuyền, ông Ngọc bỏ nhỏ: “Cuối năm cũng muốn sắm “áo” mới, đẹp cho tàu. Cái gì mới mẻ thì cũng mang lại nhiều may mắn hơn”.

Thợ lành nghề “dệt” tàu vững chãi

Góp phần làm vững vàng, tươi mới cho những con tàu ra khơi là đôi bàn tay khéo léo của những người thợ ở các bến tàu.

Thợ ở bến tàu có đủ tên. Nào thợ ghe - phụ trách việc kéo ghe, tàu lên bờ; thợ mộc - người gia cố lại phần gỗ của tàu; thợ sơn - đảm nhận rửa vỏ tàu, gỡ hà, phết sơn; thợ xảm - lo việc trít xác tre, bột chai giữa các mảnh gỗ thân tàu; thợ keo - phủ keo lên thân tàu để chống nước, gỉ, rêu mốc...

Các thợ thường đi thành nhóm với nhau và cùng phụ trách công việc của một tàu khi có chủ tàu gọi.

{keywords}
Để tiết kiệm chi phí “làm nước” tàu, ông Nguyễn Tuấn Ngọc tự tay đảm nhận vị trí thợ sơn.

Phần lớn công việc khá vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm và hóa chất. Tuy vậy, thợ “làm nước” cho tàu chỉ được bảo hộ thô sơ bởi những chiếc khẩu trang, mũ lưỡi trai.

Kéo lớp khẩu trang để lộ ra vùng xung quanh mắt li ti bụi bám, thợ xảm Hồ Tấn Hải (45 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) cho biết: “Làm lâu thì quen, chẳng biết bụi bặm, hóa chất là gì nữa. Tôi kỹ tính một chút thì đeo khẩu trang chứ phần lớn anh em chẳng mấy ai đeo”.

Thu nhập một ngày công 200 - 250 ngàn đồng nhưng không phải ai cũng theo được nghề. Cũng giống như những nghề chạm khắc, công việc “làm nước” luôn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn, chịu khó.

Nhóm thợ nào càng chắc tay nghề thì càng được nhiều chủ ghe đặt cọc. Quần quật cả ngày bên thân tàu, nhiều lúc mỏi mắt, mỏi tay, song người thợ nhắc nhau chỉn chu với từng chi tiết một.

Hơn ai hết họ hiểu rằng mỗi phương tiện ghe, tàu là cả một tài sản lớn của ngư dân. Tàu, thuyền đảm bảo kỹ thuật và độ an toàn thì ngư dân mới an tâm bám biển.

Bởi vậy nên, anh thợ “làm nước” tàu còn được xem là hậu phương của ngư dân. Sự tỉ mẩn, cộng với những kinh nghiệm lâu năm của họ trở thành chỗ dựa tin cậy cho những chiếc tàu xa khơi.

Nói như anh Phạm Hữu Hiệp (41 tuổi, ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), bên cạnh thu nhập nuôi sống gia đình như bao công việc khác, những người thợ “làm nước” ghe, tàu còn hướng tới sự an toàn cho ngư dân.

Cảm giác đưa con tàu mới màu sơn xuống nước an toàn, dõi theo nó nhỏ dần ngoài mênh mông nước thật nhẹ nhõm và yên lòng.

Huyền Trang