Chơi đá quý, dùng trang sức đá quý… đang là một xu hướng của “người nhà giàu”. Tuy nhiên, không phải tất cả những người yêu thích và sử dụng đá quý để thể hiện đẳng cấp đều được sở hữu những sản phẩm đá… “quý thật sự”, nhiều người đã phải ngậm quả đắng khi mua phải hàng giả “giá chát”.
Bỏ tiền thật mua hàng giả
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, Giám đốc Viện Đá quý trang sức, Tổng hội Địa chất Việt Nam, đá quý chất lượng càng cao thì hàng giả càng nhiều. Trong khi đó, người chơi đá quý của Việt Nam kinh nghiệm không nhiều và khi mua chủ yếu là may rủi, vì thế rất dễ bị nhầm giữa đá quý tự nhiên với đá quý nhân tạo và giá của nó lên tới hàng nghìn đô.
Thực tế đã chứng minh, khi không ít trường hợp đã bị các đối tượng lừa đảo ngay tại mỏ khai thác đá quý mà vẫn tin đó là hàng thật vì cho rằng: “mình đến tận nơi khai thác để mua nên không thể bị lừa”.
Điển hình là trường hợp của anh L.M.T (Hà Nội) khi đến thăm quan cơ sở chế tác đá nổi tiếng của Đà Nẵng đã rất thích pho tượng di- lặc màu vàng, hợp với mệnh thổ. Khi anh hỏi chất liệu đá thì người bán hàng khẳng định đó là thạch anh vàng. Biết thạch anh là loại đá tốt, xét về phong thủy nó có thể ngăn tà khí, đón may mắn cho gia chủ nên anh T. quyết định mua pho tượng này với giá 60 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong hợp đồng chuyển hàng, anh T. cũng yêu cầu cam kết nếu đúng là đá thạch anh vàng thì mới nhận hàng và trả tiền khi pho tượng được chuyển ra Hà Nội. Điều khoản này được phía đối tác đồng ý. Tuy nhiên, khi pho tượng thạch anh vàng được chuyển ra Hà Nội, anh T. yêu cầu đi giám định. Trước một giờ đồng hồ, anh T yêu cầu giám định tại phố Đinh Lễ, nhưng khi đến nơi hẹn anh lại chuyển địa điểm giám định khác vì lo sự quen biết trước kết quả giám định sẽ thiếu khách quan. Cuối cùng, khi kết quả giám định đá được đưa ra, pho tượng thạch anh vàng anh T. mua chỉ là đá CZ chứ không phải là thạch anh vàng. Với loại đá này, pho tượng chỉ có giá vài trăm ngàn đồng.
Nên thận trọng khi mua trang sức đá quý
Chị Vũ Thị Ngọc Hoa ( Hàng Bồ-HN), một tín đồ đá quý cũng phải ngậm đắng nuốt cay khi đã trót bỏ ra cả vài nghìn đô để sở hữu một chiếc nhẫn kim cương giả. Theo chị Hoa, trong một lần đi du lịch ở Hàn Quốc chị đã mua chiếc nhẫn kim cương tại một trung tâm kim hoàn nổi tiếng ở Seoul, nhưng chị chỉ biết nó là hàng giả khi về kiểm định tại một trung tâm kiểm định tại Việt Nam.
“Chơi món này chỉ kinh nghiệm thôi cũng chưa đủ, vì hiện nay họ chế tác quá hoàn hảo, so sánh sự giống và khác nhau bằng cảm quan để phân biệt thật – giả cũng không phải đơn giản”, chị Hoa nói.
Hiện nay, những người phải ngậm quả đắng như anh T, chị Hoa không phải là hiếm. Theo ông Ngô Văn Nên, chuyên viên giám định Công ty TNHH giám định Rồng Vàng – SJC, tại công ty ông đã chứng kiến không ít trường hợp người tiêu dùng mang nữ trang gắn đá quý đến công ty giám định và kết quả đa phần là đá giả (nhân tạo). Trong đó, có không ít trường hợp người mua phải bỏ ra số tiền lớn để sở hữu món nữ trang đó.
Người bán vì tiền, người mua vì tài
Có thể khẳng định rằng không phải ai cũng có thể sở hữu và đủ khả năng mua những viên kim cương, đá quý thật vì giá trị của nó quá lớn. Nếu như vàng, bạc thì người dân bình thường có thể tích cóp trong một khoảng thời gian là có thể mua được, nhưng đối với đá quý thì điều đó dường như là không thể. Bởi vậy, đối tượng chính sở hữu mặt hàng này phải ở tầm cỡ đại gia hoặc người sở hữu tiền tỷ.
Mục đích của họ khi chơi mặt hàng này cũng rất đặc biệt, ngoài để thể hiện mình là người “lắm tiền, nhiều của” thì họ còn coi đó là “bùa” hộ mệnh hoặc chơi theo phong thủy để mong gặp được may mắn, làm ăn vào cầu. Ngoài ra không ít trường hợp cố săn lùng đá quý cũng chỉ để lấy lòng một ai đó nhằm mục đích thăng quan tiến chức.
Trả lời phỏng vấn GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, người chơi đá quý thường là người có tiền và có vị trí xã hội và ở Việt Nam người mua đá quý để dùng không nhiều hoặc có giá trị không lớn. Việc mua bán đá quý có giá trị lớn chủ yếu để phục vụ các "vấn đề xã hội" như tặng, biếu… Những giao dịch này có thể lên tới hàng chục nghìn đô la.
Chính vì vậy, nhiều “con buôn” đá quý đã lợi dụng tâm lý này để kiếm nguồn lợi nhuận, họ không ngần ngại “tô son, vẽ phấn” lên những cục đá chỉ có vài trăm ngàn đồng để rồi bán “cục đá” ấy với giá vài ngàn đô.
Ông Lê Hữu Hạnh, Chủ tịch Công ty kiểm định PNJ cho biết, đá CZ phổ thông chỉ có giá 9.000 đồng (4,5 ly), 13.000 đồng (5,4 ly), 23.000 đồng (6,3 ly)... Nhưng trên thực tế, một số nơi đánh vào tâm lý ham hàng giá rẻ của người tiêu dùng nên giảm giá, khuyến mãi rầm rộ. Song, mức giá dù đã giảm tới 70% đi nữa cũng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với giá trị thực của những viên đá mà người tiêu dùng mua phải.
Còn GS.TSKH Phan Trường Thị khẳng định, hiện nay nguồn cung cho các cửa hiệu đá quý lớn chủ yếu là hàng nhập lậu. Ông Thi lý giải, ở Việt Nam không có mỏ khai thác. Thuế đối với đá quý của Việt Nam danh chính ngôn thuận thì rất hay vì thuế nhập khẩu là 0%. Nhưng khổ nỗi thuế giá trị gia tăng (VAT) lại quá lớn. Nên để tránh VAT người ta kiếm ăn bằng cách nhập lậu.
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để tránh không mua phải đá quý giả, đá quý kém chất lượng là người mua phải đưa sản phẩm đi kiểm định.
(Theo VietQ)