Cổ phiếu bị kiểm soát, Tổng Giám đốc xin từ nhiệm

Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai - mã chứng khoán: DLG) vừa công bố thông tin cho hay, trong ngày 30/9 vừa qua, doanh nghiệp này đã nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật công ty của ông Trần Cao Châu.

Theo đó, ông Châu xin từ nhiệm khỏi chức vụ Tổng Giám đốc - Người đại diện pháp luật công ty kể từ ngày 1/10. Trong đơn xin từ nhiệm, ông Châu cho biết lý do vì "công việc gia đình". Hội đồng quản trị Đức Long Gia Lai đã đồng ý miễn nhiệm ông Trần Cao Châu khỏi các chức vụ nói trên.

Thay vào vị trí của ông Châu, Hội đồng quản trị DLGL đã bổ nhiệm ông Nguyễn Tường Cọt (sinh năm 1984) giữ chức danh Tổng Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của công ty kể từ ngày 1/10. Ông Nguyễn Tường Cọt có trình độ Cử nhân Quản trị kinh doanh và từng giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc công ty.

{keywords}
Trụ sở của Đức Long Gia Lai (Ảnh: DLG).

Biến động nhân sự điều hành tại Đức Long Gia Lai diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu DLG vẫn tiếp tục bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) giữ nguyên diện kiểm soát để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. HSX cho biết sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu DLG căn cứ vào báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2021 của công ty.

Theo HSX, BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2021 của của Đức Long Gia Lai cho thấy lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm đạt 24,69 tỷ đồng nhưng vẫn còn lỗ lũy kế tại ngày 30/6 là 842,34 tỷ đồng.

Cho vay không có tài sản đảm bảo, hơn 1.800 tỷ đồng nợ vay quá hạn

BCTC của Đức Long Gia Lai còn bị đơn vị kiểm toán nhấn mạnh về đến việc công ty này đã cho một số tổ chức, cá nhân vay không có tài sản đảm bảo và khả năng hoạt động kinh doanh liên tục tồn tại từ năm 2019 đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Cụ thể, trên BCTC bán niên hợp nhất của Đức Long Gia Lai, phía kiểm toán nhấn mạnh việc tập đoàn đã cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền 2.410 tỷ đồng. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ 3.

Giải trình cho vấn đề này, Đức Long Gia Lai cho biết, các khoản vay cho các bên liên quan nêu trên không có tài sản bảo đảm đều có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của Đức Long Gia Lai tại BCTC bán niên soát xét năm 2021.

Kiểm toán còn nhấn mạnh trên BCTC hợp nhất của Đức Long Gia Lai, tại ngày 30/6, khoản lỗ thuần là hơn 842 tỷ đồng và các khoản nợ ngắn hạn của tập đoàn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn gần 239 tỷ đồng. 

Đức Long Gia Lai còn có một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính hơn 1.808 tỷ đồng. "Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn" - kiểm toán viên nhấn mạnh. 

Đối với nhận xét này của bên kiểm toán, Đức Long Gia Lai cho hay, hiện tập đoàn đang xây dựng phương án cấu trúc toàn diện tình hình tài chính, lập kế hoạch và lộ trình thoái vốn các khoản đầu tư kém hiệu quả, quản lý, kiểm soát và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách chặt chẽ, tiết kiệm chi phí để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch...

DLGL cũng khẳng định rằng đang tập trung thu hồi các khoản công nợ để thực hiện thanh toán một phần các khoản nợ quá hạn. 

Mặt khác, tập đoàn còn cho biết sẽ phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để cơ cấu lại các khoản nợ gốc, miễn giảm lãi. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành pháp lý của dự án thủy điện, điện mặt trời và điện gió để tìm kiếm đối tác huy động vốn hoặc chuyển nhượng một phần dự án để tất toán các khoản nợ quá hạn trong thời gian sắp tới, chậm nhất đến ngày 31/12/2023. Do vậy, báo cáo này của Đức Long Gia Lai được lập dựa trên giả thiết tập đoàn hoạt động kinh doanh liên tục.

Dữ liệu tại BCTC bán niên đã soát xét của Đức Long Gia Lai cho thấy, tổng nợ phải trả của tập đoàn này tại ngày 30/6 là 5.659 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 3.148 tỷ đồng. Riêng vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn lên tới 1.472 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, Đức Long Gia Lai có khoản vay ngắn hạn phải trả BIDV chi nhánh Gia Lai là 176 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có khoản vay dài hạn đến hạn trả đối với Sacombank - CN TPHCM là 198 tỷ đồng; khoản vay đối với BIDV - Chi nhánh Gia Lai là 181 tỷ đồng; khoản vay đối với VietinBank - Chi nhánh Gia Lai là 189 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tập đoàn có khoản vay dài hạn đến hạn trả đối với một cá nhân là ông Trịnh Đình Trường lên tới trên 138 tỷ đồng. Đây là khoản vay tín chấp, có thời hạn vay 3 năm kể từ ngày ký hợp đồng vào 15/7/2018 với lãi suất 0%/năm. Mục đích sử dụng vốn vay là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thuyết minh BCTC thể hiện số tiền này đã được thanh toán trong kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DLG đã có 3 phiên tăng liên tiếp từ ngày 30/9 đến 4/10 với mức tăng lần lượt là 2,5%; 6,83% và 4,57%. Hiện thị giá của DLG đạt 4.580 đồng/cổ phiếu, tăng 232% trong vòng một năm qua.

(Theo Dân Trí)

Bạn đồng hành 30 năm chia tay, không còn chung bước với Bầu Đức

Bạn đồng hành 30 năm chia tay, không còn chung bước với Bầu Đức

Các tỷ phú như Johnathan Hạnh Nguyễn, Trịnh Văn Quyết tham vọng với ngành hàng không, sếp kỳ cựu của Hoàng Anh Gia Lai từ nhiệm sau gần 30 năm gắn bó là những tin chính tuần qua.