Năm 2015, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xã vinh dự đón bằng công nhân xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Hiện nay, xã đang tiếp tục hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu cuối năm 2023. 

Là địa phương có tỷ lệ đồng bào Khmer cao, chiếm gần 85% dân số toàn xã, phần lớn bà con Đại Tâm sinh sống bằng nghề nông, buôn bán nhỏ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn; số hộ nghèo, cận nghèo của địa phương phần lớn là hộ Khmer.

Để giúp bà con an cư, thoát nghèo, địa phương tập trung cho công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, giúp bà con cải thiện thu nhập.

Mô hình trồng hành sạch, áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động ở xã Đại Tâm. 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã Đại Tâm đạt trên 76% và phần lớn bà con được đào tạo nghề đều tạo được việc làm tại chỗ. Kết quả này là nhờ vào những giải pháp thiết thực của địa phương trong dạy nghề, dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực học và mong muốn nghề được học của bà con. 

Hàng năm, địa phương chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề (chủ yếu là chăn nuôi bò, đan đát) theo nhu cầu thực tế của người dân. Cùng với đó, địa phương còn tuyên truyền, vận động người dân tự học nghề tại các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài xã, cũng như hỗ trợ giới thiệu việc làm thời vụ, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Phòng Văn Hiệp ở ấp Tâm Chí thuộc hộ cận nghèo, không có đất sản xuất, sức khỏe yếu. Vì thế ông chọn học nghề đan giỏ nhựa phù hợp với sức khỏe. Sau khi học nghề, ông Hiệp nhận dây về nhà đan lúc nhàn rỗi, mỗi tháng ông có thêm thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng.

Xã Đại Tâm cũng chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ. Điển hình như mô hình trồng rau sạch ở ấp Đại Ân và ấp Đại Nghĩa Thắng đã áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động, giảm thời gian, nhân công lao động cho người dân, đồng thời tiết kiệm được nước, đo được lượng nước tưới phù hợp cây trồng. 

Địa phương đã phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xã phụ trách từng tiêu chí và phụ trách từng địa bàn. Tăng cường phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tham gia nâng chất, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến nay, qua công tác rà soát, tự đánh giá, xã đã cơ bản đạt 80% nội hàm từng tiêu chí theo Quyết định 2537/QĐ-UBND ngày 27/9/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng. 

Cụ thể, đối với 04 tiêu chí bắt buộc, xã Đại Tâm đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 theo chuẩn Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã cuối năm 2022 đạt 64,76 triệu đồng. Xã đang tập trung chỉ đạo thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp lớn trên địa bàn giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Phấn đấu cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt ít nhất 75 triệu đồng, đảm bảo theo yêu cầu.

Đối với việc xây dựng ấp thông minh, xã đang tập trung đầu tư, hỗ trợ ấp Đại Chí hoàn thành 09 chỉ tiêu theo quy định.

Về tỷ lệ ấp văn hóa nông thôn mới, tính đến cuối năm 2022, xã đã có 4/8 ấp đạt chuẩn, các ấp còn lại đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2023.  

Đặc biệt, với lợi thế có nền văn hóa đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Khmer, xã đã lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu “văn hóa – du lịch” để tập trung thực hiện. 

Chùa Chén Kiểu là điểm đến du lịch, văn hóa của xã Đại Tâm.

Đối với tiêu chí tự chọn này, trên địa bàn xã Đại Tâm có chùa Chén Kiểu là một trong 3 ngôi chùa lớn nhất trên địa bàn tỉnh, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2012. Đây là ngôi chùa mang đậm nét văn hóa Khmer Nam Bộ, hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, là điểm nhấn độc đáo trong bản đồ du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Sóc Trăng. 

Ngôi chùa được hình thành từ năm 1815, tu sửa vào năm 1969. Trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng, thẩm mỹ. Từ đó, ngôi chùa có tên là “Chùa Chén Kiểu”. 

Ngoài việc tham quan kiến trúc độc đáo, tìm hiểu văn hóa người Khmer, du khách còn có thể chiêm ngưỡng một phần gia sản của công tử Bạc Liêu - người nổi tiếng một thời của vùng lục tỉnh. Đó là chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ cùng 02 chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè, được nhà chùa mua lại vào năm 1947. 

Trên địa bàn xã còn có 01 câu lạc bộ ngũ âm và 01 câu lạc bộ múa truyền thống được duy trì hoạt động thường xuyên, phục vụ theo yêu cầu của khách du lịch. Đại Tâm còn có nét ẩm thực độc đáo với nhiều loại bánh truyền thống nổi tiếng như bánh cống, bánh quai vạc…

Thời gian tới, để phát triển lợi thế văn hóa – du lịch, xã sẽ tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, tăng cường công tác an ninh trật tự, phục vụ tích cực cho các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn. 

Với sự đồng thuận, thống nhất cao từ người dân, xã Đại Tâm quyết tâm hoàn thành mục tiêu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa – du lịch trong thời gian tới. 

Văn Thường, và nhóm PV, BTV