“Đêm tân hôn, nằm ghé cạnh vợ trên giường bệnh, em đã thủ thỉ kể cho cô ấy nghe dự định trong tương lai của hai vợ chồng... Và cô ấy cũng tin rằng ngày mai, ca mổ sẽ thành công...” – Thơm chia sẻ.

Sau mổ hơn 1 tuần, sắc mặt của cô dâu Hà Thị Hom đã hồng hào trở lại. Gương mặt của chú rể Hà Văn Thơm cũng ngời ngời hạnh phúc. Hai người nắm chặt tay nhau, chia sẻ về những dự định về cuộc sống chung khi xuất viện.

{keywords} 

Đám cưới lay động trái tim

Bằng giọng nói còn yếu ớt, cô dâu Hom chia sẻ nỗi xúc động về đám cưới đặc biệt ngay tại bệnh viện của mình.

Vào ngày 23.4, khi ở quê (xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đang diễn ra đám cưới thì hai nhân vật chính – cô dâu Hom và chú rể Thơm - lại đang phải trông nhau ở bệnh viện.

Tình cờ, ngày chỉ định mổ lại rơi đúng vào ngày đám cưới. Sợ bố mẹ hai bên thêm lo lắng, cũng lại muốn nắm chặt tay nhau trong ngày trọng đại của cuộc đời, không muốn phải đối diện với sống chết trên bàn mổ, ngay trong ngày cưới, Hom và Thơm đã đến xin bác sĩ hoãn mổ một ngày.

{keywords}

Đám cưới đặc biệt trước giờ lên bàn mổ.

{keywords} 

Bệnh tình đã nặng, vừa nhập viện các bác sĩ đã phải chỉ định mổ cấp cứu, vì thế, Điều dưỡng trưởng (C8- Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) Trần Thị Phương đã hết sức ngạc nhiên. Tỷ tê hỏi chuyện, nghe chú rể Thơm rơm rớm nước mắt, trình bày sự việc, chị Phương cũng hết sức cảm thông.

Chị đã cùng Thơm đến chỗ bác sĩ Dương Đức Hùng (Trưởng Đơn vị tim mạch) để chia sẻ lý do xin hoãn mổ. Bác sĩ Hùng kể lại: “Bệnh nhân Hom bị một cái u to như quả trứng vịt, nằm trong tâm nhĩ trái. Do bệnh nhân đến muộn nên u đã chèn ép lên các bộ phận của tim, khiến bệnh nhân kiệt sức, khó thở, đi không vững phải có người dìu. U to cũng đe dọa vỡ bất cứ lúc nào. Đã không ít trường hợp u vỡ trước khi lên bàn mổ, khiến bệnh nhân tử vong. Do đó, bệnh viện đã chỉ định mổ cấp cứu. Tuy nhiên, khi nghe chú rể Thơm trình bày lý do đặc biệt như vậy, tôi cũng rất thông cảm”.

Các bác sĩ đã phải tiến hành khám tổng quát một lần nữa, đảm bảo sức khỏe của cô dâu có thể trụ thêm một ngày nữa, rồi mới rời lịch mổ sang ngày hôm sau. Cùng lúc đó, nhân viên trong khoa C8 cũng có mong muốn tổ chức một lễ kỷ niệm nho nhỏ cho đôi vợ chồng trẻ - ngay trong khoa. “Đám cưới” gấp rút được chuẩn bị, chỉ có một bó hoa tươi, ít kẹo bánh, hoa quả để mọi người liên hoan.

Cô dâu xanh xao trong bộ quần áo bệnh nhân, chú rẻ cũng khoác áo bệnh viện. Những người đến dự cũng là bệnh nhân và các nhân viên y tế trong khoa. Không ít bệnh nhân vừa mổ xong, vẫn còn đau nhưng cũng nhờ người dìu đến dự đám cưới. Đám cưới chưa từng có này tuy giản dị nhưng đều khiến cô dâu, chú rẻ lẫn những người đến dự đều nước mắt lưng tròng.

{keywords} 

Mối tình chị - em

Cô dâu Hom cho biết, hồi 15-17, cô cũng nặng tới 52kg, xinh đẹp, khỏe mạnh. Nhưng bỗng nhiên sang tuổi 18, cô thường xuyên bị khó thở, ho, lên nương được một lúc là kiệt sức, phải nằm nghỉ một lúc mới khỏi. Cô đã đi khám nhiều nơi nhưng chỉ toàn chẩn đoán cô bị viêm phế quản, huyết áp thấp và cho thuốc uống nhưng không khỏi. Cơ thể cứ suy nhược dần, chỉ còn 40-41kg, không làm được việc nặng.

Ốm yếu nhưng xinh đẹp nên Hom vẫn có nhiều thanh niên trong vùng đến tán tỉnh, xin cưới làm vợ. Nhưng bố mẹ Hom sau khi tìm hiểu về các đối tượng, đều can ngăn Hom. “Bố mẹ em bảo thằng đó không tốt, chơi bời, gia đình cũng khá giả hơn nhà mình, nên sợ em về không có sức lao động, sẽ khổ. Rồi người kia tính tình nóng nảy… không tốt, cũng khuyên em không nên lấy” – Hom cho biết.

Thương bố mẹ, cũng cảm thấy mình không đủ sức gánh vác trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, Hom đành chôn chặt giấc mơ tình yêu, hạnh phúc trong lòng. Gia đình cô có 6 chị em gái, Hom là con thứ 3. Hai chị Hom và 1 cô em gái đã lấy chồng, con cái đông đúc. Hai em gái khác của Hom cũng đang học học để thi Đại học, tung tẩy với giấc mơ tuổi thanh xuân. Chỉ còn Hom loanh quanh ở nhà với bố mẹ, buồn tủi khôn xiết. Cô dường như đã không bao giờ dám mơ về đám cưới và những đứa con.

Đến cuối năm 2012, khi 25 tuổi, Hom tình cờ gặp Thơm (22 tuổi) – một cậu em vừa xuất ngũ trong một lần tụ tập bạn bè. Thơm sống ở xã bên cạnh, trẻ trung, vui vẻ, tràn đầy năng lượng sống. Còn Hom chỉ có thể ngồi một chỗ, nhìn ngắm bạn bè vui vẻ, đùa nghịch. Nhưng chẳng hiểu sao, hình ảnh cô chị trắng xanh, yếu ớt, mong manh lại lọt vào mắt xanh của Thơm. Anh đã có khát khao được chăm sóc, che chở cho người phụ nữ đó.

Hai người yêu nhau sau vài tháng làm quen. Lúc đầu, Hom cũng rất lo sợ Thơm chỉ chơi bời với mình. Nhưng sự chăm sóc tỉ mỉ, tình yêu chân thành đã lay động trái tim Hom, thổi bùng lên khát khao được sống yêu thương của cô. Hom kể, ngay khi nhận lời yêu nhau thì sức khỏe của cô lại suy sụp thêm. Cô nhiều lần phải đi viện, nhưng thay vì quay lưng, Thơm lúc nào cũng ở bên cạnh người yêu, chăm sóc chu đáo. Anh chỉ ước, giá như có thể thở được, đau được, anh sẽ thở, sẽ đau giúp người yêu.

“Anh ấy làm thợ cơ khí trong xã, mỗi tháng kiếm được 2-3 triệu thôi. Nhưng tiền kiếm được, anh ấy bỏ cả ra để đi bốc thuốc bổ, thuốc bệnh cho em, về sắc rồi ép em uống. Khi em đi viện, anh ấy cũng “đuổi” bố mẹ em về, nhận trách nhiệm một mình chăm sóc em. Ngay Tết vừa rồi, em cũng phải nhập viện vì viêm phổi. Anh ấy cũng ăn Tết trong viện với em. Em thương anh ấy, đuổi anh ấy về đi chơi với bạn bè cho vui vẻ, nhưng anh ấy bảo, hạnh phúc, niềm vui của anh ấy là chăm sóc em, nhìn em hồi phục” – Hom kể trong tiếng nấc nghẹn.

Ngay cả bố mẹ Hom cũng cảm thấy ngần ngại cho Thơm. Họ đã gọi chàng trai đến và khuyên nhủ rất thật lòng. “Bố mẹ em bảo nó bệnh thế mà vẫn quyết lấy à? Lấy nó về thì nó không làm được cái gì đâu. Mày bỏ nó đi mà tìm đứa con gái khỏe mạnh khác”- Hom kể.

Nhưng Thơm chỉ cười. Rất may, bố mẹ Thơm dường như thấu hiểu được tình cảm sâu sắc của con trai. Họ chỉ bảo: “Nếu đã yêu, đã quyết tâm cưới thì đừng làm khổ con người ta, đừng chán nản giữa đường. Nếu bên nhà gái đồng ý, thì bố mẹ cũng không phản đối gì”.

Vì thế, cho dù hơn 1 năm yêu nhau, thời gian Hom nằm viện còn nhiều hơn những ngày khỏe mạnh, nhưng Thơm vẫn quyết tâm làm đám cưới và định ngày 23/4.

Tuy nhiên, trước khi cưới 4 ngày, một đoàn bác sĩ tim mạch từ Trung ương về đã đến Nghĩa Lộ khám miễn phí, Thơm đã chở người yêu đến khám. Khám xong, các bác sĩ gọi Thơm lại và bảo: “Vợ bị bệnh tim nặng lắm, phải về Hà Nội ngay”.

Gần như không kịp suy nghĩ gì, Thơm đưa Hom nhập viện thị xã Nghĩa Lộ rồi xin chuyển về Bệnh viện Bạch Mai. Sức khỏe của Hom cũng yếu đi rất nhanh, cô không đi nổi mà mỗi bước, Thơm đều phải dìu, phải cõng. Tuy nhiên, do đã đặt hết cỗ bàn, mời đủ họ hàng, nếu hoãn cưới cũng sợ không may nên bố mẹ hai bên vẫn quyết tâm làm đám cưới, cho dù vắng mặt cô dâu, chú rể.

Các bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu. Tình cờ, ngày mổ lại rơi đúng vào ngày đám cưới.

Đêm tân hôn đặc biệt

“Được hoãn mổ trong ngày cưới là tụi em đã mừng lắm rồi. Chỉ điện thoại về quê nói bố mẹ yên tâm, cứ tiếp họ hàng cho vui vẻ, thoải mái. Bọn con mổ xong sẽ về quê bái lạy tổ tiên sau. Nói thế cho bố mẹ yên lòng nhưng mà hai vợ chồng vừa lo lắng, vừa tủi thân lắm. Em thì động viên vợ, nhưng cô ấy lúc nào mắt cũng đỏ hoe. Cô ấy nói thương em đã yêu nhầm người, ngốc nghếch, tại sao không chọn người trẻ trung, khỏe mạnh mà cưới, để giờ khổ như vậy.

Em càng thương vợ em hơn. Hai vợ chồng đang ngồi cực cực, tủi tủi thì bỗng nhiên được các bác sĩ mời ra “dự đám cưới” của chính mình. Em bất ngờ lắm. Hai vợ chồng nghẹn ngào. Bao nhiêu tủi thân, cơ cực chỉ muốn ào ra. Những lời động viên chân thành của các điều dưỡng, bác sĩ, nhưng cái nắm tay rất chặt của bệnh nhân cùng khoa khiến vợ chồng em có thêm sức mạnh, tin chắc rằng ca mổ sẽ thành công” – Thơm chia sẻ. Chú rể Thơm cho biết, từ khi biết tin vợ phải phẫu thuật, hai vợ chồng chưa đêm nào ngủ yên. Nhưng “đêm tân hôn”, sau lễ kỷ niệm ấm áp do các y bác sĩ trong khoa tổ chức, hai vợ chồng đã có một đêm thật ngon giấc.

“Đêm tân hôn, nằm ghé cạnh vợ trên giường bệnh, em đã thủ thỉ kể cho cô ấy nghe dự định trong tương lai của hai vợ chồng. Chưa lúc nào, chúng em lại chắc chắn về tương lai như vậy. Và cô ấy cũng tin rằng ngày mai, ca mổ sẽ thành công và chúng em sẽ có nhiều thời gian để thực hiện mọi mơ ước” – Thơm cười ngượng nghịu.

Hom cũng chia sẻ, nắm chặt tay chồng trong đêm tân hôn, chưa bao giờ, cô lại khát khao được sống, được hạnh phúc như lúc đó. Cô chỉ mong sáng ra, được lên bàn mổ, vượt qua ngưỡng cửa tử thần một cách tự tin, để có thể nhanh khỏe mạnh, được thực sự làm cô dâu của chồng mình.

Không biết bằng cách nào, nhiều người đã biết được số điện thoại của anh và gọi điện đến chúc mừng hạnh phúc, động viên hai vợ chồng cố gắng, càng khiến Thơm cảm động. Anh quả quyết rằng, những tình cảm của các bác sĩ, điều dưỡng trong viện, của các bệnh nhân cùng khoa và của cả nhiều người không quen biết khác sẽ là động lực để vợ chồng anh vững vàng hơn trong cuộc sống sau này.

{keywords}

Cô dâu Hom đang bình phục sẽ được xuất viện trong tuần.

Bác sĩ Dương Đức Hùng đã đích thân phụ trách ca mổ. Theo bác sĩ Hùng, tâm lý của bệnh nhân có ý nghĩa quyết định đến thành công của ca mổ. Do đó, anh không muốn bệnh nhân phải băn khoăn, lo lắng trong ngày mổ khi phải đứng trước ngưỡng cửa tử thần ngay trong ngày cưới. Điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả mổ nên anh đã đồng ý hoãn ca mổ lại một ngày. Đồng thời, cũng ủng hộ nhân viên tổ chức “đám cưới” nho nhỏ để động viên tinh thần cho bệnh nhân.

“Bình thường, ca mổ này tôi sẽ giao lại cho các bác sĩ dưới quyền khác. Tuy nhiên, sức ép tâm lý đối với ca bệnh này không nhỏ. Một mặt vì khối u lớn, chèn ép lên nhiều cơ quan tim, có thể xảy ra biến chứng không lường trước được. Mặt khác đây là bệnh nhân khá đặc biệt. Cô gái còn trẻ, phải nằm viện đúng ngày cưới, tiếng là đã là vợ, nhưng chưa được làm vợ ngày nào. Người chồng cũng tiếng là đã làm chồng, nhưng chưa được cùng vợ hưởng hạnh phúc gia đình. Nếu có gì bất trắc xảy ra thì sẽ có nhiều người phải ngậm ngùi, nuối tiếc. Tôi cần phải chắc chắn rằng không có bất cứ sự cố nào trong ca mổ” – Bác sĩ Hùng kể lại.

Bác sĩ Hùng cho biết, ca mổ đã diễn ra rất thành công, cô dâu Hom sẽ bình phục lên từng ngày. Dự định, bệnh nhân sẽ xuất viện trong tuần này. Và chỉ cần hai vợ chồng chăm sóc nhau cho béo tốt lên thì cô dâu sẽ hoàn toàn khỏi bệnh, đủ sức khỏe để sống một cuộc đời hạnh phúc.

(Theo Diệu Linh - Dân Việt)