Ngày 31/12, Sở VH&TT Ninh Bình vừa có báo cáo sơ bộ khai quật khẩn cấp địa điểm khảo cổ nghi là kinh thành Hoa Lư tại thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình).
Trước đó, vào giữa tháng 12, gia đình ông Nguyễn Tử Quý (81 tuổi, ở thôn Tân Hoa) trong lúc làm móng xây dựng nhà phát hiện một đoạn bờ đất đắp có gạch đỏ, nghi là tường kinh thành Hoa Lư.
Ngay sau đó, Sở VH&TT đã làm việc với gia đình và các cơ quan chức năng liên quan đi đến thống nhất thực hiện công tác nghiên cứu khảo cổ khẩn cấp khu vực này để thu thập tư liệu làm căn cứ đề xuất phương án bảo tồn, nghiên cứu di tích.
Theo đó, khu vực khai quật rộng khoảng 66m2, nằm ở vị trí phía Đông Bắc của thành Hoa Lư kéo dài từ núi Cột Cờ đến Phủ Đầu Tường sát với sông Sào Khê và cách Cố đô Hoa Lư hơn 1km.
Trong khi khai quật, cơ quan chức năng phát hiện một phần gia cố chân tường, thân tường và các lớp đắp bồi gia cố tường thành. Lớp dưới gia cố chân tường phát hiện lớp gỗ mỏng xen lẫn những cọc gỗ cắm sâu xuống nền đất yếu tạo bè móng. Trên mặt móng đắp một lớp sét thuần màu xám trắng tạo chân.
Tiếp đó là lớp đắp bồi chân tường thành phía ngoài, chất liệu sử dụng là đất sét phù sa màu nâu lẫn ít gạch vỡ màu nâu đỏ đặc trưng của thế kỷ X xếp dựng theo quy chuẩn.
Ngoài ra, khi khai quật phát hiện một số gạch vỡ có chữ “Giang Tây quân” và “Giang Tây chuyên” niên đại khẳng định từ thế kỷ VIII-IX; gạch đỏ vài mảnh có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, đặc trưng của thế kỷ thứ X.
Đến nay có thể làm rõ tường thành Hoa Lư được đắp trên nền đất trũng, lầy thụt nên đều sử dụng kỹ thuật đắp rải các thanh gỗ kết hợp đóng cọc chống sạt lở.
Các nhà khảo cổ đề xuất tỉnh Ninh Bình tiếp tục xây dựng đề án nghiên cứu sâu hơn về quy mô, kỹ thuật xây dựng tường thành ở Cố đô Hoa Lư. Đây là tư liệu quan trọng tái hiện diện mạo các vòng thành và con đường dẫn vào kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê.
Chính quyền tỉnh Ninh Bình đang lên phương án để di dời 12 hộ dân sinh sống gần chân núi Cột Cờ đến chân núi Chợ giáp sông Sào Khê và Cố đô Hoa Lư.