Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã; góp phần tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam. 

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ trong xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã (HTX), các doanh nghiệp nhỏ cùng nhiều hộ sản xuất kinh doanh được xem là xu thế tất yếu cần phải thay đổi để phát triển trong thời đại công nghệ chuyển đổi số.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ luôn là ưu tiên của Bộ Công Thương. Do đó, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại và đơn vị liên quan tập trung triển khai phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, đảm bảo hai nguyên tắc từ sớm và từ xa.

sanphamgungkyson.png
Ảnh minh hoạ: Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng “Kỳ Sơn”.

Theo đó, Cục đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương, hiệp hội ngành hàng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản nhiều tháng trước mùa vụ. Cùng đó, coi thị trường trong nước là nền tảng song song với duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Song song đó, đẩy mạnh kết nối giao thương theo nhóm sản phẩm mà nhiều địa phương cùng cung ứng như trái vải và nhãn; các loại quả có múi; xoài; thanh long… và nhóm thị trường kết hợp với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử.

Cũng theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, để hỗ trợ các địa phương, HTX tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn nữa, Bộ Công Thương sẽ tập trung xúc tiến cho từng nhóm sản phẩm, tổ chức và vận động địa phương tham gia tổ chức xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng/miền, quy mô lớn.

Mặt khác, duy trì phát triển thị trường Trung Quốc, không chỉ vùng giáp biên giới mà tiếp cận tỉnh/thành sâu trong nội địa phía Bắc và Tây còn nhiều dư địa để khai thác. Điều này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Trung Quốc bài bản hơn, qua đó chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch, xây dựng kế hoạch xuất khẩu bền vững.

Cùng với việc mở rộng thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu mở cửa thị trường nông sản mới tại thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Ngoài ra, cạnh tranh bằng chất lượng ngay trên thị trường ASEAN như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia...

Đáng chú ý, Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, nội địa vẫn là thị trường tiêu thụ quan trọng với nông sản. Do vậy, việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước không những góp phần tăng vị thế của nông sản, doanh nghiệp Việt mà còn tạo đà vươn ra thị trường nước ngoài.

Ngọc Cương và nhóm PV, BTV