Trong nhiều buổi lên lớp với học viên là những người đang làm việc tại các đơn vị trong hệ thống chính trị, tôi thường bắt đầu với câu hỏi: “Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đề ra tầm nhìn lãnh đạo đến năm 2045 đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Vậy, đâu là những tiêu chí để được công nhận là một quốc gia phát triển?”.

Chỉ một số học viên đến từ các bộ, ngành có thể nêu ra hai tiêu chí căn bản về thu nhập bình quân đầu người (GDP đạt 12.500 đến 15.000 USD/người/ năm) và Chỉ số phát triển con người (HDI vượt 0.8). Đa số học viên, đặc biệt là học viên đến từ các địa phương đều lúng túng, không thể nêu ra những thước đo cụ thể để một đất nước được công nhận là quốc gia phát triển.

Qua thảo luận, chúng tôi đồng thuận rằng, mục tiêu về chỉ số phát triển con người có thể đạt được sau hơn hai thập kỷ nữa. Tuy nhiên, về thu nhập bình quân đầu người sẽ là mục tiêu vô cùng thách thức. Nhìn ra khu vực Đông Á, một số nước đã từng thành công trong nỗ lực thay đổi vị thế của dân tộc chỉ sau khoảng 3 thập kỷ. Tuy nhiên, họ ở bối cảnh khác và có những cách làm khác và không hẳn chúng ta có thể lặp lại để thành công trong bối cảnh hiện nay.

W-bai-so-31-anh-hoang-ha-1.jpg

Thực tế nêu trên cũng gợi ra rằng, cho đến nay, tầm nhìn lãnh đạo 2045 mới chỉ thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của Đảng và rộng ra là của hệ thống chính trị. Thế nhưng, để có thể hiện thực hóa thì tầm nhìn lãnh đạo nêu trên cần được lan tỏa, chạm đến lợi ích và được thẩm thấu trong nhận thức của các lực lượng trong xã hội, để trở thành một khát vọng mang tính tập thể.

Động lực xã hội chính là các nhu cầu, lợi ích chính đáng của các nhóm, tầng lớp, giai cấp xã hội. Khi các nhu cầu đó ngày càng lớn mạnh, được chia

sẻ bởi nhiều người và trở nên phổ biến thì sẽ dần dần hình thành các động lực xã hội. Vì thế, thách thức đầu tiên với tầm nhìn lãnh đạo 2045 là Đảng phải nắm bắt chính xác các động lực xã hội trong bối cảnh hiện nay, xác định đâu là những động lực chính yếu, có ảnh hưởng tiên quyết đối với khả năng hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo.

Sau gần bốn thập kỷ chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, GDP bình quân đầu người của nước ta tăng từ 100 USD (năm 1990) khoảng 3.700 USD (năm 2022). Chỉ số phát triển con người tăng từ 0,483 vào năm 1990 lên 0,704 vào năm 2019. Việt Nam được dự báo có thể gia nhập nửa trên của nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình vào năm 2030. Nhìn từ quá trình thành công ở một số nước trong khu vực, hơn hai thập kỷ sắp tới là thời gian đủ cho tiến trình hiện thực hóa mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045.

Ý Đảng, lòng dân

Trong các giai đoạn trước đây, các mục tiêu cách mạng và phát triển đất nước do Đảng đề ra đều cho thấy sự nắm bắt chính xác những khát vọng bức thiết, đang có sẵn trong xã hội. Chính sự nhạy bén trong nhận diện các nhu cầu chính đáng của các lực lượng có nhiều ảnh hưởng trong xã hội đã không chỉ giúp Đảng tập hợp được sự ủng hộ, mà còn gắn kết những hành động riêng lẻ thành những hành động mang tính tự giác và có tính tập thể cho tiến trình hiện thực hóa mục tiêu lãnh đạo.

Từ những năm 1930, trong bối cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến, ngọn cờ “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” đã đáp ứng đúng nhu cầu và lợi ích của số đông người dân Việt Nam, vốn đang sống trong cảnh bần cùng, đói khổ. Mục tiêu đánh đuổi chủ nghĩa thực dân, xây dựng một chính quyền nhân dân, và những cảm hứng về một tương lai xã hội chủ nghĩa tốt đẹp đã có sức lay động mạnh mẽ, huy động được những động lực xã hội, mà then chốt nhất là lực lượng công nhân và nông dân, cho phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Đến giữa những năm 1980, sức mạnh xã hội bị trói buộc bởi những tư duy không còn phù hợp đã khiến đất nước đứng trước những nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Đảng đã đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết, để thực hiện hàng loạt chính sách đổi mới. Cũng nhờ đó, các động lực xã hội

bị kìm nén bấy lâu lại được khai thông, giúp nước ta trở thành một trong những “câu chuyện đổi mới thành công” được thế giới ghi nhận.

Hướng đến tầm nhìn lãnh đạo 2045, “bẫy thu nhập trung bình” là một nguy cơ cần được tính đến với nền kinh tế Việt Nam. Một số quốc gia trong khu vực đã đạt mức thu nhập trung bình cách đây 2 đến 3 thập kỷ như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines nhưng lại đang bị mắc kẹt ở mức GDP bình quân đầu người dưới 10.000 USD/năm. Thực tế này buộc chúng ta phải hết sức cảnh giác để Đảng không lỡ hẹn với nhân dân về một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” và trở thành quốc gia phát triển, Việt Nam hẳn nhiên cần có ý chí và quyết tâm chính trị, nỗ lực nhất quán, và cả tri thức hiện đại trong tiến trình quản trị quốc gia. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố nêu trên cũng sẽ không thể giúp hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo 2045 nếu thiếu sự cộng hưởng mạnh mẽ và bền vững từ các động lực xã hội, hay “lòng Dân hợp với ý Đảng”.

Những bài học lãnh đạo thành công trong lịch sử nước ta và từ nhiều quốc gia khác cho thấy thách thức hiện nay với Đảng là phải làm sao để mục tiêu “quốc gia phát triển” được lan tỏa, chia sẻ và được tự giác tiếp nhận, để mục tiêu “quốc gia phát triển” không chỉ là ý chí của Đảng, mà cũng chính là khát vọng của các lực lượng xã hội then chốt nhất.

Điều chỉnh để thành công

Sau gần bốn thập kỷ chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, cơ cấu xã hội ở nước ta cũng phân hóa rõ hơn, các lợi ích trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Sự thay đổi về vị thế và vai trò của các giai cấp, tầng lớp xã hội đang đặt ra nhu cầu điều chỉnh về phương thức Đảng khơi dậy và phát huy các động lực xã hội. Nói cách khác, sự biến đổi về vị thế và vai trò của các lực lượng xã hội buộc Đảng phải xác định lại cách thức, biện pháp khơi dậy và kết nối các động lực xã hội.

Mọi lực lượng xã hội đều được coi trọng nhưng đặt trong quan hệ với tầm nhìn lãnh đạo 2045, Đảng cần khẳng định ba thành phần then chốt, bao gồm: đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tinh anh ở cấp chiến lược, các nhà trí thức đạt tầm quốc tế, và lực lượng doanh nhân giỏi sản xuất, kinh doanh và thấm đẫm tinh thần dân tộc.

Nắm bắt và đáp ứng đúng những kỳ vọng và nhu cầu chính đáng của ba lực lượng này sẽ tạo thành ba động lực xã hội then chốt nhất cho những đột phá về phát triển đất nước.

Tiếp theo, Đảng cần hiện đại hóa ngọn cờ tư tưởng thông qua việc bổ sung các giá trị và niềm tin mới, quan điểm mới về các vấn đề quen thuộc, cũng như các ý niệm mới về phát triển. Mỗi giai cấp, tầng lớp xã hội được cấu thành bởi nhiều nhóm khác nhau, với lợi ích, hệ giá trị, và quan điểm không đồng nhất. Vì thế, ngọn cờ tư tưởng của Đảng phải cho thấy được những giá trị và niềm tin của các lực lượng xã hội then chốt trong tiến trình tiến đến quốc gia phát triển.

Với vị thế hạt nhân của cấu trúc quyền lực chính trị, đảm nhiệm cả vai trò lãnh đạo và cầm quyền, một nhu cầu bức thiết nữa là Đảng phải thu hút và gắn kết các lực lượng xã hội then chốt vào trật tự chính trị hiện nay. Để làm được việc này, khung khổ thể chế phải bảo đảm lợi ích và tiếng nói của các nhóm xã hội khác nhau được tôn trọng trong quy trình chính sách, và thể hiện trong các quyết định chính sách.

Chất lượng của đội ngũ cán bộ luôn giữ vai trò quyết định đối với thành công của cấu trúc quản trị dựa trên nguyên tắc quyền lực tập trung và thống nhất. Vì thế, Đảng cần quyết liệt đổi mới quy trình và tiêu chí để có được những cá nhân tinh anh ở cấp chiến lược.

Đó là những nhà lãnh đạo chính trị luôn trung thành với lợi ích của dân tộc và cháy bỏng khát vọng quốc gia thịnh vượng; và các nhà quản lý kỹ trị, được tuyển lựa và đề bạt dựa vào sự ưu trội về các phẩm chất hành chính, chuyên môn.

Hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Nhà nước Việt Nam hiện đại chắc chắn sẽ là một kỳ tích tiếp theo trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng. Thành công với tầm nhìn lãnh đạo 2045 sẽ gia tăng tính chính đáng cho vai trò chính trị của Đảng, khẳng định thêm vị thế vững chắc của Đảng trong lòng nhân dân và trong lịch sử dân tộc.

Đảng cần khẳng định ba thành phần then chốt, bao gồm: đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tinh anh ở cấp chiến lược, các nhà trí thức đạt tầm quốc tế, và lực lượng doanh nhân giỏi sản xuất, kinh doanh và thấm đẫm tinh thần dân tộc.