Vương Quang Mỹ, vợ cố Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất nước này thế kỷ 20, bà được mọi người biết tới với cái tên "Nữ hoàng toán học",
"thạc sỹ vật lý nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc" hay "Đệ nhất phu nhân được
ngưỡng mộ nhất"...Cuộc đời bà đã trải qua không ít thăng trầm nhưng chưa bao giờ
bà mất niềm tin và luôn kiên cường để tiếp tục sống có ích.
Biểu tượng thời trang của cách mạng Trung Quốc
Vương Quang Mỹ và cố chủ tịch nước CHND Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ
Vương Quang sinh ngày 28 tháng 5 năm 1921 tại Bắc Kinh. Cha bà từng là một trong những lưu học sinh xuất sắc tại Đại học Waseda tại Nhật Bản và giữ chức Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Thương mại trong Chính phủ Bắc Dương. Mẹ bà là một thiên kim tiểu thư ở Thiên Tân, tài mạo song toàn. Vương Quang Mỹ sinh ra đã có khuôn mặt trái xoan, ai nhìn cũng quý mến.
Hồi nhỏ, Vương Quang Mỹ là một cô bé cá tính mạnh mẽ, chăm chỉ học tập và thành tích lúc nào cũng đứng đầu lớp. Bà từng giành được giải ba trong cuộc thi toán học toàn thành phố Bắc Bình giành cho bậc trung học và từ đó được mọi người gọi với cái tên trìu mến là "Nữ hoàng toán học".
Sau khi thi đỗ trường Đại học Fu Jen Catholic, sự nghiệp học tập của Vương Quang Mỹ hết sức thuận lợi, bà học thẳng lên làm thạc sỹ và trở thành một trong những nữ thạc sỹ vật lý đầu tiên của Trung Quốc.
Từ nhỏ Vương Quang Mỹ luôn chú ý vẻ ngoài của mình. Vương Quang Mỹ vẫn tỏa sáng khi ăn mặc giản dị ở chiến khu Diên An. Sau này khi chuyển tới Tây Bách Pha, bà thường mặc một chiếc sơ mi màu trắng kết hợp với một chiếc quần yếm màu xanh, phong cách này của bà đã nhanh chóng trở thành mốt của các cô gái thời bấy giờ.
Con gái của Vương Quang Mỹ nhớ lại, những năm 50, 60 của thế kỷ trước, mẹ của cô thường đi mua vải về tự thiết kế trang phục. Bà làm vậy vừa có thể tiết kiệm tiền lại vừa mặc được những bộ đồ như y muốn. Thời đó, những bộ quần áo màu xanh công nhân được coi là màu của cách mạng được nhiều người ưa chuộng và Vương Quang Mỹ cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, bà thường xuyên dùng một chiếc khăn nhỏ hay một chiếc kẹp tóc xinh xắn hoặc bỏ cổ áo sơ mi trắng ra ngoài những chiếc áo khoác màu xanh. Chỉ một chi tiết rất nhỏ như vậy cũng đủ khiến Vương Quang Mỹ trở nên trang nhã hơn.
Trong chuyến thăm Đông Nam Á cùng cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ vào năm 1963, phu nhân Vương Quang Mỹ mặc một chiếc sườn xám để làm nổi bật thân hình thon thản, cộng với vẻ đẹp duyên dáng của mình, Vương Quang Mỹ đã chiếm được cảm tình của nhân dân các nước khác. Một số tờ báo nước ngoài còn gọi Vương Quang Mỹ là "Người phụ nữ đẹp nhất Trung Quốc".
Người phụ nữ tài năng, đức hạnh
Vậy tại sao Vương Quang Mỹ lại chọn Lưu Thiếu Kỳ làm bạn đời của mình? Bà từng giải thích rằng bà đối với Lưu Thiếu Kỳ "từ kính trọng, cảm thông tới có cảm tình và dần dần là tình yêu". Trong lúc sinh hoạt đảng tại Bắc Kinh, bà đã được đọc cuốn "bồi dưỡng đảng viên" của Lưu Thiếu Kỳ, những tư tưởng và lý luận của ông đã khiến Vương Quang Mỹ vô cùng khâm phục. Sau này khi tới Diên An, rồi tới Tây Bạch Phá, được tiếp xúc nhiều lần với Lưu Thiếu Kỳ, bà mới phát hiện cuộc sống hôn nhân của ông gặp nhiều bất hạnh, không ai ở bên chăm sóc và dần dần bà tỏ ra cảm thông với hoàn cảnh của ông. Mặc dù nhiều tuổi nhưng Lưu Thiếu Kỳ có vẻ ngoài tuấn tú và là người tận tụy nên đã để lại ấn tượng tốt trong lòng Vương Quang Mỹ.
Tháng 8 năm 1948, Vương Quang Mỹ và Lưu Thiếu Kỳ tổ chức đám cưới tại Tây Bách Pha. Sau khi kết hôn, Vương Quang Mỹ đã một lòng một dạ chăm sóc cho Lưu Thiếu Kỳ. Là bà mẹ của 4 đứa con chung và 5 đứa con riêng của Lưu Thiếu Kỳ, Vương Quang Mỹ vẫn luôn thân thiện, cởi mở và yêu con chồng cũng như con đẻ, đặc biệt là đối với con gái thứ của Lưu Thiếu Kỳ, Lưu Đào. Bà thường mua cho cô quần áo mới, xe đạp, đồng hồ, những thứ được coi là xa xỉ lúc bây giờ, điều này khiến con gái ruột của bà cũng cảm thấy ghen tị. Lưu Ái Cầm cũng được Vương Quang Mỹ hết mực thương yêu, mặc dù chỉ kém mẹ kế 6 tuổi nhưng Lưu Ái Cầm vẫn luôn miệng gọi "mẹ Quang Mỹ" một cách trìu mến.
Dưới bàn tay vun vén của Vương Quang Mỹ, đại gia đình hơn 10 người của Lưu Thiếu Kỳ trở thành một trong những gia đình "hạnh phúc nhất" Trung Nam Hải (trụ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), khiến nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng phải ngưỡng mộ.
Lòng trung thành của Vương Quang Mỹ được thể hiện rõ trong cách mạng văn hóa. Khi Lưu Thiếu Kỳ bị Lâm Bưu, Giang Thanh hãm hại, biết tính mạng bản thân khó giữ, Lưu Thiếu Kỳ từng dặn dò vợ mang con rời khỏi Trung Nam Hải nhưng Vương Quang Mỹ một mực từ chối. Người phụ nữ nhìn bề ngoài mềm yếu nhưng lại cương quyết lạ thường. Bà luôn tin rằng chồng mình vô tội và kiên quyết ở bên Lưu Thiếu Kỳ, thậm chí bà nguyện chịu tội thay để bảo vệ cho chồng.
Cách mạng văn hóa không lâu, Vương Quang Mỹ bị đem giam ở nhà tù Tần Thành. Mặc dù vậy, bà vẫn không thôi lo lắng cho chồng. Lúc ra khỏi nhà, bà còn kịp mang theo một đôi tất của chồng, ở trọng ngục, bà thường đem tất ra ngắm và cầu mong cho chồng được bình an.
Vào giữa năm 1980, Lưu Thiếu Kỳ cuối cùng cũng được minh oan (sau khi từ trần 10 năm). Vài ngày được lễ tưởng niệm, Vương Quang Mỹ đã cùng con gái tới Khai Phong, nơi Lưu Thiếu Kỳ chút hơi thở cuối cùng để đem quan tài của ông về Bắc Kinh. Một nhiếp ảnh gia khi đó đã ghi lại được hình ảnh Vương Quang Mỹ vừa rơi nước mắt, vừa từ từ đóng nắp quan tài của chồng lại.
Vương Quang Mỹ không chỉ là một người phụ nữ yêu chồng, thương con hết mực, bà còn là người tích cực tham gia cách hoạt động xã hội, đặc biệt là trong phong trào "công trình hạnh phúc" được phát động từ năm 1995. Năm 1996, bà đã bán bốn tác phẩm nghệ thuật có giá trị mà mẹ bà để lại để đóng góp vào quỹ "công trình hạnh phúc", giúp đỡ các bà mẹ trong hoàn cảnh khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của bà, "quỹ công trình hạnh phúc" đã thu được 310 triệu NDT, giúp đỡ hơn 180 hộ gia đình nghèo khó.
Trước khi qua đời (mùa thu năm 2006), bà vẫn còn dặn dò con gái mình tiếp tục sự nghiệp của "công trình hạnh phúc", cho tới khi con gái bà gật đầu đồng ý tới lần thứ 3, bà mới mỉm cười và ra đi thanh thản.
Sầm Hoa (Theo crossmap.cn)