Theo GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền - Chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục trường THPT Việt Nhật, học yêu lao động, các em học sinh có thể tự giải phóng mọi áp lực trong học tập.
- Thưa ông, thời gian vừa qua đã xảy ra một số sự việc đau lòng của học sinh phổ thông vì áp lực học hành đã làm xôn xao cộng đồng, ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?
Theo tôi, đây là một sự việc đáng lo ngại và cũng là hồi chuông báo động cho các bậc phụ huynh và cho toàn ngành giáo dục. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và tìm hiểu nguyên nhân cũng như giải pháp lâu dài cho môi trường học tập thật sự là nơi dạy làm người để học sinh chuẩn bị tốt cho việc học nghề và khởi nghiệp của mình một cách chủ động.
- Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến sự việc đau lòng này do đâu?
Từ không hiểu biết tâm lý có ngưỡng quá tải nên vô tình phụ huynh đẩy con em mình quá sức do mong muốn “học để đổi đời”. Thêm vào đó, những học sinh có sự cố gắng nhưng không làm chủ được tâm lý nên theo những tác động thiếu nền tảng từ gia đình, thầy cô và bạn bè sẽ dẫn đến những sự việc đáng buồn.
Ngoài ra, học mà không định hướng phù hợp với học lực, lao vào học và học đầy khắc nghiệt, thiếu cách thức giải phóng ức chế, không tổ chức hoạt động vui chơi giải trí… cũng là những nguyên nhân rất phổ biến hiện nay.
- Vậy đâu là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Thứ nhất, cần có một đội ngũ các nhà tâm lý, các giáo viên có trình độ xã hội học, chứ không đơn thuần là chuyên môn thì mới có thể chia sẻ thương yêu giữa thầy - trò; phương pháp tham vấn, tư vấn tâm lý và tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh… qua đó tạo cho học sinh năng lực tự chủ trong một gia đình, nhà trường, xã hội, tích cực xây dựng lối sống văn hóa giáo dục lành mạnh, đủ năng lực thích ứng trong xã hội hiện đại nhưng cũng rất phức tạp.
Thứ hai, chương trình đào tạo cần tích hợp giữa kiến thức chuyên nghiệp và kiến thức xã hội cụ thể hài hoà trong từng bài giảng, từng học sinh. Mô hình giáo dục lớp học đang lạc hậu nên phải xây dựng mô hình người học trong lớp học, tạo cho từng học sinh cụ thể với tâm lý, năng lực học tập, hoàn cảnh của từng em để vừa chuyển tải kiến thức chung, riêng và cá thể người học.
Ngày nay thế giới đang đi đến mô hình người học chứ không còn mô hình lớp học kiểu đại trà như trước đây.
- Ông có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh và học sinh trước áp lực như vậy?
Phụ huynh cần am hiểu tâm lý, nguyện vọng chính đáng của các em học sinh để từ đó tác động giúp các em biết phá, vượt lên những giới hạn của bản thân bằng chủ động nỗ lực của con em mình, chứ không phải áp đặt, ép buộc. Tuy nhiên, các em học sinh chưa có nhận thức đầy đủ thì phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát có văn hóa với các em, tránh dùng những hành vi thô bạo, thiếu văn hóa trong ứng xử với con em mình.
Chúng ta hiểu rằng sự phát triển của học sinh là cả quá trình lao động, học tập, rèn luyện nhân cách, nuôi dưỡng tình yêu thương … mới là những hành trang để các em vào đời. Thiếu lao động là rất nguy hiểm và là nguyên nhân của những sai lầm có thể xảy ra, vì thế dạy yêu lao động là điều quan trọng nhất, học sinh yêu lao động các em tự giải phóng mọi áp lực trong học tập.
- Xin cảm ơn ông!
Lệ Thanh (thực hiện)